Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn hoạt động kiểm sát của Ngành, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 10) đã tập hợp những kinh nghiệm về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động, những vấn đề trọng tâm để nghiên cứu, tham khảo và vận dụng nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm sát trong thời gian tới, như sau:

1. Về kiểm sát trả lại đơn khởi kiện

Theo quy định tại Điều 109 Luật Tố tụng hành chính và Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự  2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì Tòa án có quyền trả lại đơn khởi kiện khi gặp một trong các trường hợp quy định của điều luật.

Kinh nghiệm công tác kiểm sát cho thấy: Nhiều Viện kiểm sát địa phương phát hiện nhiều Tòa án lợi dụng việc nhận thức chưa đúng của đương sự, việc hướng dẫn bổ sung đơn khởi kiện của Tòa án đối với đương sự chưa hết trách nhiệm, cá biệt ngại thụ lý giải quyết đối với các quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cùng cấp, từ đó đã có việc trả lại đơn khởi kiện không đúng pháp luật gây phiền hà và tạo ra những bức xúc không cần thiết trong nhân dân. Trong tố tụng hành chính thường xảy ra việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện là phổ biến với lý do: đương sự khởi kiện không có quyền khởi kiện, khởi kiện không đúng đối tượng vv... Trong tố tụng dân sự thường gặp phải lý do sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc không thuộc thẩm quyền theo lãnh thổ. Từ thực tế trên, Viện kiểm sát nhân dân có một vai trò rất quan trọng trong việc kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện. Tuy nhiên, cũng gặp rất nhiều khó khăn khi kiểm sát trả lại đơn khởi kiện như Tòa án chỉ gửi Thông báo cho Viện kiểm sát mà không kèm theo bản sao đơn hoặc tài liệu.

Kinh nghiệm ở một số địa phương: Viện kiểm sát làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến quy định này, nhiều đương sự gửi đơn khởi kiện đến Tòa án đồng thời gửi đơn đến Viện kiểm sát nên có cơ sở để thực hiện công tác kiểm sát, mặt khác Viện kiểm sát sau khi nhận được thông bảo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án cũng là nguồn để tiến hành kiểm sát và thực hiện quyền kiến nghị của mình có hiệu quả.

Ví dụ:Ông N khiếu nại Quyết định giải quyết khiếu nại số 01/2012/QĐ-GQKN ngày 13/02/2012 của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh D đối với đơn khiếu nại về Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 09a/2012/TB-TA ngày 09/01/2012 của Tòa án nhân dân tỉnh D.

Nội dung vụ việc: Ngày 16/5/2008, UBND tỉnh D ban hành Quyết định số 1662/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp đường X, thành phố HD. Ngày 19/01/2009, UBND thành phố HD, tỉnh D ban hành Quyết định số 288 thu hồi 3.000,8 m2 đất để cải tạo nâng cấp đường X, thành phố HD, trong đó có một phần diện tích đất của gia đình ông N. Không đồng ý với Quyết định số 288, ông N khiếu nại đến chủ tịch UBND thành phố HD. Ngày 05/9/2009, Chủ tịch UBND thành phố HD có Quyết định giải quyết khiếu nại đối với việc khiếu nại của ông N. Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND thành phố HD, ông N tiếp tục khiếu nại tới Chủ tịch UBND tỉnh D. Ngày 08/11/2011, Chủ tịch UBND tỉnh D ban hành Quyết định số 3100/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại của ông N, nội dung quyết định không công nhận khiếu nại của ông N, giao UBND thành phố HD thực hiện bồi thường theo đúng quy định hiện hành đối với phần diện tích đất ở 1,6 m2, phần diện tích 26,248 m2 còn lại phải tính toán chính xác để hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; rút kinh nghiệm và việc xác minh, giải quyết đơn khiếu nại của ông N còn có nội dung chưa chính xác; công khai quyết định giải quyết khiếu nại (lần 2) này của Chủ tịch UBND tỉnh với nhân dân địa phương để hiểu và đồng thuận. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, nếu không đồng ý với quyết định ông N có quyền khởi kiện vụ án hành chính.

Ngày 01/12/2011, ông N khởi kiện Quyết định số 3100/QĐ-UBND tại TAND tỉnh D. Ngày 09/01/2012, Tòa án nhân dân tỉnh D có Thông báo số 09a/2012/TB-TA về việc trả lại đơn khởi kiện của ông N với lý do Quyết định số 3100/QĐ-UBND không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Ông N khiếu nại đến Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh đối với thông báo trả lại đơn khởi kiện trên.

