Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

(tiếp theo kỳ trước)

3.4 Kinh nghiệm về việc thu thập chứng cứ khi nghiên cứu hồ sơ ở một số vụ án cụ thể

- Đối với vụ án hành chính

Ví dụ vụ kiện: Người khởi kiện: ông Trần Chí T và ông Thái Tổ Đ với Người bị kiện: Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực MN thuộc Cục điều tra chống buôn lậu, trực thuộc Tổng cục hải quan; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Lâm Chí Ph và bà Đào Bích Ng.

Nội dung vụ án: Ngày 03/10/2012, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực MN có Quyết định số 03/QĐ-DD3 để khám xét toàn bộ hàng hóa và phương tiện vận chuyển đường thủy mang ký hiệu ĐT 18601. Cùng ngày, Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực MN, Cục điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục hải quan và Cảnh sát đường thủy công an tỉnh X lập biên bản khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính, tiến hành khám xét tàu thủy số đăng ký 18601, do thuyền trưởng Trần Chí T điều khiển, lúc này tàu đang chở đường cát trắng (2.000 bao=100.000kg) và Gạo (30 bao=1.500kg). Toàn bộ lô hàng đường cát được đóng gói bằng bao nilon trắng, không có nhãn hàng hóa trên bao bì sản phẩm, chỉ có nhãn tự in được bấm gim kẹp trên đầu bao bì ghi tên cơ sở đóng gói đường cát MT.

Ngày 04/10/2012, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu MN ban hành quyết định số 04/QĐ-DD3 tạm giữ số lượng hàng hóa nêu trên với lý do: Bao bì hàng hóa (đường cát) và hóa đơn chứng từ chưa thể hiện rõ nguồn gốc hợp pháp theo quy định tại Điều 11, 12 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006.

 Đến ngày 13/10/2012, Đội kiểm soát chống buôn lậu MN mới lập biên bản niêm phong hải quan và lấy mẫu đường đi giám định. Tại biên bản này thì ông T có ý kiến: có chứng kiến lấy đường, nhưng đường của ai, tôi không biết.

Ngày 21/11/2012, Đội kiểm soát chống buôn lậu MN lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan số 09/BB-HC đối với hành vi vận chuyển của ông Trần Chí T.

Ngày 19/12/2012, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực MN ban hành Quyết định số 08/QĐ-Đ3 xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, có nội dung: Xử phạt ông Trần Chí T với hình thức xử phạt sau: Hình thức phạt chính: Phạt tiền 15.000.000đ; Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ lô hàng gồm: 30 bao=1.500kg Gạo và 2.000 bao=100.000kg đường cát trắng.

Ngày 27/3/2013, ông T và ông Đ khởi kiện Quyết định số 08/QĐ-Đ3 với lý do: Trước khi tịch thu số lượng hàng hóa nêu trên, Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực MN tiến hành lấy mẫu giám định không khách quan, không đúng trình tự quy định; Không giao kết luận giám định (chứng thư giám định KT3-21491, TP2/3 ngày 29/10/2012) để chúng tôi thực hiện quyền khiếu nại, xem xét; Công văn số 44/2012/HHMĐ ngày 31/10/2012 của Hiệp hội mía đường làm căn cứ tịch thu hàng là đúng pháp luật; Quyết định số 08/QĐ-Đ3 ngày 19/12/2012 không có điều khoản về thời hạn thực hiện quyền khởi kiện tại Tòa án; Thời hạn tính từ ngày tạm giữ hàng hóa đến khi có quyết định xử lý vi phạm hành chính 60 ngày; Sau khi ban hành Quyết định số 08/QĐ-Đ3 ngày 19/12/2012 cơ quan ban hành quyết định hành chính (Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực MN) không gửi đồng thời đến cơ quan cấp trên (Tổng cục hải quan) và Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát pháp luật theo quy định.

Tại bản án hành chính sơ thẩm số 06 ngày 18/12/2013, TAND tỉnh ĐT quyết định: “Bác yêu cầu khởi kiện của ông T”.

Ông T, ông Đ, ông Ph có đơn kháng cáo.

Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của ông T, không chấp nhận kháng cáo của ông Đ, ông Ph.

