I. MỞ ĐẦU
1. Sự cần thiết của việc nghiên cứu, xây dựng chuyên đề
Thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng về cải cách tư pháp được xác định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 24/11/2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Tố tụng hành chính. Theo quy định của luật thì thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân được mở rộng; trình tự, thủ tục giải quyết được quy định chặt chẽ, toàn diện hơn để việc giải quyết các khiếu kiện hành chính có hiệu quả, góp phần bảo vệ tốt hơn các quyền; lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam nói chung, cũng như trong pháp luật tố tụng hành chính, thì nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa là nguyên tắc mang tính hiến định. Nó yêu cầu mọi chủ thể phải tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, đảm bảo tính thống nhất và thượng tôn của pháp luật. Thiết chế để đảm bảo cho các yêu cầu mọi chủ thể phải chấp hành trong thực tiễn áp dụng pháp luật chính là Viện kiểm sát. Trong tố tụng hành chính, Viện kiểm sát đóng vai trò rất quan trọng bởi tranh chấp hành chính là tranh chấp giữa cơ quan Nhà nước với cá nhân, cơ quan, tổ chức. Do vậy, sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, sự công bằng, bình đẳng, sự tuân thủ pháp luật của các chủ thể là rất cần thiết.
Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính là một trong những công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, sử dụng các quyền năng pháp lý được pháp luật quy định, để kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án nhân dân, những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính nhằm đảm bảo việc giải quyết có căn cứ, kịp thời, đúng pháp luật, góp phần vào việc bảo vệ các quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật tố tụng hành chính.
Hoạt động kiểm sát các vụ án hành chính trong thời gian qua cho thấy Viện kiểm sát hai cấp tỉnh và huyện, thành phố ở Bến Tre đã thực hiện tốt công tác kiểm sát lĩnh vực này, qua đó không những Viện kiểm sát đã góp phần bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động tư pháp, tăng cường cơ chế kiểm soát đối với việc thực hiện quyền tư pháp, mà còn góp phần bảo vệ các quyết định hành chính đúng pháp luật nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân.
Tuy nhiên, hoạt động kiểm sát vẫn còn những hạn chế và vướng mắc, bất cập dẫn đến hiệu quả, chất lượng công tác chưa cao. Nguyên nhân về chủ quan là do trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, Tòa án còn những vi phạm như: không thụ lý kịp thời đơn khởi kiện, thực hiện không đúng quy định về thủ tục, thời hạn tố tụng, việc lập hồ sơ vụ án chưa đầy đủ, giải quyết quá hạn chiếm tỷ lệ cao, tạm đình chỉ không đúng căn cứ quy định… Về khách quan: Luật Tố tụng hành chính, Thông tư liên tịch, Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính, Quy chế nghiệp vụ của ngành Kiểm sát cũng chưa được quy định đầy đủ, trong đó thiếu các cơ chế quy định về quyền hạn của Viện kiểm sát để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nên làm hạn chế hiệu quả hoạt động của Viện kiểm sát.
Nhằm đánh giá đầy đủ những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn, từ đó đề ra những giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác kiểm sát trong thời gian tới, nên việc nghiên cứu thực hiện chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính” có ý nghĩa thiết thực về lý luận và thực tiễn.
2. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu của chuyên đề
Về đối tượng nghiên cứu: là hoạt động kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp (tỉnh và huyện, thành phố) ở Bến Tre.
Phạm vi nghiên cứu: Từ thời điểm Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực pháp luật (01/7/2011) đến nay. Số liệu thống kê lấy từ 01/6/2014 đến 31/5/2015.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ của chuyên đề
Mục tiêu nghiên cứu: Trên cơ sở thực tiễn hoạt động kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, đối chiếu với các quy định của pháp luật nhằm đánh giá ưu điểm và hạn chế của hoạt động kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, nguyên nhân của hạn chế, từ đó đưa ra các giải pháp và kiến nghị nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả cho công tác này.
Nhiệm vụ của chuyên đề:
1. Phân tích đánh giá cơ sở pháp lý nhằm nâng cao nhận thức về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân về kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính.
2. Phân tích, đánh giá về những khó khăn vướng mắc, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn vướng mắc của thực tiễn hoạt động kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính.
3. Qua thực tiễn công tác kiểm sát các vụ án hành chính nhằm phát hiện những bất cấp của hệ thống pháp luật, từ đó đưa ra giải pháp và kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng hành chính và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính trong thời gian tới.
4. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và hệ thống quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về nhà nước và pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, chuyên đề sử dụng các phương pháp bao gồm: phương pháp phân tích, phương pháp thống kê, phương pháp tổng hợp, phương pháp so sánh, phương pháp tiếp cận hệ thống và các phương pháp khoa học khác...
5. Kết cấu của chuyên đề
Ngoài phần mở đầu, kết luận, chuyên đề chia làm 3 chương, nội dung như sau:
Chương I. Cơ sở pháp lý của công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính.