Ngày 13/3/2012, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh D ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 01/2012/QĐ-GQKN có nội dung: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N, thu hồi lại Thông báo trả lại đơn khởi kiện để tiến hành các hành vi tố tụng về việc thụ lý đơn khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 14/04/2012, Tòa án nhân dân tỉnh D có Thông báo số 01/TB-TA đề nghị ông N sửa đổi, bổ sung nội dung đơn khởi kiện.

Ngày 15/03/2012, ông N có đơn khởi kiện với nội dung sửa đổi đối tượng khởi kiện là hành vi của Chủ tịch UBND tỉnh D không khắc phục hành vi hành chính sai trái của UBND thành phố HD trong việc không ra quyết định thu hồi đất.

Ngày 19/03/2012, Tòa án nhân dân tỉnh D căn cứ điểm c khoản 1 Điều 109 Luật Tố tụng hành chính ban hành Thông báo số 88/2012/TB-TA trả lại đơn khởi kiện của ông N với lý do: Hành vi của Chủ tịch UBND tỉnh D về việc ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại không phải đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

Ngày 20/03/2012, ông N khiếu nại lên Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh D đối với Thông báo trả lại đơn khởi kiện của Tòa án nhân dân tỉnh D.

Ngày 03/04/2012, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh D ban hành Quyết định số 22/QĐ-GQKN có nội dung: Không chấp nhận khiếu nại của ông N, giữ nguyên Thông báo trả lại đơn khởi kiện của TAND tỉnh D.

Nhận xét: Việc TAND tỉnh D hướng dẫn đương sự thay đổi nội dung đơn khởi kiện, chuyển đối tượng khởi kiện từ Quyết định hành chính sang hành vi hành chính. Người khởi kiện đã thực hiện nhưng sau đó Tòa án lại trả lại đơn khởi kiện với lý do đối tượng khởi kiện không đúng nhưng Viện kiểm sát không phát hiện và kiến nghị kịp thời, Viện kiểm sát địa phương còn lúng túng và đã báo cáo Viện kiểm sát tối cao.

Ví dụ: Việc đại diện 496 hộ kinh doanh tại chợ NT, quận C, thành phố H khiếu nại giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án nhân dân thành phố H đối với thông báo trả lại đơn khởi kiện của TAND thành phố H.

Nội dung vụ việc: Ngày 20/3/2012, đại diện 496 hộ kinh doanh tại chợ NT, thành phố H khiếu nại đối với Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 24/01/2011 của UBND thành phố H. Ngày 9/4/2012, Tòa hành chính TAND thành phố H ra Thông báo số 36/TB-TA trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Ngày 13/4/2012, người khởi kiện khiếu nại đến Chánh án TAND thành phố H đề nghị xem xét thụ lý đơn khởi kiện bị trả lại. Ngày 4/5/2012, Chánh án TAND thành phố H ra quyết định số 604/QĐ-GQKN về giải quyết khiếu nại đối với đơn khiếu nại của người khởi kiện có nội dung: Giữ nguyên nội dung thông báo số 36/TB-TA ngày 9/4/2012 của Tòa hành chính TAND thành phố H. Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại người khởi kiện tiếp tục khiếu nại tới VKSND tối cao.

Nhận xét: Việc Chánh án TAND thành phố H ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 604/QĐ-GQKN với nội dung giữ nguyên nội dung Thông báo số 36/TB-TA ngày 9/4/2012 của Tòa hành chính TAND thành phố H trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 110 Luật Tố tụng hành chính về khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện thì ông Chánh án TAND thành phố H chưa thực hiện đúng quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại (trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Toà án phải ra một trong các quyết định giải quyết khiếu nại). Việc phát hiện ra vi phạm là do đương sự gửi đến Viện kiểm sát.

Ví dụ: Việc chủ Doanh nghiệp tư nhân TĐ (người khởi kiện) khiếu nại tới Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc Chánh án Tòa án nhân dân thành phố HCM ra Quyết định giải quyết khiếu nại số 47/2012/QĐGQKN-HC ngày 28/02/2012 đối với khiếu nại của đương sự về việc Tòa án nhân dân thành phố HCM ra Thông báo số 2683/TATP ngày 26/9/2011 trả lại đơn khởi kiện của người khởi kiện.