Nhận xét đánh giá:Có quan điểm cho rằng:

Thứ nhất, về việc xác định chủ sở hữu của lô hàng 100.000kg đường cát bị thu giữ là chưa có đủ cơ sở để xác định lô hàng này bị Đội kiểm soát thu giữ là của cơ sở MT do ông Đ hay ông Ph làm chủ. Tòa hai cấp đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của ông Đ là không đúng.

Thứ hai, Về trình tự thủ tục niêm phong hàng hóa bị tạm giữ: Ngày 04/12/2012, Đội trưởng Đội kiểm soát đã ban hành quyết định tạm giữ hàng hóa, thuê kho của doanh nghiệp tư nhân CH và chuyển toàn bộ hàng hóa (100.000kg đường và 1500kg gạo) vào kho, nhưng không niêm phong hàng hóa tại thời điểm đó mà đến ngày 13/10/2012 mới làm thủ tục niêm phong là không đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, về giám định 100.000kg đường cát trắng bị thu giữ: Hiệp hội mía đường không có chức năng giám định.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu nội dung vụ kiện, VKSTC thấy rằng: Việc Đội kiểm soát chống buôn lậu MN khám xét hành chính đối với tàu thủy của ông T là thuyền trưởng điều khiển tàu (ông Đ là chủ sở hữu tàu nhưng không có mặt tại tầu), trên tầu có 100.000kg đường và 1500kg gạo không rõ là xuất xứ từ trong nước hay nhập lậu từ nước ngoài vào. Tại thời điểm kiểm tra ngày 04/10/2012 Đội kiểm soát có quyết định tạm giữ hàng hóa nhằm mục đích để xác định có phải là hàng nhập lậu hay không, Đội kiểm soát không tiến hành lập biên bản và niêm phong tại chỗ trước sự có mặt của ông T, ông C và đại diện Đội kiểm soát chống buôn lậu MN mà đưa thẳng vào kho của ông C, 09 ngày sau (vào ngày 13/10/2012) mới tiến hành lập biên bản niêm phong thì ông T không thừa nhận số hàng hóa trong kho do ông T chở. Như vậy là niêm phong không tiến hành kịp thời tại chỗ là vi phạm khoản 3 Điều 46 Pháp lệnh xử lý VPHC năm 2008, do đó Đội kiểm soát chống buôn lậu lấy hàng hóa không niêm phong đi giám định để làm căn cứ xác định ông T có hành vi chở hàng lậu để ra quyết định xử lý vi phạm hành chính là không đủ căn cứ. Ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy quyết định hành chính nhưng Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của ông T là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận khởi kiện của ông T và hủy quyết định hành chính là có cơ sở.

- Đối với án kinh doanh thương mại

Vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng” xảy ra tại thành phố H giữa: Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP S với Bị đơn: Bà Chu Thị L.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Chu Duy H và bà Đỗ Thị Bích N; Ông Chu Duy Q; Ông Chu Duy V và bà Bùi Thị Hồng M; Anh Chu Nhật H (con ông V, bà M); Ông Chu Mạnh H và bà Dương Thị Hồng T; Bà Chu Thị Hải T, Chu Thị Thu H, Chu Thị Nguyệt A, ông Chu Hữu C.

Để đảm bảo cho khoản vay 2.900.000.000đ theo Hợp đồng tín dụng số 109/2010/HĐTD ký ngày 30/3/2010 giữa Ngân hàng S ký với bà Chu Thị L. Bà L thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại phường X, quận Y, Thành phố H thuộc sở hưũ của bà L theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 10101215102 do Ủy ban nhân dân Thành phố H cấp cho bà L. Nguồn gốc của khối tài sản này do cụ A (mẹ bà L) cho bà L ngày 23/5/2006, do bà L không trả nợ cho Ngân hàng nên Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà L phải trả nợ gốc và lãi cho Ngân hàng, nếu bà L không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì yêu cầu phát mại tài sản đã thế chấp để thanh toán.

Theo nguồn gốc nhà và đất số 2 phố N thì nhà và đất thuê của Nhà nước do cụ Hồ Thị A đứng tên. Đứng tên trong Hợp đồng còn có các thành viên là ông Chu Duy H (con cụ A) và ông Nguyễn Hữu H.

Ngày 29/10/2000, cụ A đứng tên mua nhà và Ủy ban nhân dân Thành phố H đã cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất cho Cụ A ngày 12/01/2001 trong đó nhà ở là 38,6 m2, đất 81,1 m2. Ngày 17/5/2006 cụ A lập hợp đồng tặng cho nhà cho bà Chu Thị L (con gái). Hợp đồng được đăng ký sang tên ngày 23/5/2006.

