Qua nghiên cứu Dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre có ý kiến đóng góp đối với một số nội dung của các Dự án BLTTDS và Luật TTHC (sửa đổi) như sau:
1. Về địa vị pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (Mục 2 Chương IV, từ Điều 57 đến Điều 63 Dự thảo BLTTDS; Mục 2 Chương III từ Điều 48 đến Điều 54 Dự thảo Luật TTHC đã chỉnh lý)
Dự thảo BLTTDS, Luật TTHC không tiếp tục quy định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng mà quy định một mục riêng, xác lập vị trí độc lập cho Viện kiểm sát với tư cách là cơ quan kiểm sát tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, lý do: Viện kiểm sát chỉ thực hiện quyền kiểm sát hoạt động tư pháp, không thực hiện chức năng thực hành quyền công tố. Vì vậy, Viện kiểm sát không phải là cơ quan tiến hành tố tụng.
Ý kiến của Viện kiểm sát: Đề nghị tiếp tục quy định Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, bởi vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, BLTTDS và Luật TTHC từ trước đến nay luôn khẳng định Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng, và luật vẫn tiếp tục giao cho Viện kiểm sát thực hiện các thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng như: nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ, yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ hoặc tự mình thu thập chứng cứ; tham gia các phiên tòa, phiên họp, thẩm vấn đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa, làm rõ các chứng cứ, tình tiết khách quan của vụ án; nếu vắng mặt Kiểm sát viên thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa; Viện kiểm sát có quyền kiến nghị, kháng nghị các bản án, quyết định của Tòa án; yêu cầu, kiến nghị xử lý người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật… Do đó, cần phải xác định Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên là người tiến hành tố tụng là hoàn toàn đúng đắn, chính xác.
Thứ hai, theo quy định Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã tiếp tục khẳng định chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính là cơ quan tiến hành tố tụng, nên BLTTDS và Luật TTHC cần phải quy định phù hợp với Hiến pháp, không thể thay đổi địa vị pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân. Do đó, phải xác định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng (nhân danh quyền lực Nhà nước để thực hiện hoạt động tố tụng) mới đảm bảo tính nhất quán, phù hợp.
2. Về tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính của Viện kiểm sát nhân dân
2.1. Các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính (Điều 21 Dự thảo BLTTDS; Điều 26 Dự thảo Luật TTHC đã chỉnh lý)
Dự thảo BLTTDS, Luật TTHC tiếp tục giữ nguyên quy định tại Điều 21 BLTTDS; Điều 23 Luật TTHC hiện hành về các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
Ý kiến của Viện kiểm sát: Nhất trí việc tiếp tục quy định Viện kiểm sát tham gia các phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính như Điều 21 BLTTDS, Điều 23 Luật TTHC hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
Đối với quy định Dự thảo BLTTDS quy định nguyên tắc “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng (Khoản 2, Điều 4”, đồng thời bổ sung quy định tại các Điều 43, 44 và 45.
Ý kiến của Viện kiểm sát: Đề nghị quy định Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa sơ thẩm khi Tòa án xét xử những vụ việc trên, nhằm góp phần cùng Tòa án bảo vệ công bằng, công lý cho người dân.
2.2. Về quy định Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa (Khoản 1, Điều 233 và Khoản 1, Điều 297 Dự thảo BLTTDS; Khoản 1, Điều 158 và Khoản 1, Điều 226 Dự thảo Luật TTHC đã chỉnh lý)
Ý kiến của Viện kiểm sát: Đề nghị giữ nguyên các quy định tại Điều 207 và Điều 266 BLTTDS; Điều 130 và Điều 194 Luật TTHC hiện hành, nêu rõ trong mọi trường hợp nếu Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Bỡi lẽ: trong những trường hợp pháp luật quy định phải có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa là những trường hợp thực tiễn cho thấy quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự dễ bị xâm phạm, cần có sự kiểm sát của Viện kiểm sát trong việc xét xử để đảm bảo tính khách quan, công bằng. Đây là phương thức thực hiện kiểm soát quyền lực đối với hoạt động xét xử của Tòa án, nên không thể vắng mặt của Kiểm sát viên tại các phiên tòa mà luật quy định phải tham gia. Thực tiễn cho thấy, Viện kiểm sát đã thực hiện rất tốt trách nhiệm tham gia phiên tòa, phiên họp, không có trường hợp vắng mặt tại phiên tòa.
3. Về nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm (Điều 263 Dự thảo BLTTDS; Điều 192 Dự thảo Luật TTHC đã chỉnh lý)
Về vấn đề này có ý kiến đề nghị: Tại phiên toà sơ thẩm, Kiểm sát viên chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký toà án; việc chấp hành pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ, việc cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Kiểm sát viên không đề xuất quyết định giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
Ý kiến của Viện kiểm sát: Đề nghị quy định tại phiên toà sơ thẩm, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ, việc (bao gồm cả việc chấp hành pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng). Căn cứ của việc đề nghị này là:
Thứ nhất, Khoản 3, Điều 107 Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định “Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo về quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…”. Để thực hiện nhiệm vụ này, Viện kiểm sát có trách nhiệm phát hiện, nêu rõ mọi vi phạm pháp luật của các chủ thể trong việc giải quyết vụ án (cả vi phạm về pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng); đồng thời, phải thể hiện rõ quan điểm về việc xử lý các vi phạm đó.