Nội dung vụ việc: Ngày 02/9/2011, Chủ doanh nghiệp tư nhân có đơn khởi kiện gửi TAND thành phố HCM đối với ông H - Bộ trưởng Bộ Y với nội dung: Việc ban hành Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT-BTC-BTM-BCA ngày 28/12/2007 có một số điều vi phạm nghiêm trọng pháp luật, các cơ quan ban ngành thuộc Bộ quản lý đã áp dụng Thông tư này để ra quyết định hành chính xử phạt sai số tiền 2.500.000.000 đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Doanh nghiệp tư nhân TĐ và việc không hủy bỏ Thông tư này là hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý Nhà nước; yêu cầu Tòa án xử buộc ông Bộ trưởng Y hủy bỏ Thông tư liên tịch, bồi thường số tiền thiệt hại của Doanh nghiệp TĐ. Ngày 26/9/2011, TAND thành phố HCM có thông báo số 2683/TATP trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện với lý do “Doanh nghiệp tư nhân TĐ yêu cầu Tòa án hủy Thông tư số 12 ngày 28/12/2007 là không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”. Ngày 02/10/2011, người khởi kiện có đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND thành phố HCM đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 47 có nội dung “giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện nêu tại Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 2683/TATP ngày 26/9/2011 của TAND thành phố HCM”.

Nhận xét: Chánh án TAND thành phố Hồ Chí Minh kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại của Doanh nghiệp tư nhân TĐ, sau 5 tháng mới ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại là vi phạm nghiêm trọng thời hạn trả lời khiếu nại đối với người  khởi kiện. Tuy nhiên, do sự phối hợp giữa các đơn vị trong cùng một cấp kiểm sát không kịp thời do đó khi nhận đơn khiếu nại của đương sự gửi đến Viện kiểm sát không thực hiện quyền kiến nghị.

Nhận xét tổng quát

Qua các ví dụ trên kinh nghiệm cho thấy sự nhận dạng khi phối hợp giữa các đơn vị kiểm sát khiếu tố và trong giải quyết án kinh doanh thương mại còn hạn chế, khi nhận được đơn khiếu nại nhưng cho rằng khiếu nại theo Luật Khiếu nại mà không phải theo tố tụng.

Hơn nữa, để làm tốt công tác kiểm sát trả lại đơn khởi kiện thì Viện kiểm sát phải nắm rõ các quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với Tòa án cùng cấp, tham mưu cho cấp ủy địa phương chỉ đạo Tòa án thực hiện tốt các quy định của pháp luật.

Khi Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền nhận được thông báo của Tòa án sơ thẩm về việc trả lại đơn khởi kiện thì Viện kiểm sát tiến hành xem xét xem việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án có căn cứ và đúng thủ tục pháp luật không? Nếu phát hiện có vi phạm thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp tiến hành kiến nghị đến Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu xem xét việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán. Nếu thấy Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm nào giữ quan điểm trả lại đơn khởi kiện thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp sơ thẩm tiếp tục kiến nghị lên Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp để xem xét. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp trên là quyết định cuối cùng (Điều 110 Luật Tố tụng hành chính).

Cần lưu ý:

- Việc thực hiện quyền kiến nghị của Viện kiểm sát phải trong thời hạn luật định.

- Nếu thấy việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện nhưng Viện kiểm sát vẫn nhận được đơn khiếu nại của người khởi kiện gửi đến thì hướng dẫn cho đương sự thực hiện quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 110 Luật Tố tụng hành chính.

- Trong ví dụ 1 nêu trên, đương sự gửi đơn đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhưng phải có hướng dẫn cho đương sự.

2. Kiểm sát việc thụ lý của Tòa án

Kinh nghiệm xem xét đơn khởi kiện của đương sự cho thấy: Việc nghiên cứu xem xét đơn giúp KSV biết người khởi kiện là ai? ở đâu? Người bị kiện là ai, ở đâu? Yêu cầu của đương sự, đối tượng bị khởi kiện, thời hiệu khởi kiện trong vụ án hành chính, đối tượng tranh chấp trong vụ án dân sự. Tuy nhiên trong quá trình tham gia tố tụng đương sự có quyền thay đổi yêu cầu. Ngoài ra việc xem xét đơn khởi kiện có thể giúp KSV xem xét người khởi kiện có đầy đủ năng lực hành vi dân sự hay không? Xem xét Tòa án có thông báo cho người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện hay không nếu có, theo nội dung đơn khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện còn hay hết? Thẩm quyền giải quyết của Tòa án nào?