Tại thời điểm 17/5/2006 khi cụ A làm hợp đồng tặng cho nhà cho bà L tại số 2 phố N thì còn có vợ chồng ông H (con trai cụ A) đã xây nhà khoảng 30 m2 năm 1986 để ở. Ngoài ra còn có gia đình ông V, ông Q, ông H cũng đang sống ở trên khu đất này và các ông này không biết cụ A tặng cho bà L nhà và đất. Ông H xuất trình giấy cụ A viết tặng cho ông H 30/81,1 m2 ngày 16/12/2005 và đến ngày 12/4/2006 ông H phá nhà cũ, xây nhà mới bà L biết nhưng cũng không phản đối.

Nhận xét đánh giá: Trong vụ án này, về hình thức bà L có quyền đem giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà và đất tại số 2 phố N, thành phố H đem thế chấp cho Ngân hàng S để vay 2 tỷ 9 nhưng việc Ngân hàng đã không thẩm định kỹ mà đã chấp nhận việc thế chấp này là không đúng, việc thẩm định của Tòa án không được tiến hành đầy đủ, không xem xét đánh giá rõ tính chất hợp pháp của việc tặng cho nhà và đất giữa cụ A và bà L vì Tài sản và đất của bà L được cụ A tặng cho bà L chỉ được quyền thế chấp đất và nhà của mình cho Ngân hàng, còn tài sản của các em bà L thì việc thế chấp của bà L với Ngân hàng là hoàn toàn vô hiệu. Khi giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm xử lý quyền sử dụng đất mà không xử lý tài sản trên đất là không đúng. Cấp giám đốc thẩm kháng nghị hủy án sơ thẩm, phúc thẩm giao hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.

- Đối với vụ án lao động

Ví dụ: vụ án tranh chấp hợp đồng lao động giữa: Nguyên đơn: Ông Dương Quang P; Bị đơn: Ông Tạ Quang H - Giám đốc bệnh viện tư nhân P.

Nội dung vụ án: Hợp đồng lao động số 01/2009/HĐLĐ ngày 24/7/2009 giữa ông Tạ Quang H - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân khám bệnh P với ông Dương Quang P (với mức lương của ông P là 50.000.000 đồng/tháng) do ông H xuất trình nhưng không được ông P thừa nhận. Hợp đồng lao động số 36/VP-DN ngày 28/7/2009 giữa ông Tạ Quang H với ông Dương Quang P (với mức lương của ông P là 120.000.000 đồng/tháng) do ông H xuất trình được ông P thừa nhận nhưng ông P cho rằng ông ký hợp đồng này theo yêu cầu cá nhân của ông P nhưng ụng H cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Cả hai hợp đồng đều có thời hạn 36 tháng và ông P giữ chức danh chuyên môn là “Giám đốc bệnh viện”.

Ngày 14/02/2010, ông Tạ Quang H bị tai nạn, ngày 19/4/2010 ông H uỷ quyền cho vợ là bà Nguyễn Thị Kim H điều hành doanh nghiệp. Ngày 06/5/2010, bà H ký thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với ông P. Đến ngày 10/6/2010 bà H ký quyết định số 17/QĐ-DN về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông Dương Quang P. Do đó, ông P khởi kiện yêu cầu Toà án huỷ quyết định số 17/QĐ-DN ngày 10/6/2010 về việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và buộc yêu cầu ông H – giỏm đốc doanh nghiệp tư nhân khám bệnh P, phải thanh toán tiền lương 10 tháng 9 ngày và bồi thường các khoản thiệt hại theo Luật lao động cho ông P với số tiền là 2.824.000.000 đồng.

Tại bản án lao động sơ thẩm số 01/2011/LĐST ngày 22/7/2011 của Toà án nhân dân thành phố H, tỉnh T đã quyết định, xử:

 Huỷ quyết định số 17/QĐ-DN ngày 10/6/2010 của Doanh nghiệp tư nhân khám bệnh P về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Dương Quang P.

Ghi nhận sự tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động số 36/VP-DN ngày 28/7/2009 giữa ông Dương Quang P và ông Tạ Quang H kể từ ngày 22/7/2011.

Buộc ông Tạ Quang H phải thanh toán tiền lương và các khoản bồi thường cho ông Dương Quang P tổng cộng 2.344.159.000 đồng.

