Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 (viết tắt là BLTTHS) quy định: khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.
Tuy nhiên theo quy định tại Khoản 1, Điều 103 BLTTHS: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến. Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố kèm theo các tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Như vậy, Viện kiểm sát là một trong những cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Nhưng Viện kiểm sát không có thẩm quyền xử lý các thông tin này mà phải chuyển ngay các thông tin này cùng tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền, điều này mâu thuẩn với trách nhiệm phát hiện tội phạm của Viện kiểm sát được quy định tại Điều 13 BLTTHS. Trong quá trình kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của Khoản 4, Điều 103 BLTTHS, Viện kiểm sát không có thẩm quyền tiến hành xác minh làm rõ nội dung thông tin tội phạm và các vi phạm của Cơ quan điều tra.
Khoản 4, Điều 12 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định: Viện kiểm sát có thẩm quyền trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát nhân dân đã yêu cầu nhưng không được khắc phục. Đây là một điểm mới của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 so với BLTTHS, quy định này đã tạo ra cơ sở pháp lý nền tảng cho hoạt động thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Quốc Việt
Phòng 2 – VKSND tỉnh Bến Tre