Chương II. Thực trạng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính.
Chương III. Một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết án hành chính.
II. NỘI DUNG
Chương I. Cơ sở pháp lý của công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính
1. Thực trạng các quy định của pháp luật về công tác kiểm sát các vụ án hành chính
Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính tiếp tục được khẳng định rõ: Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng hành chính, có chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính, nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật (Điều 23 và Điều 34).
Căn cứ vào các quy định của Luật Tố tụng hành chính và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, có thể xác định một số đặc điểm của công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính như sau:
- Phạm vi kiểm sát các vụ án hành chính của Viện kiểm sát là từ khi Tòa án tiến hành thụ lý vụ án cho đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án;
- Đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính là sự tuân thủ pháp luật của Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án và của những người tham gia tố tụng;
- Mục tiêu của hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính là bảo đảm việc giải quyết vụ án hành chính đúng pháp luật, kịp thời; qua đó góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính được thực hiện bằng các hoạt động kiểm sát trong thực tiễn, trong chuyên đề này trước hết nghiên cứu thực trạng các quy định của pháp luật là cơ sở pháp lý cho các hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính.
1.1. Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện
Theo Khoản 2, Điều 109 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Khi trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho người khởi kiện, Toà án phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Văn bản trả lại đơn khởi kiện được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp”. Điều 110 Luật Tố tụng hành chính quy định quyền của đương sự được khiếu nại về việc trả lại đơn kiện; đồng thời điều luật quy định quyền kiến nghị của Viện kiểm sát đối với việc trả lại đơn kiện của Tòa án, cụ thể:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Toà án đã trả lại đơn khởi kiện.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát, Chánh án Toà án phải ra quyết định trả lời kiến nghị với nội dung giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện (khi đó phải thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp biết) hoặc nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
- Trường hợp không đồng ý với quyết định của Chánh án Toà án giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kiến nghị, Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp phải ra quyết định giải quyết. Quyết định của Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng.
1.2. Kiểm sát việc thụ lý vụ án hành chính
Căn cứ Điều 23 Luật Tố tụng hành chính, khi nhận được Thông báo thụ lý vụ án, Viện kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc thụ lý theo nội dung quy định tại Điều 114 Luật Tố tụng hành chính.
Căn cứ vào các Điều 28, Điều 29, Điều 30 Luật Tố tụng hành chính xem xét thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án, nếu phát hiện Tòa án thụ lý sai thẩm quyền thì thực hiện quyền kiến nghị; đồng thời theo dõi thời hạn giải quyết vụ án tình từ ngày thụ lý thông qua việc nhận được các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết, quyết định đưa vụ án ra xét xử. Viện kiểm sát phân công Kiểm sát viên tham gia việc giải quyết vụ án và thông báo cho Tòa án theo quy định tại Khoản 4, Điều 115 Luật Tố tụng hành chính.
1.3. Kiểm sát việc thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ án hành chính của Tòa án
Luật Tố tụng hành chính không quy định quyền thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát như: quyền triệu tập người làm chứng, quyền trưng cầu giám định, quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, mà luật quy định tại Khoản 3, Điều 78: “Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Toà án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án. Trường hợp kháng nghị bản án, quyết định của Toà án, Viện kiểm sát có thể tự mình thu thập hồ sơ, tài liệu, vật chứng trong quá trình giải quyết vụ án”.
Kiểm sát việc thu thập chứng cứ là hoạt động quan trọng trong giai đoạn kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án hành chính. Hoạt động kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án nhằm bảo đảm cho việc lập hồ sơ đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật.
Khi kiểm sát việc lập hồ sơ, Viện kiểm sát xem xét các tài liệu, chứng cứ Tòa án thu thập có thuộc nguồn chứng cứ được quy định tại Điều 75 Luật Tố tụng hành chính không, chứng cứ đó có hợp pháp không, nghĩa là chứng cứ đó có được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại các Điều 77, 79, 80, 81, 82, 83, 85, 86, 87 của Luật Tố tụng hành chính không. Với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ để chứng minh cho yêu cầu của các đương sự tham gia vụ kiện và có đủ để làm cơ sở cho Tòa án giải quyết vụ án không.
Khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ do các chủ thể cung cấp và các tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập, xác minh, Viện kiểm sát đánh giá sự thống nhất hay mâu thuẫn giữa các tài liệu, chứng cứ. Nếu thấy cần thiết thì Kiểm sát viên yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án khách quan đúng pháp luật; những vấn đề cần được bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc xác minh thêm thì yêu cầu Tòa án khắc phục; trường hợp hồ sơ vụ án chưa đủ cơ sở để giải quyết thì Kiểm sát viên yêu cầu Tòa án bổ sung.
1.4. Kiểm sát việc chuẩn bị xét xử vụ án hành chính của Tòa án
- Nghiên cứu hồ sơ vụ án
Hoạt động nghiên cứu hồ sơ vụ án nhằm giúp cho Kiểm sát viên nắm được nội dung khởi kiện của đương sự, việc thụ lý của Tòa án có đúng không, việc lập hồ sơ vụ án của Thẩm phán, hành vi tố tụng của những người tham gia có đúng quy định pháp luật không.