Ví dụ vụ án hành chính giữa: Người khởi kiện: ông A với Người bị kiện: UBND huyện B.

Ngày 20/2/2009 và ngày 11/5/2009, Chủ tịch UBND huyện B ban hành Quyết định số 95/QĐ-CTUBND và Quyết định số 671/QĐ-CTUBND đều có nội dung việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giao cho gia đình ông A.

Ngày 14/02/2014, ông A mới khởi kiện yêu cầu Tòa án huyện B hủy hai Quyết định của Chủ tịch UBND huyện B nêu trên. Tòa án đã tiến hành thụ lý giải quyết và ban hành Bản án sơ thẩm số 06/2014/HCST ngày 10/11/2014 có nội dung bác đơn khởi kiện của ông A.

Ông A kháng cáo đối với Bản án sơ thẩm nêu trên.

Bản án phúc thẩm hành chính số 17/2015/HCPT ngày 30/3/2015 của Tòa án tỉnh B đã quyết định hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Nhận xét: Việc Tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là đúng theo Điều 104 Luật Tố tụng hành chính; Điều 12 Chương 2 Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Điều 3 Nghị quyết 56/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội.

 Kinh nghiệm xem xét việc thụ lý: Số ngày tháng thụ lý của Tòa án có ý nghĩa trong việc quản lý việc giải quyết của Tòa án không bị bỏ quên hoặc kéo dài thời hạn để giải quyết vụ án dẫn đến vi phạm về thời hạn giải quyết vụ án. Ngoài ra giúp KSV xem xét Tòa án thụ lý có đúng thẩm quyền không, cấp huyện hay cấp tỉnh, hay thẩm quyền về lãnh thổ, quyền về loại việc, giữa Tòa dân sự hay Tòa Kinh tế, giữa Tòa Hành chính hay Tòa Lao động…

3. Về nghiên cứu hồ sơ vụ án

3.1 Nghiên cứu hồ sơ ở giai đoạn sơ thẩm

- Việc tiếp nhận chứng cứ của Tòa án: Theo quy định Luật TTHC năm 2010 và BLTTDS năm 2004 (sửa đổi năm 2011) thì người khởi kiện, đương sự ngoài việc nộp đơn khởi kiện thì đương sự còn phải cung cấp tài liệu chứng cứ cho tòa án. Tòa án thụ lý có trách nhiệm tiếp nhận chứng cứ. Bên cạnh đó Tòa án tiếp nhận tài liệu chứng cứ của người có yêu cầu độc lập hoặc người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Kinh nghiệm cho thấy, trong các vụ án hành chính người khởi kiện thông thường là cá nhân, tổ chức khi giao nộp chứng cứ cho Tòa án thì gặp rất nhiều khó khăn so với các vụ án kinh doanh thương mại, lao động, các tài liệu chứng cứ đó thông thường được lưu trữ ở các cơ quan quản lý nhà nước, còn đối với các vụ án, kinh doanh, thương mại, lao động đương sự là người nắm giữ các tài liệu chứng cứ. Việc tiếp nhận chứng cứ phải được lập biên bản giao cho đương sự 01 bản, lưu hồ sơ vụ án 01 bản.

Việc bảo quản chứng cứ của Tòa án: Tòa án thụ lý có trách nhiệm bảo quản chứng cứ do mình trực tiếp tiếp nhận và thu thập. Trong trường hợp không trực tiếp bảo quản được thì phải giao cho người khác. Khi giao cho người khác phải lập biên bản, giao cho người bảo quản 01 bản và lưu hồ sơ 01 bản. Tòa án phải thanh toán tiền thù lao cho người bảo quản. Việc Tòa án xác minh thu thập chứng cứ: Các tài liệu có giá trị chứng minh thường được thu thập là các văn bản tài liệu quyết định của Cơ quan quản lý nhà nước trong các vụ án hành chính, đối với các vụ án kinh doanh thương mại, lao động như hợp đồng, giấy nhận nợ, khế ước nhận nợ, biên bản giao nhận.

Tòa án chỉ xác minh thu thập chứng cứ trong những trường hợp đương sự không thể tiến hành được và phải có yêu cầu Tòa án tiến hành. Tòa án tiến hành xác minh thu thập chứng cứ bằng các biện pháp sau:

+ Kinh nghiệm lấy lời khai đương sự: Chỉ trong trường hợp lời khai mâu thuẫn của chính đương sự, mâu thuẫn với đương sự khác và người làm chứng.

