TỈNH UỶ BẾN TRE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
BCS ĐẢNG VKSND TỈNH BẾN TRE Bến Tre, ngày 25 tháng 5 năm 2014
*
Số: 27-KH/BCSĐ
KẾ HOẠCH
Triển khai thực hiện Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị về việc
tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp
Thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; căn cứ vào Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2014 của BCĐ cải cách tư pháp tỉnh và Kế hoạch số 16-KH/BCSĐ ngày 03/4/2012 của Ban Cán sự Đảng Viện KSND tỉnh Bến Tre về nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp của Ngành giai đoạn 2011-2016.
Nay, Ban Cán sự Đảng VKSND tỉnh Bến Tre đề ra một số nội dung cụ thể cần tập trung thực hiện trong năm 2014 và những năm tiếp theo như sau:
1. Tổ chức phổ biến, quán triệt Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị
Ban Cán sự đảng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị và kết quả tổng kết, đánh giá của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh về những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm qua 8 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp; phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Kết luận của Bộ Chính trị và các văn bản của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, Ngành về cải cách tư pháp trong thời gian tới đến cán bộ chủ chốt 02 cấp.
Các đơn vị trực thuộc tổ chức phổ biến, quán triệt Kết luận của Bộ Chính trị và các băn bản của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tại đơn vị mình ngay sau đó.
2. Các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân
2.1. Tập trung triển khai các biện pháp nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng về: “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI
- Viện kiểm sát hai cấp tích cực và quan tâm đến công tác tiếp nhận và giải quyết tin báo, tố giác tội phạm của Cơ quan điều tra, đảm bảo chỉ tiêu Quốc hội giao (đạt trên 90%).
- Nâng cao trách nhiệm, quyền hạn, phát huy tính chủ động của Kiểm sát viên trong giải quyết án hình sự, nhất là đối với việc ban hành các quyết định, đề ra yêu cầu thuộc thẩm quyền tố tụng của Viện kiểm sát trong giai đoạn khởi tố, điều tra; kiên quyết không phê chuẩn hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ, trái pháp luật của cơ quan điều tra.
- Nâng cao trách nhiệm Viện kiểm sát 2 cấp trong việc bảo đảm việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam đều có căn cứ, đúng pháp luật. Bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội.
2.2. Nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại các phiên toà hình sự, trọng tâm là: “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà” theo Nghị quyết 49-NQ-TW của Bộ chính trị.
- Tăng cường tính chủ động của Kiểm sát viên khi tham gia xét hỏi, tranh luận, bảo vệ quan điểm truy tố tại phiên toà. Nâng cao chất lượng xét hỏi, luận tội, tranh luận của Kiểm sát viên, coi đây là khâu đột phá của cải cách hoạt động thực hành quyền công tố tại các phiên toà hình sự.
- Kiểm sát chặt chẽ các bản án, quyết định của Tòa án, chú trọng nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm đối với các bản án, quyết định về hình sự của Toà án khi có căn cứ kháng nghị; tăng tỷ lệ kháng nghị được Toà án chấp nhận ngày càng cao.
2.3. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Toà án và các ngành có liên quan trong giải quyết các vụ án hình sự. Chú trọng chọn án điểm, xét xử lưu động, tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo chỉ tiêu Ngành giao.
Thông qua việc giải quyết các vụ án hình sự, kịp thời phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm để kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp khắc phục; đồng thời quan tâm đến việc phát hiện vi phạm trong hoạt động điều tra, xét xử để kiến nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra và Toà án chấn chỉnh, khắc phục vi phạm.
2.4. Kiểm sát chặt chẽ việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù. Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp oan, sai trong tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù; quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ, trái pháp luật.
Phòng 1, 2, 3, 4 và Viện kiểm sát các huyện - thành phố phối hợp các ngành liên quan thực hiện.
2.5. Tập trung đổi mới nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật.
- Tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên; đổi mới phương thức, biện pháp thực hiện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
- Xác định đúng phạm vi để chỉ đạo thực hiện công tác kiểm sát dân sự, hành chính có trọng tâm, trọng điểm, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm sát nhất là án tạm đình chỉ của Tòa.
- Nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm; tăng tỷ lệ kháng nghị của Viện kiểm sát được Toà chấp nhận cao trong công tác kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính.
Phòng 5, phòng 12 và Viện kiểm sát huyện – thành phố phối hợp các ngành liên quan thực hiện.
2.6. Đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm sát việc thi hành các bản án và quyết định của Toà án.