Việc gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu để tham gia phiên tòa, phiên họp được thực hiện theo quy định tại Điều 124 Luật Tố tụng hành chính và Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 03/2012.
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải làm rõ các vấn đề trọng tâm gồm: xem xét việc thực hiện các thủ tục tố tụng của Tòa án; xem xét toàn bộ nội dung vụ án; đánh giá việc giao nộp, xác minh và thu thập chứng cứ.
- Chuẩn bị đề cương để tham gia hỏi tại phiên tòa; Dự thảo ý kiến phát biểu và lập hồ sơ kiểm sát
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 148 Luật Tố tụng hành chính thì tại phiên tòa, sau khi nghe xong lời trình bày của đương sự, việc hỏi từng người về từng vấn đề được thực hiện theo đúng thứ tự quy định, Kiểm sát viên hỏi sau cùng. Việc hỏi của Kiểm sát viên để làm rõ nội dung vụ án. Kiểm sát viên có thể hỏi người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người làm chứng (quy định từ Điều 149 đến Điều 152 Luật Tố tụng hành chính).
Theo quy định Điều 160 Luật Tố tụng hành chính, tại phiên tòa Kiểm sát viên phát biểu hai vấn đề đó là: việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.
Đây là nội dung phát biểu cần chuẩn bị trước, trong bản dự thảo ý kiến phát biểu Kiểm sát viên xác định những hành vi tố tụng đúng pháp luật và những hành vi vi phạm của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng để chuẩn bị phát biểu ý kiến tại tòa.
Về lập hồ sơ kiểm sát, theo quy định tại Khoản 3, Điều 8 Quy chế kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, thì người được phân công nghiên cứu hồ sơ phải lập hồ sơ kiểm sát bao gồm các tài liệu được đánh số thứ tự và lập bản kê danh mục theo quy định về công tác văn thư lưu trữ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
1.5. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và chấp hành pháp luật của các đương sự tại phiên tòa
Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên có nhiệm vụ kiểm sát tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng hành chính. Nếu phát hiện có vi phạm về thủ tục tố tụng hành chính thì yêu cầu Hội đồng xét xử khắc phục kịp thời.
Kiểm sát viên đề nghị hoãn phiên tòa trong những trường hợp quy định tại Điều 136 Luật Tố tụng hành chính.
Kiểm sát viên tham gia hỏi tại phiên tòa theo quy định tại Khoản 2, Điều 148 Luật Tố tụng hành chính.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa theo quy định tại Điều 160 Luật Tố tụng hành chính. Ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên thể hiện bằng văn bản và được gửi cho Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa để lưu vào hồ sơ vụ án (Khoản 2, Điều 14 Thông tư liên tịch số 03/2012).
1.6. Kiểm sát việc ra bản án, quyết định của Tòa án
- Kiểm sát các quyết định của Tòa án để thực hiện quyền kiến nghị
Khi nhận được các quyết định: Quyết định chuyển vụ án cho Tòa án khác (Điều 32); Quyết định nhập hoặc tách vụ án hành chính (Điều 33); Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 61, Điều 68); Quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh (Điều 63); Tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính (Điều 64); Cấm hoặc buộc thực hiện những hành vi nhất định (Điều 65). Viện kiểm sát phải kiểm sát tính có căn cứ, hợp pháp của quyết định như lý do ra quyết định, thời hạn gửi cho Viện kiểm sát… Nếu phát hiện có vi phạm pháp luật thì thực hiện quyền kiến nghị đối với từng vụ việc cụ thể hoặc tập hợp để kiến nghị theo quy định tại Điều 23 Luật Tố tụng hành chính. Kiến nghị áp dung, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 70), kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện (Điều 110)…
- Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án để thực hiện quyền kháng nghị
Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án; quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án; bản án sơ thẩm; bản án, quyết định phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm; quyết định tái thẩm.
Khi kiểm sát tính có căn cứ, hợp pháp của bản án, quyết định của Tòa án nêu trên, nếu phát hiện có vi phạm về hình thức như: Tòa án gửi không đúng thời hạn, hình thức bản án, quyết định không đúng với quy định của Luật Tố tụng hành chính, hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao… thì tập hợp kiến nghị chung; nếu có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hoặc pháp luật nội dung thì Viện kiểm sát kháng nghị theo thẩm quyền. Khi kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, Kiểm sát viên có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ, tự mình thu thập chứng cứ để thực hiện quyền kháng nghị của Viện kiểm sát theo quy định tại Khoản 3, Điều 78 Luật Tố tụng hành chính.
1.7. Việc thực hiện các quyền: Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát
Về thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát là quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân do Luật Tố tụng hành chính và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định: “Thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật” (Điều 23 Luật Tố tụng hành chính); “Yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhận có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp” (Điểm c, Khoản 3, Điều 4 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014).
