Mới đây, TAND tỉnh Bến Tre đưa ra xét xử phúc thẩm vụ “Đòi tài sản” giữa nguyên đơn ông L.T.M và bị đơn bà N.T.N.N.
Nội dung vụ án: Ông M trình bày vào ngày 01/8/2002 âm lịch, vợ chồng ông bà có cho bà N mượn số vàng 20 chỉ vàng 24k, khi mượn có làm giấy tờ do bà N viết và ký tên, có thoả thuận thời gian trả là 05 tháng, lãi suất 5%/tháng, bà N mượn vàng để làm gì thì ông, bà không biết, bà N có đóng được 02 tháng lãi với số tiền 500.000 đồng.
Vào ngày 4/8/2002 âm lịch, vợ chồng ông tiếp tục cho bà N vay số tiền 6.000.000 đồng, khi vay bà N có viết và ký tên vào giấy nhận nợ, thoả thuận thời gian trả là 01 tháng, mượn không thoả thuận lãi. Bà N hứa nếu trả chậm thì quy ra thành vàng để trả.
Tuy nhiên đến nay đã 14 năm nhưng bà N không trả nợ gốc cũng như tiền lãi cho ông, bà. Nay vợ chồng ông, bà yêu cầu bà N phải trả cho ông, bà số vàng 20 chỉ vàng 24k và số tiền 6.000.000 đồng, không yêu cầu tính lãi.
Ảnh minh hoạ
Bà N thừa nhận có mượn số vàng 20 chỉ vàng 24k và 6.000.000 đồng như lời trình bày của nguyên đơn. Tuy nhiên vào năm 2002 bà đã trả hết số nợ vàng và tiền cho vợ chồng ông M. Bà không nhớ thời gian trả cụ thể vì đã lâu. Khi bà trả là tại nhà ông M, có hai vợ chồng ông M nhận tiền, ngoài ra không có ai chứng kiến. Vì bà tin tưởng nên không yêu cầu ông M trả lại các giấy tờ nhận nợ. Nay bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông M vì bà đã trả xong số tiền 6.000.000 đồng và 20 chỉ vàng 24k cho vợ chồng ông M.
Bà N cho rằng nếu bà không trả tiền nợ vay thì tại sao ông M không kiện bà sớm mà đến nay đã 14 năm ông mới khởi kiện bà?
Toà án xét xử dựa vào chứng cứ
Cấp phúc thẩm nhận định: Ông M yêu cầu bà N trả cho ông, bà 20 chỉ vàng 24k và số tiền nợ vay 6.000.000 đồng. Căn cứ để ông, bà khởi kiện là “sổ mượn vàng” và “giấy mượn tiền”. Bà N thừa nhận có vay ông M số tiền nợ vay 6.000.000 đồng và 20 chỉ vàng 24k, nhưng bà cho rằng đã trả số tiền này vào năm 2002. Tuy nhiên, bà không có chứng cứ chứng minh cho việc trả nợ này. Bà cho rằng khi trả tiền là tại nhà ông M và giao tiền trực tiếp cho vợ chồng ông M, việc giao tiền không có ai chứng kiến, tuy nhiên do bà tin tưởng vợ chồng ông M nên bà không yêu cầu xé giấy nợ và cũng không làm giấy tờ chứng minh cho việc đã trả nợ. Tòa hai cấp nhận định đây là lời trình bày không có cơ sở. Ngoài những lời nại trên, bà không đưa ra được chứng cứ nào khác để chứng minh cho lời trình bày của mình. Do đó, toà sơ thẩm căn cứ vào “sổ mượn vàng” và “giấy mượn tiền” để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Kết quả xét xử phúc thẩm y án sơ thẩm.
Trên thực tế có rất nhiều trường hợp người vay tiền đã trả nợ xong nhưng không lấy lại biên nhận nợ hoặc là viết biên nhận đã trả xong nợ. Thực hư câu chuyện chỉ có người trong cuộc mới rõ, tuy nhiên toà án xét xử dựa vào chứng cứ, người bị kiện đòi nợ cần đưa ra các chứng cứ cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình./.
Trần Thị Ấm – Phòng 9 Viện KSND tỉnh Bến Tre