- Tăng cường công tác kiểm sát trực tiếp đối với trại giam Châu Bình trong thi hành án phạt tù. Chú trọng kiểm sát đối với các trường hợp bị kết án phạt tù nhưng chưa thi hành; trường hợp trốn thi hành án; các trường hợp tạm đình chỉ, hoãn chấp hành hình phạt tù. Kiểm sát chặt chẽ đối với các trường hợp cho hưởng án treo, các trường hợp bị phạt cải tạo không giam giữ, phạt tiền và các hình thức phạt khác không phải là hình phạt tù. Tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát việc xét miễn, giảm chấp hành hình phạt, xoá án tích. Phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để thực hiện tốt công tác đặc xá theo quyết định của Chủ tịch nước.
- Nâng cao chất lượng kiểm sát thi hành án dân sự. Tập trung kiểm sát việc phân loại những vụ việc dân sự có điều kiện và không có điều kiện thi hành để yêu cầu thi hành đối với những vụ việc có điều kiện thi hành; phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự xác định các vụ việc không có điều kiện thi hành, có biện pháp khả thi để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết dứt điểm. Kiểm sát chặt chẽ hoạt động cưỡng chế thi hành án, cho hoãn thi hành án, những việc thi hành án phức tạp, kéo dài… .Nâng cao chất lượng kháng nghị, kiến nghị và yêu cầu Cơ quan thi hành án trả lời kháng nghị trong thi hành án dân sự.
Phòng 4, 10 và các Viện kiểm sát huyện – thành phố phối hợp các ngành liên quan thực hiện.
2.7. Tiếp tục nâng cao chất lượng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân, tăng cường công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 09/CT-TW ngày 6/3/2002 của Ban bí thư về một số vấn đề cấp bách trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo.
Phòng Tổ chức - Khiếu tố phối hợp Viện kiểm sát huyện – thành phố các Phòng nghiệp vụ và các ngành liên quan thực hiện.
3. Công tác xây dựng ngành
3.1. Đổi mới công tác tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên.
- Tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, kiểm sát viên 2 cấp đảm bảo số lượng và chất lượng.
- Tiếp tục rà soát, chuẩn bị về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khi Ngành có chủ trương tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tương ứng theo hai phương án (phương án 1, tổ chức theo khu vực như Kết luận số 79-KL/TW của Bộ chính trị; phương án 2, tổ chức tòa án nhân dân sơ thẩm đặt tại đơn vị hành chính cấp huyện) đảm bảo không bị động.
- Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có đủ năng lực để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
- Tăng cường cán bộ lãnh đạo chủ chốt 2 cấp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ trẻ có quan điểm chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, đã được đào tạo cơ bản và có kinh nghiệm trong thực tiễn công tác đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo.
Phòng Tổ chức - Khiếu tố chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát huyện – thành phố, các Phòng nghiệp vụ và các ngành liên quan thực hiện.
3.2. Đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm cho Viện kiểm sát các cấp có đủ điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ.
- Ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho Viện kiểm sát huyện Mỏ Cày Bắc
- Đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Văn phòng phối hợp Viện kiểm sát huyện – thành phố, các Phòng trực thuộc và các ngành liên quan thực hiện.
4. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động của Viện kiểm sát
4.1. Tăng cường sự lãnh đạo và kiểm tra của Đảng, sự giám sát của cơ quan dân cử đối với công tác của Viện kiểm sát. Thực hiện nghiêm túc các chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân 2 cấp đối với công tác của ngành Kiểm sát.
4.2. Quán triệt, chỉ đạo toàn Ngành triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI); tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 07/7/2007 của Bộ chính trị và Hướng dẫn của Ban bí thư về sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng, Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Ban cán sự đảng phối hợp Đảng uỷ, Lãnh đạo viện chỉ đạo các phòng trực thuộc và Viện kiểm sát huyện – thành phố phối hợp với các ngành liên quan thực hiện.
5. Tổ chức thực hiện
1. Kế hoạch này được triển khai đến toàn thể cán bộ, Đảng viên. Căn cứ vào Kế hoạch, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các huyện – thành phố, cụ thể hoá thực hiện chức năng nhiệm vụ vào chương trình công tác hàng tháng, năm.
3. Văn phòng có trách nhiệm phối hợp với các phòng trực thuộc và Viện kiểm sát các huyện – thành phố tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định./.
Nơi nhận: T/M BAN CÁN SỰ ĐẢNG
- VKSTC (VP-BCSĐ, VP-VTC); BÍ THƯ
- Ban CĐCCTP tỉnh;
- BCS Đảng – Đảng uỷ;
- Các VKS huyện – thành phố; (đã ký)
- Các phòng trực thuộc;
- Lưu: VT.
Đoàn Hoàng Đệ