2. Đánh giá thực trạng các quy định của pháp luật về công tác kiểm sát các vụ án hành chính
2.1. Thuận lợi
Luật Tố tụng hành chính quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền của Viện kiểm sát tại Điều 23, cụ thể: Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát các vụ án hành chính từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết vụ án; tham gia các phiên toà, phiên họp của Toà án… thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính từ khi thụ lý cho đến khi thi hành phán quyết của Tòa án, không một khâu tố tụng nào thiếu vắng vai trò của Viện kiểm sát. Thông qua những quy định của Luật Tố tụng hành chính, chúng ta thấy Viện kiểm sát tiếp tục được khẳng định là cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Vị trí, vai trò của Viện kiển sát được thể hiện xuyên suốt quá trình này với tư cách là định chế đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tính đúng đắn trong hoạt động xét xử của Tòa án. Với những quy định về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Viện kiểm sát, Luật Tố tụng hành chính đã trao cho Viện kiểm sát những quyền năng cụ thể để thực hiện nhiệm vụ của mình, góp phần bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.
2.2. Những khó khăn vướng mắc, bất cấp của pháp luật
- Về kiểm sát việc trả lại đơn kiện
Viện kiểm sát có nhiệm vụ xem xét việc trả lại đơn kiện của Tòa án có đúng quy định không, nếu không đúng thì thực hiện quyền kiến nghị theo quy định tại Điều 110 Luật Tố tụng hành chính.
Vướng mắc khi thực hiện hoạt động kiểm sát trả lại đơn kiện là theo Điều 109, khi trả lại đơn khởi kiện Tòa án chỉ gửi cho Viện kiểm sát văn bản trả lại đơn kiện, đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo thì Tòa án trả lại cho đương sự. Luật Tố tụng hành chính không có quy định Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ nghiên cứu, quyền yêu cầu Tòa án cho đọc, xem, ghi chép, sao chụp hồ sơ để kiểm sát việc trả lại đơn kiện. Thực tiễn cho thấy, Viện kiểm sát có tài liệu về việc trả đơn kiện là do đương sự khiếu nại cung cấp. Để tháo gỡ vướng mắc này ở địa phương, thực hiện theo quy định của quy chế phối hợp liên ngành theo đó Tòa án cung cấp hồ sơ cho Viện kiểm sát để nghiên cứu.
Về thẩm quyền kiến nghị, luật không quy định Viện kiểm sát cấp trên có quyền kiến nghị đối với việc trả lại đơn kiện, điều này cũng làm hạn chế hiệu quả hoạt động kiểm sát việc trả lại đơn kiện của ngành Kiểm sát.
- Về kiểm sát việc thụ lý vụ án hành chính
Điều 114 Luật Tố tụng hành chính quy định: Tòa án gửi thông báo về thụ lý cho Viện kiển sát nhân dân trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý. Điều 115 quy định quyền và nghĩa vụ của người được thông báo, tại Khoản 3, Điều 115 quy định: người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu Tòa án cho biết, đọc, xem, ghi chép, sao chụp đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Luật không quy định Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án cho nghiên cứu hồ sơ, tài liệu để thực hiện kiểm sát việc thụ lý, nên thực tiễn cho thấy nhiều Viện kiểm sát chỉ lập phiếu kiểm sát văn bản thông báo thụ lý vụ án của Tòa án mà không xem xét các tài liệu, chứng cứ có liên quan việc thụ lý. Do đó, hoạt động kiểm sát còn mang tính hình thức, chất lượng và hiệu quả chưa cao.
- Về kiểm sát việc thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ án hành chính của Tòa án
Quá trình thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ án là giai đoạn trọng tâm được thực hiện chủ yếu trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 78 Luật Tố tụng hành chính; Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/2012 thì Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử Tòa án thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ án, luật không có quy định Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án để kiểm sát việc lập hồ sơ, thu thập chứng cứ của Tòa án nên Viện kiểm sát không thể yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong thời gian chuẩn bị xét xử. Thực tiễn cho thấy, khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử và hồ sơ được gửi cho Viện kiểm sát nghiên cứu, thì Viện kiểm sát mới xem xét, khi thấy cần thiết thì yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ.
Như vậy, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, hoạt động kiểm sát việc thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ án hành chính hiện nay gặp khó khăn đó là: luật không quy định quyền nghiên cứu hồ sơ để kiểm sát, nên nhiều Viện kiểm sát không kiểm sát kịp thời việc thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ án, mà phải chờ đến khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử hồ sơ chuyển cho Viện kiểm sát nghiên cứu, mới kiểm sát quá trình thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ án đã được thực hiện trước đó.