Ngày 27/3/2013 Viện trưởng VKSND tối cao đã Kháng nghị Bản án lao động phúc thẩm số 01/2012/LĐ-PT ngày 30/5/2012 của Tòa án nhân dân  tỉnh T theo hướng huỷ Bản án lao động phúc thẩm số 01/2012/LĐ-PT ngày 30/5/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh T và Bản án lao động sơ thẩm số 01/2011/LĐST ngày 22/7/2011 của Toà án nhân dân thành phố H; giao hồ sơ vụ án về Toà án nhân dân thành phố H giải quyết lại theo quy định của pháp luật với lý do sau:

Doanh nghiệp tư nhân khám bệnh P là doanh nghiệp hoạt động ngành nghề có điều kiện, vì vậy người được tuyển dụng giữ chức danh “Giám đốc bệnh viện” phải theo đúng quy định tại Nghị định số 103/2003/NĐ-CP ngày 12/9/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân.

 Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 103/2003/NĐ-CP ngày 12/9/2003 của Chính phủ và hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.1, mục 1 phần V Thông tư số 07/2007/TT-BYT ngày 25/5/2007 của Bộ y tế thì: Giám đốc bệnh viện tư nhân phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh được đăng ký .

Ngày 15/4/2010, ông Dương Quang P được Sở Y tế tỉnh T cấp chứng chỉ hành nghề số 90/CCHN-Y. Do đó, việc ông Tạ Quang H - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân khám bệnh P, ký Hợp đồng lao động số 01/2009/HĐLĐ ngày 24/7/2009 hay Hợp đồng số 36/VP-DN ngày 28/7/2009 với ông Dương Quang P với chức vụ “Giám đốc bệnh viện” P là vi phạm vào điều cấm của pháp luật. Ngoài ra, khi hai bên ký Hợp đồng lao động số 01/2009/HĐLĐ ngày 24/7/2009 cũng như Hợp đồng lao động số 36/VP-DN ngày 28/7/2009 thì Bệnh viện đa khoa P – thành phố T chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng chỉ đủ điều kiện hành nghề y tế tư nhõn (ngày 30/12/2010, Bộ y tế mới cấp giấy chứng chỉ đủ điều kiện hành nghề y tế tư nhân cho Bệnh viện đa khoa tư nhân P) nên cả hai Hợp đồng đều bị coi là vô hiệu, theo quy định tại Điều 128 Bộ luật dân sự năm 2005.

Nhận xét đánh giá: Mặc dù cả hai hợp đồng lao động giữa ông Tạ Quang H - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân khám bệnh P với ông Dương Quang P đều vô hiệu do vi phạm các quy định của pháp luật về điều kiện hành nghề y nhưng trên thực tế, ông P đã làm việc cho doanh nghiệp tư nhân khám bệnh P và tại Toà án hai cấp, phía bị đơn đồng ý trả cho lương cho ông P thời gian ông P đã làm tại doanh nghiệp tư nhân khám bệnh P với mức lương 50.000.000 đồng/tháng là cần được chấp nhận. Việc Toà án hai cấp căn cứ vào Hợp đồng lao động số 36/VP-DN ngày 28/7/2009 để buộc phía bị đơn thanh toán cho ông P những ngày không được làm việc do Doanh nghiệp chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật với ông P theo mức lương 120.000.000 đồng/tháng là không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, muốn nâng cao chất lượng kháng nghị đòi hỏi mỗi Kiểm sát viên, mỗi cấp kiểm sát phải nghiên cứu kỹ hồ sơ để tìm ra được vi phạm trong việc áp dụng pháp luật tố tụng, pháp luật nội dung, việc đánh giá chứng cứ không đúng.

4. Kiểm sát bản án, quyết định

Kinh nghiệm kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án có hiệu quả, yêu cầu Kiểm sát viên khi nghiên cứu đi sâu vào những vấn đề sau:

4.1 Kiểm sát về thủ tục

- Phát hiện Tòa án giải quyết vụ án có đúng thẩm quyền  về lãnh thổ, về loại việc hay không?

- Vi phạm về thời hạn giải quyết vụ án.

- Xác định được tư cách pháp lý của người tham gia tố tụng.