+ Kinh nghiệm tiến hành đối chất: Chỉ trong những trường hợp sau khi Tòa án đã lấy lời khai đương sự mà vẫn mâu thuẫn. Thẩm phán trực tiếp xác minh thu thập tài liệu chứng cứ vẫn còn mâu thuẫn hoặc chưa rõ để làm sáng tỏ vụ án.

+ Kinh nghiệm tiến hành trưng cầu giám định tài liệu: Trong trường hợp có nghi ngờ tài liệu bị sửa chữa, giả mạo.

+ Kinh nghiệm tiến hành thẩm định, định giá tài sản bảo lãnh, thế chấp: Chỉ trong các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại .

- Đánh giá chứng cứ: Trên cơ sở Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ KSV tự nghiên cứu đánh giá xem Tòa án thu thập chứng cứ đã đủ chưa, trên cơ sở đó tự mình đánh giá chứng cứ ở hai khía cạnh đó là: Nếu xác minh chứng cứ đầy đủ thì đề xuất đường lối giải quyết vụ án, còn việc xác minh chưa đầy đủ sau phiên tòa báo cáo lãnh đạo Viện thực hiện quyền kháng nghị.

Lưu ý: Trong thời gian xác minh thu thập chứng cứ thì Thẩm phán quyết định, trong khi xét xử thì HĐXX quyết định.

- Việc Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Tòa án chỉ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời xét thấy thật cần thiết nhưng phải có đơn của đương sự. Trong các vụ án kinh doanh thương mại, thì đương sự phải đặt tài sản để đảm bảo theo quy định tại Điều 120 BLTTDS, nếu việc áp dụng biện pháp gây hậu quả về vật chất thì người có yêu cầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật theo quy định tại Điều 101 BLTTDS.

- Việc Tòa án tiến hành tổ chức đối thoại và hòa giải: Trong các vụ án hành chính, luật khuyến khích Tòa án tổ chức đối thoại giữa các đương sự nhưng không phải là thủ tục bắt buộc, còn trong các vụ án dân sự đây là thủ tục bắt buộc trừ một số trường hợp. Pháp luật tố tụng dân sự nước ta khuyến khích các bên đương sự tự thỏa thuận nhằm hạn chế mâu thuẫn trong nhân dân góp phần ổn định xã hội, vì vậy khi kiểm sát việc hòa giải, Kiểm sát viên cần xem xét Thẩm phán giải quyết vụ án đã giải thích quyền và nghĩa vụ của đương sự, giải thích rõ lợi ích của việc hòa giải thành đối với các bên đương sự trong việc giảm án phí, tiết kiệm thời gian, đỡ hao tổn tài sản… Xem xét việc hòa giải của Thẩm phán có dựa trên nguyên tắc tự nguyện hay không, cần chú ý trường hợp Thẩm phán lợi dụng nguyên tắc này để gây sức ép cho một bên hoặc các bên đương sự, lợi dụng thủ tục này để gạt bỏ đi lợi ích của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (người thứ ba) chủ yếu là các trường hợp người có chung quyền sử dụng đất, sở hữu chung về tài sản…

Lưu ý: Trong TTDS:

- Tại Điều 181 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2011) những vụ án thuộc trường hợp không được hòa giải là: Yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản Nhà nước, những vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Điều 182 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi bổ sung năm 2011) những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được: Bị đơn được triệu tập đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt; đương sự không thể tham gia hòa giải vì có lý do chính đáng.

- Kiểm sát việc tạm đình chỉ vụ án: Cần chú ý lý do về việc tạm đình chỉ trong các vụ án hành chính, dân sự. Theo dõi thời gian tạm đình, lý do tạm đình không còn, việc tiếp tục giải quyết vụ án.

- Kiểm sát việc quyết định đưa vụ án ra xét xử: Xem xét thời gian, địa điểm, thành phần tham gia phiên tòa, việc gửi hồ sơ cho VKS.

Lưu ý: Theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính, tố tụng dân sự trong quyết định đưa vụ án ra xét xử có KSV tham gia phiên tòa và KSV dự khuyết tránh trường hợp không có KSV tham gia phiên tòa.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, KSV xây dựng báo cáo phản ánh đầy đủ tình tiết có trong hồ sơ vụ án, đánh giá nhận xét, đề xuất đường lối giải quyết vụ án dựa trên các tiêu chí sau:

+ Việc áp dụng tố tụng.