Ngoài ra, hoạt động thu thập chứng cứ, lập hồ sơ vụ án được tiến hành trong suốt thời gian chuẩn bị xét xử. Thực tiễn qua kiểm sát cho thấy những vi phạm phổ biến trong giai đoạn này đó là: không kịp thời thu thập chứng cứ, chậm lập hồ sơ vụ án, kéo dài thời hạn, không đảm bảo tính kịp thời…, nhưng do Viện kiểm sát chưa kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tố tụng giai đoạn này, nên không kịp thời kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm.
Về thẩm quyền của Viện kiểm sát trong trường hợp kháng nghị có thể tự mình thu thập hồ sơ, tài liệu vật chứng trong quá trình giải quyết vụ án (Khoản 3, Điều 78 Luật Tố tụng hành chính). Luật chỉ quy định Viện kiểm sát tiến hành thu thập chứng cứ bằng biện pháp yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, vật chứng, mà không quy định Viện kiểm sát tiến hành thu thập chứng cứ bằng các biện pháp khác như: lấy lời khai; xem xét, thẩm định tại chỗ; đối chất… Đây là một hạn chế của luật gây khó khăn trong hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Theo Điều 5 Thông tư liên tịch số 03/2012, Viện kiểm sát thu thập chứng cứ để đảm bảo thực hiện quyền kháng nghị. Đối với trường hợp xem xét kháng nghị phúc thẩm, thời gian yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp cho Viện kiểm sát tài liệu, hồ sơ, vật chứng với thời hạn cung cấp là 15 ngày thì Viện kiểm sát không đảm bảo thời gian để kháng nghị phúc thẩm. Đây là một vướng mắc, chồng chéo mâu thuẫn trong các quy định của luật.
- Kiểm sát việc chuẩn bị xét xử, việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và chấp hành pháp luật của các đương sự tại phiên tòa
Về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm, Điều 160 Luật Tố tụng hành chính và Điều 14 Thông tư liên tịch số 03/2012 quy định: Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Như vậy, theo quy định thì nội dung phát biểu của Kiểm sát viên về hai nhóm đối tượng là có sự phân biệt, không giống nhau, trong đó: đối với những người tham gia tố tụng thì phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật của họ kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Ví dụ: đối với người bị kiện (tham gia tố tụng) thì việc chấp hành pháp luật ở các vấn đề như sau: ý kiến của người bị kiện về yêu cầu của người khởi kiện; việc khẳng định tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện; việc sửa đổi quyết định hành chính bị khởi kiện… Do đó, Kiểm sát viên cần xem xét, đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính; tính có căn cứ, không có căn cứ của nội dung đơn khởi kiện, cùng các tài liệu, kết luận giám định (nếu có) thể hiện trong hồ sơ và qua diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm… để phát biểu việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng.
Thực tiễn hiện nay còn vướng mắc đó là việc nhận thức về nội dung chấp hành pháp luật đối với những người tham gia tố tụng chưa được thống nhất, bao gồm những nội dung cụ thể như thế nào. Vì vậy, cần tiếp tục có hướng dẫn để thực hiện thống nhất.
- Về kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án; việc thực hiện các quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát
Về phạm vi, căn cứ thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính luật quy định không rõ rang, khó thực hiện. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 23 Luật Tố tụng hành chính quy định: Viện kiểm sát nhân dân thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị… theo quy định pháp luật. Như vậy, để sử dụng các quyền năng này phải trong từng trường hợp cụ thể theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy phân định để thực hiện quyền yêu cầu và quyền kiến nghị là không rõ ràng, ví dụ như: trường hợp các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp kháng nghị thì Viện kiểm sát kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật và đồng thời yêu cầu thực hiện đúng quy định pháp luật trong hoạt động tư pháp. Vì vậy, luật cần quy định để phân định rạch ròi các quyền năng này.
Chương II. Thực trạng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính
1. Kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính
1.1. Giai đoạn sơ thẩm
Tổng số đơn Tòa án trả lại cho đương sự:06.
- Tổng số vụ Toà án thụ lý: 75 vụ (tỉnh: 07; huyện: 68), trong đó số cũ: 30; số mới: 45.
Đã giải quyết: 53 vụ. Bao gồm:
+ Đình chỉ: 24 vụ.
+ Xét xử: 29 vụ.
- Hiện còn: 22 vụ.
1.2. Giai đoạn phúc thẩm
- Tổng số vụ Toà án thụ lý: 30 vụ (mới).
- Đã giải quyết: 28 vụ (xét xử: 26 vụ; mở phiên họp: 02 vụ).
- Kết quả: Y án: 20 vụ; Sửa án: 01 vụ; Hủy án: 07 vụ (đồng quan điểm).
- Hiện còn: 02 vụ.
* Kiểm sát bản án, quyết định của Toà án hai cấp: 77.
1.3. Giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm
- Tổng số thụ lý: 01 vụ (mới) do Viện kiểm sát kháng nghị, đã xét xử.
2. Kết quả công tác kiểm sát (kết quả phát hiện ra vi phạm) và biện pháp giải quyết
- Kiểm sát trả lại đơn khởi kiện: Số văn bản trả lại đơn khởi kiện là 06 văn bản; qua kiểm sát tất cả các trường hợp đều đúng pháp luật.