Thứ hai, các Khoản 2 và 4 Điều 27 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn “kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc”, “tham gia phiên toà, phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật”. Như vậy, pháp luật không giới hạn phạm vi kiểm sát, phạm vi phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát. Viện kiểm sát có trách nhiệm phát biểu cả về nội dung vụ án và việc chấp hành pháp luật tố tụng. Việc xây dựng các dự án luật tiếp theo phải đảm bảo thống nhất với các luật vừa được Quốc hội thông qua.
Thứ ba, theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 thì việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp không chỉ nhằm mục đích phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật xảy ra trong hoạt động tư pháp mà còn có mục đích phòng ngừa vi phạm. Thực tiễn công tác kiểm sát việc xét xử vụ việc dân sự, vụ án hành chính cho thấy, để tham gia phiên toà, phiên họp, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, theo dõi chặt chẽ toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc nên nắm rõ những vấn đề như: tính hợp pháp, tính liên quan, tính có căn cứ của tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ; có sự mâu thuẫn trong nội dung của các tài liệu, chứng cứ hay không; việc áp dụng pháp luật của Thẩm phán trong quá trình chuẩn bị xét xử; việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các đương sự trong quan hệ dân sự, hành chính dẫn đến tranh chấp… Nếu Kiểm sát viên được phát biểu về những vấn đề này ngay tại phiên toà thì sẽ là cơ sở để Hội đồng xét xử có thể kịp thời khắc phục vi phạm hoặc giúp cho Toà án có cơ sở để đánh giá vụ án đầy đủ, toàn diện, ra bản án, quyết định kịp thời, đúng pháp luật, hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị, kéo dài thời hạn giải quyết vụ án.
Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát đề nghị chỉnh lý quy định về nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên toà sơ thẩm như sau “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Toà án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự”.
4. Về quyền thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát
Dự thảo BLTTDS, Luật TTHC không tiếp tục quy định thẩm quyền thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát; đồng thời, bỏ quy định về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân cho Viện kiểm sat (Điều 7 Dự thảo BLTTDS, Điều 10 Dự thảo Luật TTHC).
Ý kiến Viện kiểm sát: Đề nghị giữ nguyên quy định về thẩm quyền thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát và trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân cho Viện kiểm sát theo các Điều 7, 85 và 94 BLTTDS; các Điều 9, 78 và 87 Luật TTHC hiện hành, vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 (Khoản 3, Điều 27) quy định khi kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn “thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp pháp luật quy định”. Khoản 4, Điều 85 BLTTDS; Khoản 3, Điều 78 Luật TTHC hiện hành quy định “Viện kiểm sát có quyền yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm”.
Thứ hai, thực tiễn cho thấy quy định nêu trên chính là điều kiện bảo đảm cho Viện kiểm sát thực hiện tốt quyền kháng nghị (vì Viện kiểm sát kháng nghị cả vi phạm pháp luật tố tụng và vi phạm pháp luật nội dung), quyền xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát tại phiên toà, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
5. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát
Dự thảo BLTTDS, Luật TTHC quy định như sau “Khi Viện trưởng vắng mặt, một Phó Viện trưởng được Viện trưởng uỷ nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, trừ quyền kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về việc thực hiện nhiệm vụ được giao”.
Ý kiểm của Viện kiểm sát: Đề nghị giữ nguyên quy định Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân ủy nhiệm cho Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng theo Khoản 2, Điều 44 BLTTDS; Khoản 2, Điều 39 Luật TTHC hiện hành, vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, quy định tại Khoản 2, Điều 44 BLTTDS; Khoản 2, Điều 39 Luật TTHC hiện hành đều xác định cơ chế khi Viện trưởng vắng mặt, một Phó Viện trưởng được Viện trưởng uỷ nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Thực tiễn thực hiện công tác của Viện kiểm sát cho thấy quy định này là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, không làm ảnh hưởng đến chất lượng kháng nghị của Viện kiểm sát.
Thứ hai, BLTTDS và Luật TTHC đã có quy định rất chặt chẽ về thời hạn kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, đặc biệt là thời hạn kháng nghị phúc thẩm không dài. Nếu sửa đổi, bổ sung như quy định nêu trên của Dự thảo BLTTDS và Dự thảo Luật TTHC thì Viện trưởng Viện kiểm sát sẽ gặp khó khăn trong việc kháng nghị đúng thời hạn luật định. Do vậy, cần quy định phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.
6. Về thẩm quyền Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ, tài liệu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính
Theo quy định Điều 23 Luật TTHC “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát các vụ án hành chính từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án”. Viện kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc thụ lý, việc thu thập chứng cứ, lập hồ sơ vụ án hành chính của Tòa án, kiểm sát hoạt động xét xử… Tuy nhiên, trong giai đoạn thụ lý, lập hồ sơ, thu thập chứng cứ, luật hiện hành không có quy định Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ, tài liệu cho Viện kiểm sát nghiên cứu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát.
Ý kiến của Viện kiểm sát: Đề nghị bổ sung thẩm quyền của Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu khi xét thấy cần thiết, quy định tại một điều luật tại Chương VIII “Khởi kiện, thụ lý án” trong luật hiện hành.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp vào Dự thảo BLTTDS và Luật TTHC (sửa đổi) để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới./.
Phòng 10 – VKSND tỉnh Bến Tre