Nguyễn Văn A có ý định cướp giật tài sản nên điều khiển xe mô tô chạy trên đường tìm cơ hội thực hiện ý định. Khi đến đoạn đường vắng (lúc này khoảng 01 giờ), A phát hiện Nguyễn Thị B đang điều khiển xe đạp điện đi một mình, trên cổ có đeo sợi dây chuyền. A liền cặp sát vào xe B, dùng tay giật lấy sợi dây chuyền của B rồi tăng ga xe bỏ chạy. Do bất ngờ, nên B loạng choạng xe và té ngã xuống đường rồi truy hô, A chạy tới phía trước một đoạn thì bị lạc tay lái nên cũng té ngã xuống đường. Cùng lúc này, Nguyễn Văn C ở gần đó nghe tiếng truy hô nên chạy đến thì thấy A đang nằm trên đường. C nhận ra A là người bạn thân từ thuở nhỏ nên đỡ A dậy. Do C sợ mọi người chạy đến sẽ bắt A, nên C kêu A vào nhà C gần đó để trốn còn C ở lại dẫn xe mô tô của A vào nhà C. Khi vào nhà, A kể lại toàn bộ sự việc cho C nghe, thì C lấy quần áo cho A thay và đưa xe của C cho A đi ngã sau chạy thoát. Còn xe của A thì để lại tại nhà C để C sơn sửa lại (vì C là thợ sửa xe và xe A sau khi ngã xuống đường bị hư hỏng nặng). Riêng B, sau khi ngồi dậy đã chạy xe đến Công an để trình báo sự việc. Sau khi kêu A chạy trốn thì C tiếp tục ra hiện trường nơi A té ngã, không thấy ai nên đã nhặt các phụ tùng xe của A còn để lại hiện trường đem về nhà C cất giấu nhằm xóa dấu vết.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau đó Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện B đã bắt được A và chứng minh được toàn bộ nội dung vụ án như đã nêu trên. A bị khởi tố về tội “Cướp giật tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS (dùng thủ đoạn nguy hiểm).
Vấn đề khó khăn ở đây là hành vi của C có cấu thành tội phạm hay không. Rõ ràng hành vi của C là hành vi che giấu tội phạm vì C không hứa hẹn trước nhưng sau khi biết tội phạm thực hiện đã có hành vi xóa dấu vết, tang vật phạm tội và đã cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội.
Tuy nhiên tội “Che giấu tội phạm” quy định tại Điều 313 BLHS mang tính chất liệt kê Điều luật nhưng không có quy định tội “Cướp giật tài sản” quy định tại Điều 136 BLHS do đó không thể xử lý C về tội “Che giấu tội phạm”.
Những vấn đề cần suy nghĩ đối với vụ án này: Hành vi của C là nguy hiểm cho xã hội, gây cản trở rất lớn đến quá trình điều tra và phát hiện tội phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Riêng vụ án này trên thực tế gây dư luận rất lớn trong quần chúng nhân dân khi không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn C. Nhưng do Điều luật không quy định người có hành vi che giấu người thực hiện tội Cướp giật tài sản phải chịu trách nhiệm hình sự nên C không bị xử lý hình sự đối với hành vi nguy hiểm này. Thiết nghĩ tại Điều 313 BLHS cần bổ sung thêm Điều 136 BLHS mới có tác dụng răn đe và phòng ngừa chung, góp phần có hiệu quả trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm, tạo lòng tin của nhân dân đối với công cuộc xây dựng pháp chế Xã hội chủ nghĩa.
Thông
VKSND thành phố Bến Tre