4.2 Kiểm sát về nội dung bản án, quyết định

- Xem xét yêu cầu của người khởi kiện, người phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

- Kiểm sát việc HĐXX có phản ánh đầy đủ các tình tiết có trong hồ sơ vụ án; thu thập chứng cứ; việc đánh giá chứng cứ; việc áp dụng pháp luật và đường lối giải quyết vụ án.

- Kiểm sát phần quyết định của vụ án: Phần áp dụng pháp luật, các căn cứ để chấp nhận hoặc bác yêu cầu của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người có yêu cầu độc lập, đánh giá chứng cứ trong bản án, việc áp dụng pháp luật tố tụng, pháp luật nội dung để phát hiện vi phạm của bản án; kiểm sát việc quyết định án phí đối với các đương sự để làm cơ sở cho VKS thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị.

Kinh nghiệm ở một số Viện kiểm sát địa phương, qua kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án đã tập trung phát hiện về: thời hiện khởi kiện, không đưa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vào tham, gia tố tụng, việc áp dụng án phí không đúng và đã thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị.

5. Thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm

5.1 Kháng nghị phúc thẩm

Điểm đáng lưu ý pháp luật tố tụng hành chính, tố tụng dân sự không liệt kê các căn cứ kháng nghị phúc thẩm. Như vậy về nguyên tắc VKS có thể kháng nghị phúc thẩm đối với mọi bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, việc áp dụng  pháp luật nội dung, sai lầm trong việc đánh giá chứng cứ. Còn những vi phạm pháp luật tố tụng không nghiêm trọng thì tập hợp kiến nghị chung.

Kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, muốn hoạt động kháng nghị có hiệu quả thì:

- Sự phối hợp tốt giữa Viện kiểm sát cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cấp phúc thẩm trong việc cung cấp bản án, tài liệu.

- Nắm rõ hồ sơ vụ án để đánh giá việc áp dụng pháp luật tố tụng, áp dụng pháp luật nội dung (đây là khâu yếu nhất của Kiểm sát viên), đánh giá chứng cứ gắn với thực hiện quyền thu thập chứng cứ theo quy định tố tụng hành chính, tố tụng dân sự để phát hiện ra những sai lầm của Bản án, quyết định để từ đó Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị.

5.2. Kháng nghị giám đốc thẩm

Bên cạnh việc nghiên cứu hồ sơ, bản án một cách toàn diện khách quan; muốn nâng cao chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm thì Kiểm sát viên ngoài việc làm tốt thao tác, kỹ năng của kháng nghị phúc thẩm thì việc nghiên cứu hồ sơ ở giai đoạn giám đốc thẩm là khâu then chốt, việc nắm rõ các quy định của pháp luật nội dung trong lĩnh vực hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, việc đánh giá chứng cứ cần gắn với việc yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ là công việc quyết định đến kháng nghị hay không kháng nghị.

5.3. Kháng nghị tái thẩm

Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ phát hiện ra người tiến hành tố tụng làm sai lệch hồ sơ vụ án, phát hiện ra tình tiết mới mà đương sự, cơ quan tố tụng không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án. Kinh nghiệm cho thấy, Viện kiểm sát thu thập tài liệu qua đơn khiếu nại, tố cáo của đương sự. Do đó, kiểm sát giải quyết án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động cần phối hợp tốt với công tác khiếu tố, cơ quan điều tra để phát hiện kết hợp với việc cung cấp tài liệu chứng cứ và qua thực hiện yêu cầu cơ quan tổ chức, đương sự cung cấp các tài liệu, trên cơ sở đó sự so sánh, đánh giá chứng cứ tìm ra vi phạm sai lầm của bản án trước đó.

6. Kiến nghị

Kinh nghiệm kiến nghị của VKS đòi hỏi mỗi Kiểm sát viên, mỗi đơn vị, mỗi cấp phải tiến hành định hướng phát hiện vi phạm, tập hợp vi phạm theo từng tiêu chí, từng thời hạn trên cơ sở đó mới tiến hành quyền kiến nghị. Kinh nghiệm của những năm gần đây thì VKSND tối cao đã chỉ đạo trong toàn ngành tiến hành phát hiện, tập hợp, kiến nghị theo từng dạng vi phạm, tiến hành kiến nghị theo từng cấp và báo cáo cấp trên tập hợp kiến nghị chung. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực, hạn chế vi phạm của Tòa án./.

Phòng 10 – VKSND tỉnh Bến Tre