- Kiểm sát thụ lý: 75 vụ sơ thẩm (không phát hiện vi phạm).
- Kiểm sát thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ của Tòa án: Không phát hiện vi phạm.
- Yêu cầu thu thập chứng cứ: Viện kiểm sát ban hành 06 văn bản yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Kết quả được Tòa án chấp nhận thực hiện đúng theo yêu cầu.
- Kiểm sát việc đối thoại của Tòa án: Không vi phạm.
- Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Không phát hiện vi phạm.
- Kiểm sát việc xét xử của Tòa án tại phiên tòa: Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa đều được Hội đồng xét xử chấp nhận.
- Kiểm sát quyết định, bản án của Tòa án:
+ Vi phạm trong việc vận dụng pháp luật: 03 vụ khiếu kiện quyết định hành chính, Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm trong việc vận dụng pháp luật.
+ Vi phạm về căn cứ tạm đình chỉ…: 03 vụ Tòa án cấp sơ thẩm tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính không đúng căn cứ pháp luật.
Viện kiểm sát nhân dân đã ban hành 03 kháng nghị phúc thẩm (tỉnh: 02; huyện: 01); 01 kháng nghị giám đốc thẩm và 02 kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm, được chấp nhận.
3. Đánh giá kết quả công tác kiểm sát
a. Ưu điểm
Qua số liệu về thụ lý, giải quyết và kiểm sát thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính cho thấy Viện kiểm sát hai cấp tỉnh và huyện, thành phố đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định, góp phần bảo vệ các quyết định hành chính, hành vi hành chính đúng đắn của các cơ quan hành chính Nhà nước và những người có thẩm quyền; đồng thời góp phần tích cực bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị các quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật xâm phạm.
Viện kiểm sát hai cấp đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính. Đã kiểm sát chặt chẽ việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, mở sổ thụ lý, theo dõi và lập phiếu kiểm sát việc thụ lý án hành chính, phân công cụ thể cán bộ, Kiểm sát viên nghiên cứu ngay khi thụ lý vụ án. Chú trọng kiểm sát các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án, Viện kiểm sát đã phát hiện nhiều quyết định tạm đình chỉ không đúng căn cứ pháp luật và đã ban hành kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục, đồng thời Viện kiểm sát đã phát hiện các vi phạm pháp luật của Tòa án trong việc áp dụng pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung, đã ban hành kháng nghị đạt chất lượng và hiệu quả.
b. Những khó khăn, vướng mắc, hạn chế tồn tại
Khó khăn, vướng mắc chủ yếu hiện nay ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm sát đó là các quy định pháp luật về quyền hạn của Viện kiểm sát luật quy định chưa đầy đủ, không rõ ràng.
- Về kiểm sát trả lại đơn khởi kiện, kiểm sát việc thụ lý: luật không quy định Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ, tài liệu để nghiên cứu, nên Viện kiểm sát không chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
- Về kiểm sát việc thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ án: ở cấp sơ thẩm nhiều vụ án chưa được thu thập đầy đủ chứng cứ để giải quyết nhưng Viện kiểm sát ít yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ mà đã tham gia phiên tòa nên có những vụ án phải bị hủy, cải sửa.
- Về kiểm sát hoạt động xét xử của Hội đồng xét xử: do luật quy định phạm vi phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm nên hiệu quả tác động của công tác kiểm sát đối với hoạt động xét xử là hạn chế làm cho sự tham gia của Kiểm sát viên tại phiên tòa mang tính hình thức.
- Về kiểm sát bản án, thực hiện quyền kháng nghị của Viện kiểm sát thực tiễn phát sinh vướng mắc do thẩm quyền hạn chế của Viện kiểm sát về thu thập chứng cứ, chưa tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm sát.
c. Nguyên nhân
- Về mặt chủ quan: còn biểu hiện né tránh, ngại va chạm trong quan hệ phối hợp với Tòa án.
- Về mặt khách quan: Luật Tố tụng hành chính quy định chưa đầy đủ về quyền hạn của Viện kiểm sát để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm sát.
4. Một số vụ án điển hình
-Vụ “Khiếu kiện Quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai ” giữa: Người khởi kiện: Ông Trần Thế Năng, SN 1952, địa chỉ: ấp Long Hòa, xã Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre; người bị kiện: Chủ tịch UBND huyện Châu Thành.
Theo quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án ngày 23/7/2014 của TAND huyện Châu Thành, với lý do tạm đình chỉ: “Cần đợi kết quả ủy thác tư pháp đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài”. Qua kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành kháng nghị phúc thẩm số 03/QĐKNPT-HC ngày 31/7/2014 đối với Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án hành chính số 04/2014/QĐST-HC ngày 23/7/2014 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre theo hướng hủy quyết định tạm đình chỉ, chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện Châu Thành để tiếp tục giải quyết vụ án, với lý do: Tại hồ sơ vụ án không có tài liệu xác định đã thực hiện việc ủy thác tư pháp đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở nước ngoài. Do đó, việc tạm đình chỉ vụ án là không có căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 118 Luật Tố tụng hành chính.
