5. Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại
5.1. Hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trong các trường hợp cụ thể quy định tại Điều 111 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo đó được hoãn chấp hành trong các trường hợp: 1. Đang ốm nặng có chứng nhận của bệnh viện; 2. Gia đình đang có khó khăn đặc biệt được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
Các trường hợp được miễn chấp hành gồm: 1. Mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện; 2. Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà người đó có tiến bộ rõ rệt trong việc chấp hành pháp luật hoặc lập công hoặc không còn nghiện ma túy; 3. Đang mang thai có chứng nhận của bệnh viện.
Trên cơ sở đơn đề nghị của người phải chấp hành quyết định hoặc người đại diện hợp pháp của họ, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định áp dụng phải thụ lý trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị; trong thời gian 03 ngày, kể từ ngày thụ lý Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định; trong trường hợp cần thiết, cơ quan đề nghị, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản trước khi Tòa án ra quyết định.
Sau khi xem xét hồ sơ kèm theo đơn đề nghị, Thẩm phán ra một trong các quyết định: 1. Chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Quyết định hoãn hoặc miễn chấp hành biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quy định tại Điều 31 của Pháp lệnh này và phải được gửi cho người được quy định tại khoản 3 Điều 111 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
5.2. Giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại,được áp dụng trong trường hợp người đã chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính một nửa thời hạn, nếu có tiến bộ hoặc lập công thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại. Trong trường hợp người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính bị ốm nặng mà được đưa về gia đình điều trị thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định, thời gian điều trị được tính vào thời hạn chấp hành quyết định, nếu sau khi sức khoẻ được phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ 03 tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành, nếu trong thời gian tạm đình chỉ mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại. Đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại (Điều 112 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Về thủ tục đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại do người có thẩm quyền đề nghị gồm: Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc có gửi văn bản đề nghị cho Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định; trường hợp cần thiết, cơ quan đề nghị, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản trước khi Tòa án ra quyết định.
Quyết định về việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều 31 của Pháp lệnh này và phải được gửi cho người được quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.
6. Trình tự, thủ tục khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
6.1. Về trình tự, thủ tục khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với các quyết định của Tòa án được Pháp lệnh quy định tương tự như thủ tục phúc thẩm nhằm bảo đảm cho việc xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính được khách quan, đúng pháp luật.
Các quyết định của Tòa án có thể bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị bao gồm:
- Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
- Quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
- Quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
- Quyết định về việc hoãn, miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
- Quyết định về việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại.
Người có quyền khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa:
- Người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền khiếu nại quyết định của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
- Cơ quan đề nghị có quyền kiến nghị, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật.
Thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị là 03 ngày làm việc, kể từ khi Tòa án công bố quyết định.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại hoặc văn bản kiến nghị, kháng nghị, Tòa án đã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải gửi đơn hoặc văn bản kiến nghị, kháng nghị kèm theo hồ sơ cho Tòa án cấp trên trực tiếp để xem xét, giải quyết; đồng thời, thông báo về việc khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị cho cá nhân, cơ quan có liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tòa án cấp trên trực tiếp phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết.
Trình tự tiến hành phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án, do Thẩm phán tiến hành theo quy định tại Điều 34 Pháp lệnh. Thẩm quyền của Thẩm phán giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị: Không chấp nhận, chấp nhận một phần khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giữ nguyên, sửa, hủy… các quyết định của Tòa án cấp huyện đã xem xét, giải quyết (Điều 35 Pháp lệnh). Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành ngay (khoản 2 Điều 36 Pháp lệnh).
6.2. Về khiếu nại, giải quyết khiếu nại hành vi của người có thẩm quyền của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính
Hành vi có thể bị khiếu nại trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được quy định tại Điều 37 Pháp lệnh, gồm: Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại hành vi của Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án trong việc giao, nhận hồ sơ, thụ lý, phân công Thẩm phán, yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ, gửi quyết định của Tòa án, mở phiên họp, thành phần phiên họp, thời hạn giải quyết và hành vi khác trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thời hạn khiếu nại là 03 ngày làm việc, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức khiếu nại biết được và cho rằng hành vi của người có thẩm quyền vi phạm pháp luật.
Về thẩm quyền và thời hạn giải quyết:
- Đối với khiếu nại hành vi của Thẩm phán, Thư ký Tòa án cấp huyện do Chánh án Tòa án cấp huyện giải quyết trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Tòa án cấp tỉnh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án cấp tỉnh phải xem xét, giải quyết. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp tỉnh là quyết định cuối cùng. Khiếu nại hành vi của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.
- Khiếu nại hành vi của Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án cấp tỉnh do Chánh án Tòa án cấp tỉnh giải quyết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án cấp tỉnh phải xem xét, giải quyết. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.
7. Về vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân
Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đây là nguyên tắc hiến định, yêu cầu mọi chủ thể phải tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, bảo đảm tính thống nhất và thượng tôn pháp luật. Do vậy, sự tham gia của Viện kiểm sát trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là rất cần thiết để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, sự công bằng, bình đẳng, tuân thủ pháp luật của các chủ thể.
- Điều 4 Pháp lệnh quy định như sau:
1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.
2. Viện kiểm sát tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này.
3. Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý vụ việc đó.
- Điều 20 Pháp lệnh quy định: Kiểm sát viên tham gia phiên họp phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
- Điều 26, 27 quy định: trong trường hợp cần thiết Viện kiểm sát có ý kiến bằng văn bản về việc đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng còn lại.
- Điều 30 Pháp lệnh quy định: Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật.
- Điều 34 Pháp lệnh quy định: Kiểm sát viên tham gia phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.
Thông qua những quy định của Pháp lệnh, chúng ta thấy Viện kiểm sát là cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án. Vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát được thể hiện xuyên suốt quá trình này với tư cách là chế định, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính đúng đắn trong hoạt động của Tòa án.
Trên đây là một số nội dung của Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2014. Việc triển khai, phổ biến quán triệt các quy định của Pháp lệnh để thi hành trong thực tiễn là yêu cầu rất cần thiết, đáp ứng sự đòi hỏi của Đảng, chính quyền và mọi người dân. Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền cần phải có những hướng dẫn đầy đủ, kịp thời để bảo đảm việc thực hiện đúng đắn các quy định của Pháp lệnh trong thực tiễn cuộc sống.
Phòng 12 – VKSND tỉnh Bến Tre