Trước đây, theo qui định của Pháp lênh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 tại Điều 12 đã có qui định: “Khi xét xử vụ án dân sự, Toà án có quyền huỷ quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ án mà Toà án có nhiệm vụ giải quyết”.
Khi xây dựng Bộ luật TTDS năm 2004 đã bỏ thẩm quyền này của Toà án. Nên khi xét xử nếu thấy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức thì Toà án chỉ có thể kiến nghị cơ quan, tổ chức đã ra quyết định thu hồi hoặc bãi bỏ. Hoặc trường hợp nếu không huỷ quyết định cá biệt trước thì không thể giải quyết nội dung vụ án dân sự (Ví dụ: Chia thừa kế quyền sử dụng đất, tranh chấp quyền sử dụng đất, đòi lại nhà đất … mà Giấy chứng nhận QSD đất đã cấp cho người thứ ba) nên Toà án thường sẽ trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn đương sự khởi kiện vụ án hành chính để huỷ Giấy CNQSD đất đã cấp trước khi khởi kiện vụ án dân sự.
Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân khi khởi kiện. Do đó, Bộ luật TTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 (BLTTDS) đã bổ sung trở lại thẩm quyền này của Toà án. Tại Điều 32a BLTTDS:
“1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng.
2.Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt bị yêu cầu hủy quy định tại khoản 1 Điều này, thì quyết định cá biệt đó được Tòa án xem xét trong cùng vụ việc dân sự. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự đó được xác định theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật tố tụng hành chính.”
Để thực hiện qui định này của BLTTDS thì Liên ngành TAND tối cao – Viện KSND tối cao và Bộ tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2014 (Thông tư liên tịch số 01). Thông tư đã hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền, trình tự thủ tục thụ lý đối với yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức trong vụ án dân sự. Tuy nhiên, trong việc áp dụng Thông tư liên tịch số 01 có một số khó khăn, vướng mắc như sau:
Thứ nhất: Về thời hiệu khởi kiện theo qui định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 01 qui định: “Không áp dụng thời hiệu quy định trong pháp luật tố tụng hành chính khi xem xét yêu cầu huỷ quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật”.
Điều 104 Luật tố tụng hành chính qui định:
“1. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
2. Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:
a) 01 năm, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
b) 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
c) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.
3. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện. ….”
Như vậy, theo hướng dẫn nêu trên, thì trường hợp khi biết được quyết định hành chính về việc cấp Giấy CNQSD đất có xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp, nhưng không khởi kiện vụ án hành chính trong thời hạn 01 năm nên đã hết thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính theo qui định tại Điều 104 Luật tố tụng hành chính. Nhưng sau đó nếu họ khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp phần đất đã được cấp Giấy CNQSD đất nêu trên và yêu cầu huỷ Giấy CNQSD đất này thì Toà án phải thụ lý giải quyết yêu cầu này cùng với việc giải quyết vụ án dân sự theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01. Trong trường hợp này, Thông tư liên tịch số 01 đã vô hiệu hoá qui định về thời hiệu khởi kiện qui định tại Điều 104 Luật tố tụng hành chính.
Thứ hai, về thẩm quyền của Toà án: Tại khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01 thì “Toà án xem xét huỷ quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật khi đương sự có yêu cầu bằng văn bản hoặc trình bày yêu cầu tại Toà án trong quá trình Toà án giải quyết vụ việc dân sự”.
Theo hướng dẫn này, nếu đương sự không yêu cầu huỷ quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật bằng một trong hai hình thức là bằng văn bản hoặc trình bày yêu cầu tại Toà án trong quá trình Toà án giải quyết vụ việc dân sự thì Toà án không được xem xét huỷ quyết định này. Như vậy, trong ví dụ nêu trên nếu không xem xét tính pháp lý của Giấy CNQSD đất đã cấp cho người thứ ba thì không thể giải quyết yêu cầu của đương sự. Nhưng do trong quá trình giải quyết các đương sự không ai yêu cầu huỷ Giấy CNQSD đất đã cấp, do đó nếu có cơ sở xác định việc cấp Giấy CNQSD đất cho người thứ ba là vi phạm pháp luật thì Toà án không thể tuyên huỷ Giấy CNQSD đất đã cấp, nếu trong trường hợp này tuyên huỷ thì vi phạm Thông tư liên tịch số 01 và trong thực tế nhiều trường hợp Toà án đã chọn phương án là không tuyên huỷ quyết định cá biệt đó mà chỉ tuyên kiến nghị cơ quan đã ban hành tự huỷ bỏ hoặc thu hồi quyết định đó.
Trên đây là một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2014 cần được nghiên cứu để sửa đổi cho thống nhất.
Trọng Thế
VKSND Thành phố Bến Tre