Quyết định phúc thẩm số 03/QĐ-PT ngày 06/8/2014 chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre, hủy quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.
-Vụ“Khiếu kiện quyết Quyết định hành chính và bồi thường thiệt hại” giữa: Người khởi kiện:Bà Nguyễn Thị Dung, SN: 1957, địa chỉ:Số 620A ấp Nhơn Nghĩa, xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre; người bị kiện: Chủ tịch UBND xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre.
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bến Tre ban hành kháng nghị phúc thẩm số 03/QĐKNPT-HC ngày 16/4/2015 đối với bản án hành chính sơ thẩm số 02/2015/HC-ST ngày 01 tháng 4 năm 2015 của Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre do có vi phạm trong việc áp dụng pháp luật tố tụng, cụ thể: Án sơ thẩm xác định người bị kiện là UBND xã Nhơn Thạnh là không đúng (mà người bị kiện là Chủ tịch UBND xã Nhơn Thạnh); không xem xét tính có căn cứ và hợp pháp của hành vi hành chính bị khiếu nại để giải quyết yêu cầu khởi kiện của đương sự.
Bản án phúc thẩm số 18/2015/HC-PT ngày 18/6/2015 đã xử chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bến Tre.
-Vụ “Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực” giữa: Người khởi kiện: Ông Trần Minh Vũ, SN 1970, địa chỉ: Ấp Phú Định, xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre; người bị kiện: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Châu Thành; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Điện lực Bến Tre, ủy quyền cho ông Bùi Vinh Quang – Phó Giám đốc kỹ thuật Điện lực Châu Thành tham gia tố tụng.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành kháng nghị phúc thẩm số 02/QĐKNPT-P12 ngày 28/7/2015 đối với bản án sơ thẩm số 04/2015/HC-ST ngày 30/6/2015 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre theo hướng sửa án sơ thẩm, hủy Quyết định số 4798/QĐ-XPVPHC ngày 07/7/2014 của Chủ tịch UBND huyện Châu Thành về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Minh Vũ, với lý do: Việc xác định hành vi vi phạm không đúng trình tự theo quy định, nên áp dụng mức phạt là không chính xác (vụ án chưa xét xử phúc thẩm).
- Vụ “Khiếu kiện Quyết định hành chính số 1723/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre về quản lý đất đai”, giữa: Người khởi kiện: Bà Đàm Cẩm Hường, SN: 1930, địa chỉ: Số 13, ấp Phú Chiến, xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre; người bị kiện: Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre; người có quyền, nghĩa vụ liên quan: Ủy ban nhân dân xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre và ông Đinh Phước Điền, SN: 1956, địa chỉ: Số 46, ấp Phú Chiến, xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành kháng nghị giám đốc thẩm số 01/QĐKNGĐT-HC ngày 21/4/2015 đối với bản án hành chính sơ thẩm số 01/2014/HC-ST ngày 28/4/2014 của Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre theo hướng hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật, với lý do: Án sơ thẩm buộc Ủy ban nhân dân thành phố Bến Tre và ông Đinh Phước Điền phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của phần đất tranh chấp như trước khi chưa có quyết định hành chính là không đúng thẩm quyền theo quy định Điều 163 Luật Tố tụng hành chính. Bởi vì, biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu là biện pháp khắc phục hậu quả, áp dụng khi xử lý vi phạm hành chính theo Điều 29 Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà tại Điều 163 Luật Tố tụng hành chính không có quy định Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp này. Mặt khác, Điều 163 Luật Tố tụng hành chính quy định Hội đồng xét xử có thẩm quyền buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; buộc cơ quan, tổ chức bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm… mà luật không có quy định Hội đồng xét xử có quyền buộc cá nhân thực hiện bất kỳ hành vi hay nghĩa vụ nào cả. Do đó, bản án sơ thẩm buộc cá nhân ông Đinh Phước Điền phải khôi phục hiện trạng ban đầu của phần đất tranh chấp là không đúng thẩm quyền theo quy định.
