Pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể như thế nào là tuổi vị thành niên và chưa vị thành niên. Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015:“1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên” và khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015: ”1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
Như vậy, Bộ luật Dân sự chỉ có quy định về người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi và người thành niên là từ đủ 18 tuổi trở lên. Còn theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định lứa tuổi 10 - 19 tuổi là độ tuổi vị thành niên.
Theo Luật Trẻ em năm 2016, người dưới 16 tuổi được xem là trẻ em và xét về mặt xã hội, độ tuổi này vẫn đến trường, còn lệ thuộc vào gia đình, cha mẹ về mọi mặt. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là có không ít trường hợp các em gái đang còn trong độ tuổi đến trường phải gặp bác sĩ sản khoa để giải quyết những hậu quả của việc quan hệ tình dục sớm như nạo phá thai, viêm nhiễm sinh dục, thậm chí mắc các bệnh liên quan đến tình dục để lại hệ lụy sức khỏe lâu dài. Còn các em trai thì có những trường hợp phải áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Trường giáo dưỡng. Điển hình từ một vụ việc sau:
Từ cuối năm 2022 đến ngày 14/6/2023, Nguyễn Văn B.L , sinh ngày 13/7/2009 có quan hệ tình cảm với Nguyễn Thị N.Y, SN: 24/9/2010 là người ngụ cùng ấp. Cả 02 nhiều lần quan hệ tình dục dẫn đến Y có thai 08 tuần tuổi. Khi phát hiện sự việc, gia đình Y có đơn tố giác đến Cơ quan điều tra Công an huyện B.T. Qua làm việc, L thừa nhận hành vi của mình. Xét thấy hành vi của L có dấu hiệu của tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 142 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, tại thời điểm thực hiện hành vi, L mới đủ 13 tuổi 11 tháng 01 ngày, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên Cơ quan điều tra Công an huyện B.T ra quyết định không khởi tố vụ án. Ngày 20/11/2023, Trưởng Công an huyện B.T có văn bản số 09/ĐN-CAH đề nghị Áp dụng biện pháp xử lý hành chính (Áp dụng BPXLHC) đưa vào trường giáo dưỡng đối với Nguyễn Văn B.L.
Ngày 08/12/2023, Tòa án nhân dân huyện B.T ban hành quyết định Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với Nguyễn Văn B.L, sinh ngày 13/7/2009. Thời gian chấp hành tại trường giáo dưỡng là 20 tháng, kể từ ngày người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính bị tạm giữ để đưa đi trường giáo dưỡng.
Ngày 15/12/2023, đại diện pháp luật của Nguyễn Văn B.L là chị Bùi Thị M.D có đơn khiếu nại đề nghị xem xét giảm thời hạn áp dụng đối với Bảo Linh từ 20 tháng xuống 12 tháng.
Tại phiên họp, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre đẽ đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ của L: Về nhân thân L là người chưa thành niên, không có tiền án, tiền sự, nhận thức pháp luật còn hạn chế, cần có sự quan tâm, giáo dục của gia đình; gia đình Linh cũng đã bồi thường cho phía bị hại, đồng thời gia đình Y cũng có đơn xin giảm nhẹ cho L. Ngoài ra, theo tài liệu do gia đình L cung cấp là học bạ của L từ lớp 6 đến học kỳ I lớp 8, L được giáo viên chủ nhiệm nhận xét là ngoan, hiền, học lực khá, hạnh kiểm khá và tốt, gia đình L cũng được Ủy ban nhân dân xã công nhận đạt tiêu chí là “ Gia đình học tập” năm 2016-2020. Đại diện cơ quan đề nghị là Công an huyện B.T cũng có ý kiến đề nghị Tòa án xem xét giảm nhẹ thời hạn cho L.
Theo đó, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã căn cứ các tình tiết giảm nhẹ tại Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính, quyết định: Áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với Nguyễn Văn B.L trong thời hạn 12 tháng. Phiên họp được khép lại bằng một quyết định vừa mang tính răn đe, giáo dục cho L nhưng cũng mang tính nhân văn, hợp tình, hợp lý.
Tuy nhiên, bản thân người viết vẫn thấy chạnh lòng khi nhớ lại vẻ mặt ngơ ngác, ngây ngô, ánh mắt đượm buồn pha chút sợ sệt của L tại phiên họp và những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt sạm nâu, toát lên sự vất vả của người mẹ (là đại diện pháp luật cho B.L) khi trình bày về hoàn cảnh gia đình: Cha mẹ L đã ly hôn từ năm 2015, L sống với mẹ và 01 anh trai, 01 chị gái. Anh, chị của L đều ngoan ngoãn, học giỏi hiện nay đang học đại học. Bản thân L cũng ngoan, hiền, chỉ vì sự tò mò của tuổi dậy thì và theo tôi vấn đề đáng quan tâm là sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng Internet chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ và đâu đó cũng có sự thiếu quan tâm từ gia đình, nhất là những gia đình có hoàn cảnh không trọn vẹn.
Theo các chuyên gia tâm lý, tuổi vị thành niên là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi có con trong độ tuổi vị thành niên, cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn, dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với con những định hướng đúng đắn về tình cảm. Gia đình, nhà trường và tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên cần có sự phối hợp để tuyên truyền, giáo dục, trang bị cho các em những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính cho các em, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn, tránh được những trường hợp đáng tiếc như trường hợp của L.
Thúy Kiều - Phòng 10 Viện KSND tỉnh Bến Tre