Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

 

Hs1

Đ/c Hoàng Nghĩa Mai, Ủy viên Thường trực ban soạn thảo, Trợ lý đồng chí Lê Hồng Anh, 
Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực BBT phát biểu khai mạc hội thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự

Ngày 13/3/2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo khoa học đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử”. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo, Trợ lý đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và chủ trì hội thảo. Cùng dự có PGS-TS Trần Văn Độ, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Ngài Matsumoto Takeshi, Cố vấn trưởng Dự án Jica. Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học giả, luật sư và đại diện các cơ quan: Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Công an, Viện Khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự Bộ đội biên phòng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng Cục Hải quan - Bộ Tài chính, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Thành viên Tổ giúp việc Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS).

Hs2 
Đ/c Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát VKSND tối cao
trình bày nội dung sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Ủy viên Thường trực ban soạn thảo cám ơn sự có mặt tham gia góp ý kiến của các các nhà khoa học, các diễn giả, các chuyên gia, luật sư, các nhà hoạt động thực tiễn thảo luận về những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai nhấn mạnh, thực hiện chương trình xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, bổ sung do Quốc hội giao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành hữu quan để xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, bổ sung. Đồng chí nêu rõ, một trong những yêu cầu quan trọng của quá trình cải cách tư pháp nói chung và cải cách tư pháp hình sự nói riêng được đặt ra cần phải nghiên cứu theo quy định mới của Hiến pháp năm 2013, Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng “Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử”.

Hs3 
Hs4 

Các đại biểu dự hội thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự

Hội thảo đã nghe đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày những nội dung sửa đổi, bổ sung một số quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng “Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử” gồm: Sự có mặt của bị báo tại phiên toà; sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên toà; sự có mặt của người bào chữa tại phiên toà; quyền của Kiểm sát viên và người tham gia tố tụng yêu cầu triệu tập những người khác tham gia phiên toà; quyền của bị cáo hỏi những người tham gia tố tụng khác; nội dung của bản án; sự gặp mặt, trao đổi giữa người bào chữa và bị can, bị cáo…

Tại hội thảo, các tham luận, ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học giả, luật sư và đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương đều tập trung phân tích làm rõ một số nguyên tắc tiến bộ được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay gồm: Triệu tập Điều tra viên đến phiên toà; Kiểm sát viên rút quyết định truy tố tại phiên toà; giới hạn của việc xét xử. Nhiều ý kiến cũng đã đi sâu và làm rõ bản chất của nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, và mối quan hệ giữa nguyên tắc tranh tụng với các nguyên tắc khác, trong đó có nguyên tắc bảo đảm quyền con người của công dân, nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định trong Hiến pháp.

Phát biểu Kết luận hội thảo, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Ủy viên Thường trực ban soạn thảo ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học về những nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử”. Đồng chí lưu ý, tranh tụng trong xét xử là hiến định trong hoạt động tố tụng và xuyên suốt trong quá trình giải quyết vụ án; mô hình của chúng ta là thẩm vấn và tranh tụng. Nhưng trong một số vụ án, trường hợp xét xử không nhất thiết phải tranh tụng. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai tin tưởng trong thời gian tới, với tinh thần trách nhiệm cao tập trung trí tuệ của các nhà khoa học, học giả, chuyên gia và đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên, Thẩm phán, Luật sư trong việc xây dựng, hoàn thiện Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung), trên cơ sở tiếp tục kế thừa các quy định hiện hành, tiếp thu tinh thần của Hiến pháp năm 2013 vừa được công bố và yêu cầu hội nhập quốc tế. Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung) nhằm đáp ứng những thẩm quyền tố tụng để Viện kiểm sát thực hiện đầy đủ trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong thời gian tới.

                                                                                                 Quốc Hưng

                                                                                   (Nguồn vksndtc.gov.vn)