Yêu cầu mở lối đi qua bất động sản liền kề là quyền của cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu được mở lối đi ra đường công cộng khi không có lối đi nào khác.
Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền về lối đi quy định:
“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Quy định là như thế nhưng không ít trường hợp các chủ sở hữu bất động sản có lối đi bị yêu cầu mở họ thường không chấp nhận hoặc có chấp nhận đi chăng nữa họ sẽ đưa ra giá khá cao cho việc mở lối đi, từ đó có tranh chấp xảy ra.
Điển hình một vụ án vừa được xét xử phúc thẩm tại toà án nhân dân tỉnh Bến Tre.
Ảnh minh hoạ
Vợ chồng ông T, bà H hiện đang quản lý, sử dụng phần đất diện tích 4.332,7m2 thuộc thửa số 1, tờ bản đồ 23, toạ lạc ấp HT, xã HN, huyện CL, tỉnh Bến Tre. Phần đất này hiện đang bị vây bọc bởi các bất động sản trong đó có đất của ông D (Đất có yêu cầu được mở lối đi).
Hiện gia đình ông T muốn đi ra đường công cộng phải đi qua đất của ông D, lối đi có chiều rộng khoảng 01 mét, chiều dài 91m, thuộc thửa 13, tờ bản đồ số 23. Lối đi này gia đình ông T đã sử dụng từ trước năm 1975 đến nay. Trước đây, khi phần đất này còn thuộc quyền sử dụng đất của gia đình ông P (Ông D mua lại đất từ ông P), gia đình ông T vẫn sử dụng lối đi trên đất của ông P nhưng không đi theo lối đi hiện nay mà đi trên phần đất ông P giáp ranh với đất ông K. Đến năm 2009 ông P sang nhượng phần đất trên cho ông D thì gia đình ông D đề nghị gia đình ông T dời lối đi qua phần đất cặp ranh giữa ông D và ông P (Cũng là lối đi hiện nay ông T yêu cầu). Tuy nhiên, đến khoảng tháng 4 năm 2016 thì gia đình ông D không cho ông T sử dụng lối đi này nữa. Ông D đề nghị gia đình ông T phải mua lối đi với giá 1.000.000 đồng/m2. Do giá quá cao nên hai bên không thương lượng được.
Tại phiên toà sơ thẩm ông D đồng ý mở lối đi nhưng ông T phải bồi thường 68.000.000 đồng.
Xét xử sơ thẩm toà sơ thẩm chấp nhận yêu cầu mở lối đi của ông T, tuy nhiên tổng giá trị cây trồng và đất ông T phải bồi thường theo giá mà hội đồng định giá là 26.450.000 đồng (trong đó giá đất tính 200.000 đồng/m2 là 18.200.000 đồng và tiền cây trồng thiệt hại là 8.250.000 đồng).
Không đồng ý quyết định sơ thẩm ông D kháng cáo cho rằng hội đồng định giá quá thấp, nếu ông T không đồng ý trả số tiền 68.000.000 đồng ông sẽ không bao giờ mở lối đi cho ông T.
Kết quả xét xử phúc thẩm, toà cấp phúc thẩm sửa án do ông T đồng ý bồi thường giá trị đất 300.000 đồng/m2, không đồng ý giá bồi thường 68.000.000 mà ông D yêu cầu.
Có thể thấy yêu cầu mở lối đi là quyền được pháp luật quy định, tuy nhiên sẽ không dễ dàng khi yêu cầu này ảnh hưởng đến cái “lợi” của bên bị yêu cầu mở lối đi, đa số các trường hợp sẽ không đồng ý mở lối đi vì các lý do: các bên mất lòng với nhau, lợi ích không được đảm bảo (đất mất nhưng tiền bồi thường ít)…do đó, tranh chấp xảy ra. Thiết nghĩ, pháp luật đã có quy định các bên tranh chấp nên chấp hành, cùng nhau đưa ra thoả thuận phù hợp để đảm bảo quyền lợi của các bên, cũng như giữ được tình làng nghĩa xóm./.
Trần Thị Ấm- Phòng 9 VKSND tỉnh Bến Tre