Kết hôn và ly hôn là hai mặt của một hiện tượng trong đời sống gia đình. Nếu kết hôn là việc hình thành quan hệ hôn nhân giữa 2 người khác giới tính thì ly hôn là việc chấm dứt mối quan hệ đó về mặt pháp lý theo luật Hôn nhân và gia đình. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng khi cả hai người đang còn sống, do cả hai bên vợ chồng thuận tình và được Tòa án công nhận bằng quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc chỉ do một bên yêu cầu, được Tòa án đưa ra xét xử và phán quyết bằng một Bản án cho ly hôn.
Hiện nay, tình trạng ly hôn trên địa bàn huyện Bình Đại đang là vấn đề đáng báo động cả về số lượng các vụ ly hôn cũng như hậu quả tiêu cực của nó để lại. Theo số liệu thống kê mới nhất của Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Đại, trong 06 tháng đầu năm 2024 đơn vị đã thụ lý kiểm sát 170 vụ, việc hôn nhân gia đình trong tổng số 351 vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (chiếm 48,4%). Tình trạng này là rất đáng lo ngại. Điều đáng buồn là trên 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình mà vợ chồng trong độ tuổi 20 - 30, trong đó có trên 60% ly hôn khi mới kết hôn từ 1 - 3 năm và có con chung.
Có thể nói, ly hôn là sự lựa chọn của hai người cả vợ và chồng hoặc đơn phương từ một phía chồng hoặc vợ nhưng tình trạng hôn nhân gia tăng và ngày càng trẻ hóa, việc hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, người thân mà còn gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Bởi gia đình là tế bào của xã hội, khi tế bào không “khỏe” thì xã hội bị ảnh hưởng nhiều mặt. “Nạn nhân” đầu tiên và bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc ly hôn chính là những đứa con.
Sau ly hôn, các cặp vợ chồng “đường ai nấy đi” và có thể sớm ổn định cuộc sống mới. Thế nhưng, với những đứa trẻ không may trong cuộc, ít nhiều đều chịu ảnh hưởng đến tâm lý, việc hình thành nhân cách và phát triển, trước hết là việc không còn được sống trong một gia đình trọn vẹn. Thiếu hụt tình cảm và sự giáo dục đầy đủ của gia đình cùng những cám dỗ của xã hội làm cho trẻ chưa thành niên, lứa tuổi vốn có tâm lý thiếu ổn định mất đi khả năng điều chỉnh hành vi phù hợp với chuẩn mực pháp luật. Thậm chí trẻ có lối sống thích hưởng thụ hoặc đòi hỏi, không có kỹ năng sống để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội.ÂÂÂ Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.
Khi trẻ nhận thức được rằng cha mẹ sẽ không còn sống chung một nhà sau khi ly hôn thì đó sẽ là một đòn đau tác động mạnh mẽ đến tâm lý của trẻ. Ly hôn khiến người lớn nhẹ nhõm khi đã bước ra khỏi mối quan hệ bí bách, không lối thoát, song đối với con trẻ, đó là sự hụt hẫng, trống trải. Sau cuộc chia ly của người lớn, con trẻ phải đối mặt với sự thiếu vắng người cha/người mẹ và sự chia rẽ tình cảm đối với anh/chị/em ruột của mình. Dù ở bất cứ lứa tuổi nào, dù cha mẹ ly hôn trong hoàn cảnh nào, đứa trẻ cũng bị ảnh hưởng nhất định tới cuộc sống, tâm lý.
Nguyên nhân phần lớn và sâu xa dẫn tới tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt với các cặp vợ chồng trẻ là do họ thiếu kỹ năng sống. Họ bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe và những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình, quá đề cao cái tôi của bản thân, ít quan tâm đến chồng hoặc vợ, khiến phần lớn các cặp vợ chồng trẻ nảy sinh mâu thuẫn ngay từ những tháng đầu, năm đầu của cuộc hôn nhân. Trong khi đó nhận thức về cuộc sống gia đình, ý nghĩa của hôn nhân và tình yêu còn hời hợt đã khiến họ không đủ bản lĩnh và kỹ năng giải quyết, vượt qua các mâu thuẫn, dẫn đến ly hôn. Chiếm một phần trong số các cặp ly hôn là do họ kết hôn ngoài ý muốn khi những hiểu biết về kiến thức giới tính có phần hạn chế.
Nguyên nhân thứ hai là do kinh tế khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh, sinh con sớm khiến vợ chồng thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn, không tập trung đồng thuận để xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái. Hầu hết trong các Quyết định công nhận thuận tình ly hôn đều thể hiện các cặp vợ chồng đến xin ly hôn không có tài sản chung.
Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như do tư tưởng lạc hậu, người vợ không sinh được con trai nên người chồng ngoại tình hoặc ly hôn để lấy vợ mới với mục đích có con “nối dõi tông đường”; vấn đề về bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội; vợ chồng bất hòa, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn do nhận thức về xã hội, pháp luật chưa đầy đủ, thậm chí nhiều trường hợp người chồng nghiện ngập ma túy, cờ bạc, rượu chè … dẫn đến người vợ không chịu được phải ly hôn.
Để hạn chế tình trạng ly hôn, các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến Luật hôn nhân và gia đình; đặc biệt chú trọng đến truyền thông, giáo dục đời sống gia đình thông qua các nghi lễ tôn giáo, phong tục tập quán, đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"...
Các bạn thanh niên trước khi kết hôn cần trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình. Các cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, vị trí của mình trong xây dựng gia đình, biết yêu thương, lắng nghe và chia sẻ, biết tôn trọng, nhường nhịn nhau, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Từ lâu, gia đình được xem là thành tố quan trọng hình thành cấu trúc bền vững của xã hội, mà tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng thì chắc chắn cấu trúc ấy sẽ mặc nhiên ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề chung của xã hội. Đồng thời, các bậc làm cha mẹ sau khi ly hôn xin đừng quên trách nhiệm với con cái. Đừng chỉ lo bản thân mà vô tình “chôn vùi tương lai của trẻ thơ”. Quan trọng hết, hãy chung tay xây đắp một gia đình êm ấm, hạnh phúc vì con cái và vì một xã hội ổn định, phồn vinh, phát triển./.
Diễm Phúc - Viện KSND huyện Bình Đại