- Qua kiểm sát các quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính phát hiện Tòa án nhân dân huyện Ba Tri áp dụng không đúng căn cứ quy định pháp luật về tạm đình chỉ giải quyết vụ án, cụ thể như sau:
- Quyết định số 01/2015/QĐST-HC ngày 07/4/2015 của Tòa án nhân dân huyện Ba Tri, tạm đình chỉ giải quyết vụ án hành chính giữa: Người khởi kiện: Ông Nguyễn Văn Khang, SN: 1970; bà Phạm Thị Lý, SN: 1974, cùng địa chỉ: Ấp An Thuận, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre; người bị kiện: Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri. Lý do tạm đình chỉ: “Cần chờ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cung cấp quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
- Quyết định số 03/2015/QĐST-HC ngày 20/7/2015 của Tòa án nhân dân huyện Ba Tri, tạm đình chỉ giải quyết vụ án hành chính giữa: Người khởi kiện: Bà Huỳnh Thị Chúc, SN: 1941, địa chỉ: Ấp 6, xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre; người bị kiện: Uỷ ban nhân dân huyện Ba Tri. Lý do tạm đình chỉ: “Vụ án cần chờ kết quả đo đạc”.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành văn bản kiến nghị số 925/KN-VKS-P12 yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ba Tri khắc phục vi phạm, với lý do: Căn cứ tạm đình chỉ hai vụ án nêu trên thuộc trường hợp Tòa án áp dụng các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ là yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ; và xem xét, thẩm định tại chỗ theo quy định tại Điều 78, 82, 87 Luật Tố tụng hành chính; không thuộc các trường hợp tạm đình chỉ quy định tại Khoản 1, Điều 118 Luật Tố tụng hành chính.
Chương III. Một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính
1. Giải pháp
1.1. Giải pháp về công tác cán bộ, nghiệp vụ, chỉ đạo, điều hành nghiệp vụ
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm sát cần phải trước hết kiện toàn đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đủ về số lượng và có trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không chỉ am hiểu sâu về pháp luật mà còn hiểu biết về thực tiễn, kiến thức quản lý hành chính, kinh tế, xã hội để thực hiện công tác kiểm sát giải quyết án hành chính. Nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên được phân công lĩnh vực công tác này, phải thường xuyên tích cực học tập, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm.
Lãnh đạo Viện kiểm sát phụ trách công tác kiểm sát giải quyết án hành chính cần tăng cường quan tâm chỉ đạo thực hiện chặt chẽ các hoạt động kiểm sát theo nhiệm vụ được luật định, trong đó cần đặc biệt quan tâm công tác kiến nghị, kháng nghị để kịp thời khắc phục các vi phạm trong hoạt động tư pháp, bảo đảm việc thụ lý giải quyết án hành chính đúng pháp luật kịp thời, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của người dân và xã hội.
1.2. Giải pháp về thực hiện công tác kiểm sát
- Tăng cường công tác kiểm sát việc trả lại đơn kiện, việc thụ lý, đảm bảo nắm chắc số vụ việc và kết quả xử lý, giải quyết trong từng hoạt động tư pháp của Tòa án. Thực hiện tốt việc xây dựng hồ sơ kiểm sát, ghi chép, thống kê, tổng hợp tình hình vi phạm đảm bảo kịp thời, chính xác để tham mưu cho Lãnh đạo Viện trong việc xử lý vi phạm.
- Kiểm sát chặt chẽ việc Tòa án ban hành các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ để đảm bảo việc ban hành quyết định có căn cứ, đúng pháp luật. Tiếp tục làm tốt công tác theo dõi, quản lý: việc Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án; việc tích lũy vi phạm để tổng hợp làm căn cứ ban hành kiến nghị.
- Tăng cường kiểm sát hoạt động xét xử tại phiên tòa; kiểm sát bản án, quyết định nhằm kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật về tố tụng và pháp luật về nội dung để kịp thời xem xét kháng nghị hoặc đề nghị kháng nghị theo thẩm quyền.
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa Viện kiểm sát và Tòa án ở hai cấp đảm bảo việc giải quyết án kịp thời, sự tuân thủ nghiêm minh pháp luật trong hoạt động tư pháp.
2. Kiến nghị
2.1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật
- Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính trong đó cần bổ sung quy định về quyền hạn của Viện kiểm sát để làm cơ sở pháp lý tiến hành kiểm sát được thuận lợi, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính.
- Trong phạm vi trách nhiệm của mình, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần có hướng dẫn kịp thời các quy định pháp luật còn vướng mắc để việc áp dụng thi hành thống nhất trong thực tiễn.
2.2. Công tác quản lý chỉ đạo điều hành
Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần thường xuyên kịp thời chỉ đạo, tiếp sức, phối hợp và phân công Kiểm sát viên, cán bộ chuyên sâu phụ trách địa bàn cụ thể, kịp thời trả lời thỉnh thị, hướng dẫn nghiệp vụ, rút kinh nghiệm công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính.
III. KẾT LUẬN
Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính là một trong những công tác thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định pháp luật, nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính của Tòa án kịp thời, đúng pháp luật.
Chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính” đã nghiên cứu thực tiễn hoạt động kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính của Viện kiểm sát hai cấp trên địa bàn ở tỉnh Bến Tre, đã phân tích, đánh giá về thực trạng các quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng trong công tác kiểm sát, những vấn đề khó khăn, vướng mắc của thực tiễn hoạt động kiểm sát, từ đó đưa ra giải pháp và kiến nghị để hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát.
Với những giải pháp, kiến nghị của chuyên đề đưa ra, hy vọng sẽ góp phần khắc phục những vướng mắc bất cập, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính hiện nay./.
P12 - VKSND tỉnh Bến Tre