Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

 (tiếp theo kỳ trước)

3. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát về thủ tục, trình tự giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 không quy định rõ thủ tục xem xét, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, về nội hàm của giai đoạn giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với các quyết định trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được thể hiện áp dụng biện pháp này được thực hiện ở cấp thứ hai. Do đó, công tác kiểm sát ở cấp này cũng rất quan trọng cụ thể là:

Cần quan tâm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc đảm bảo quyền khiếu nại của người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên; quyền kiến nghị của cơ quan đề nghị; Việc chấp hành quy định về đối tượng, thời hạn, thủ tục khiếu nại đối với quyết định của Tòa án; việc gửi đơn khiếu nại hoặc văn bản kèm theo hồ sơ cho Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

3.1. Kiểm sát thông báo thụ lý

Cũng như ở Viện kiểm sát cấp huyện, khi thực hiện công tác kiểm sát việc thông báo thụ lý của Tòa án cấp tỉnh, Viện kiểm sát cấp tỉnh (Phòng 12 hoặc Phòng 5) cần chú ý kiểm sát nội dung thông báo thụ lý của Tòa án.

3.2. Kiểm sát thông báo mở phiên họp

Pháp lệnh quy định thời hạn xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị rất ngắn, nên cần chú ý quan tâm kiểm sát việc chấp hành quy định về thời hạn mở phiên họp; về đối tượng gửi thông báo mở phiên họp, trong đó có Viện kiểm sát cùng cấp (Phòng 12 hoặc Phòng 5).

3.3. Kiểm sát trình tự tiến hành phiên họp

Pháp lệnh quy định phải có Kiểm sát viên tham gia phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị, trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp, chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp, quyết định mở phiên họp phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, do đó, Viện kiểm sát cấp tỉnh (Phòng 12 hoặc Phòng 5) cần bố trí phân công Kiểm sát viên tham gia đầy đủ các phiên họp theo quy định. Khi tham gia phiên họp, Kiểm sát viên chú ý tập trung nghiên cứu nội dung khiếu nại, nội dung kháng nghị, các căn cứ pháp luật được cấp sơ thẩm áp dụng khi ban hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Tại các phiên họp, sau khi người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của họ trình bày ý kiến, tranh luận với đại diện cơ quan kiến nghị, kháng nghị về vấn đề có liên quan, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật cả về trình tự, thủ tục và cả về nội dung giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Do đó, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ kết hợp việc theo dõi ý kiến tranh luận tại phiên họp để kịp thời bổ sung với diễn biến tại phiên họp.

3.4. Kiểm sát quyết định của Tòa án

Pháp lệnh quy định quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành ngay, không có thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nên cần chú ý kiểm sát chặt chẽ việc chấp hành quy định về thẩm quyền của Thẩm phán khi giải quyết, kịp thời phát hiện vi phạm để có biện pháp xử lý theo quy định.

Chú ý: Trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát, Viện kiểm sát cần chú ý thực hiện các quyền: Quyền yêu cầu; Quyền kiến nghị khi phát hiện vi phạm ngay từ khi kiểm sát Tòa án nhận, thụ lý hồ sơ; Kiểm sát thông báo thụ lý; Kiểm sát quyết định mở phiên họp; Kiểm sát việc lập hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ; Kiểm sát về thành phần tham gia phiên họp; Kiểm sát về trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp; Kiểm sát về biên bản phiên họp; Kiểm sát quyết định của Tòa án.

Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013; Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 20/01/2014. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật cần phải có một số Thông tư hướng dẫn cụ thể của các Bộ, Ngành Trung ương có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đối với Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân cấp huyện, đây là công việc hoàn toàn mới nên cũng cần một thời gian thích hợp để làm quen và từng bước hoàn thành được nhiệm vụ mới được giao.

Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Viện kiểm sát cần tăng cường công tác phối hợp với Tòa án cùng cấp, có những giải pháp phù hợp theo quy định của pháp luật để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính  tại Tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 quy định, cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cần quán triệt nắm vững, hiểu đúng về nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định để vận dụng thực hiện thống nhất trong thực tiễn./.

                                                    Phòng 12 – VKSND tỉnh Bến Tre