+ Việc đánh giá chứng cứ.

+ Việc áp dụng pháp luật nội dung (đây là khâu khó khăn lớn nhất của hoạt động kiểm sát vì văn bản quá nhiều ở các lĩnh vực quản lý Nhà nước), ví dụ khi áp dụng việc tính lãi suất trong hợp đồng tín dụng còn có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng việc áp dụng lãi suất theo thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố với loại cho vay tương ứng.

Còn quan điểm thứ hai chấp nhận lãi suất thỏa thuận theo quy định của Luật tổ chức tín dụng và Thông tư số 12/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 về hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận.

Vấn đề này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng không thể có hai lãi suất tự do mà không có sự quản lý của Nhà nước để tránh lạm dụng cho vay nặng lãi, do đó cần áp dụng nguyên tắc lãi suất quy định tại Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005.

Lưu ý: KSV tham gia phiên tòa chỉ phát biểu về việc chấp hành pháp luật của Thẩm phán, HĐXX và người tham gia tố tụng từ khi thụ lý vụ án đến trước khi nghị án; còn những vấn đề vi phạm của Tòa án về tố tụng, nội dung, về đánh giá chứng cứ thì VKS thực hiện quyền kháng nghị phúc phẩm hoặc kiến nghị sau phiên tòa…

  3.2 Nghiên cứu hồ sơ ở giai đoạn phúc thẩm

Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án là khâu quyết định đến chất lượng kiểm sát tại phiên tòa, chất lượng kháng nghị của Viện kiểm sát; vì vậy, để đảm bảo công tác kiểm sát giải quyết vụ án, việc nghiên cứu và nâng cao chất lượng nghiên cứu hồ sơ vụ án là vấn đề trọng tâm, cơ bản đối với hoạt động kiểm sát tại các thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, khi kiểm sát ở từng thủ tục tố tụng Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể nên việc nghiên cứu hồ sơ vụ án ở từng thủ tục ngoài những vấn đề chung còn có yêu cầu riêng cần nắm vững để thực hiện đúng. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án có thể thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm hoặc để tham gia phiên tòa phúc thẩm nhưng đều nhằm phát hiện vi phạm trong bản án, quyết định sơ thẩm và xác định đường lối giải quyết vụ án. Mục đích của việc nghiên cứu hồ sơ vụ án là nhằm giúp Kiểm sát viên nắm vững được hệ thống chứng cứ của vụ án, làm cơ sở cho việc bảo vệ quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Kinh nghiệm cho thấy, việc nghiên cứu hồ sơ là Kiểm sát viên phải nắm chắc được tất cả các tình tiết vụ án.

Thứ nhất, làm rõ việc áp dụng pháp luật tố tụng: Để làm rõ vấn đề này Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ từng văn bản tố tụng của Tòa án, phải đối chiếu các quy định của pháp luật để xem xét sự phù hợp của văn bản đó với quy định của pháp luật.

Thứ hai, làm rõ nội dung vụ án: Để làm rõ vấn đề này Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ toàn bộ tài liệu trong hồ sơ vụ án để xác định các vấn đề thuộc loại tranh chấp nào? Thuộc quan hệ pháp luật gì? Tính chất, nội dung tranh chấp như thế nào? Tư cách nguyên đơn, bị đơn…

Thứ ba, làm rõ các vấn đề về chứng cứ trên cơ sở bảo đảm thuộc tính của chứng cứ.

Thứ tư, làm rõ các vấn đề về áp dụng pháp luật nội dung của từng lĩnh vực từ Luật đến Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các ngành.

3.3 Nghiên cứu hồ sơ ở giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm

Nghiên cứu hồ sơ để xem xét kháng nghị cần chú ý: Đơn đề nghị kháng nghị, thời hạn theo luật định, nội dung yêu cầu kháng nghị một phần hay toàn bộ bản án quyết định có hiệu lực pháp luật.

Việc nghiên cứu hồ sơ có thể tập trung vào những vấn đề sau:

+ Áp dụng pháp luật tố tụng.

+ Áp dụng pháp luật nội dung.

+ Việc tổng hợp đánh giá chứng cứ.

(Còn tiếp kỳ sau)

Phòng 10 – VKSND tỉnh Bến Tre