Thực hiện Chỉ thị số 01/CT – VKSTC ngày 02/01/2015 của Viện KSND tối cao; Chương trình số 01/CTr – VKSTC – V10 ngày 12/01/2015; Hướng dẫn số 09/HD – VKSTC – V10 ngày 21/01/2015 của Vụ kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 10) Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kế hoạch công tác kiểm sát số 81/KH – VKS ngày 27/01/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Phòng kiểm sát thi hành án dân sự (Phòng 10) xây dựng, triển khai Chương Trình – Hướng dẫn công tác kiểm sát số 101/CTr – VKS – P10 thực hiện nhiệm vụ cụ thể với các chỉ tiêu: Viện kiểm sát hai cấp trực tiếp xác minh ít nhất 15% trên tổng số các quyết định hoãn thi hành án, quyết định uỷ thác thi hành án và những việc xếp vào loại chưa có điều kiện thi hành án. Phối hợp với Cơ quan Thi hành án phấn đấu thực hiện chỉ tiêu về thi hành án dân sự đạt trên 88% về việc và trên 77% về tiền trên tổng số việc có điều kiện thi hành án.
Thứ nhất. Viện kiểm sát hai cấp trực tiếp xác minh ít nhất 15% trên tổng số các quyết định hoãn thi hành án, quyết định uỷ thác thi hành án và những việc xếp vào loại chưa có điều kiện thi hành án. Về bản chất vấn đề, thi hành án là việc đảm bảo bản án được thực thi nghiêm chỉnh khi có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc thi hành án trên thực tế cũng đạt được những kết quả như mong muốn vì nhiều lý do khác nhau. Một trong những lý do kể đến như: Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; khi tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án chưa xác minh được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc trường hợp người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú, có trụ sở ở nhiều địa phương, thủ trưởng có quan thi hành án dân sự ủy thác thi hành án từng phần cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án để thi hành phần nghĩa vụ của họ…
Khi người phải thi hành án rơi vào các trường hợp được quy định tại Điều 48, 49 luật thi hành án dân sự 2008 và có văn bản xác minh điều kiện thi hành án của cơ quan thi hành án, họ sẽ được hoãn hoặc được tiến hành ủy thác thi hành án dẫn đến bản án không được thực thi trên thực tế làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Đây là những nguyên nhân khiến việc xác minh trên là rất cần thiết và cũng gặp trở ngại làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu xác minh: “ít nhất 15% trên tổng số các quyết định hoãn thi hành án, quyết định uỷ thác thi hành án và những việc xếp vào loại chưa có điều kiện thi hành án” mà chỉ thị số 01/CT – VKSTC ngày 02/01/2015 của Viện KSND tối cao; Chương trình số 01/CTr – VKSTC – V10 ngày 12/01/2015; Hướng dẫn số 09/HD – VKSTC – V10 ngày 21/01/2015 của Vụ kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 10) Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kế hoạch công tác kiểm sát số 81/KH – VKS ngày 27/01/2015 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre đã ban hành vì người được thi hành án khi biết mình rơi vào trường hợp phải cưỡng chế kê biên tài sản, họ sẽ tìm cách trốn tránh nghĩa vụ bằng cách cố tình đưa bản thân vào các trường hợp quy định tại điều 48, 49 luật thi hành án dân sự 2008 để được hoãn hoặc ủy thác thi hành án và ngụy tạo các chứng cứ để trốn tránh nghĩa vụ phải thi hành án. Do đó, khi các cơ quan thi hành án gặp nhiều khó khăn, không thể tiến hành xác minh trên thực tế.
Thứ hai, phối hợp với Cơ quan thi hành án phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu về thi hành án dân sự đạt trên 88% về việc và trên 77% về tiền trên tổng số việc có điều kiện thi hành. Đây là điểm tuy không mới nhưng là bước đột phá và là chỉ tiêu pháp lệnh trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ kiểm sát thi hành án dân sự năm 2015 đối với Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Ngoài công tác xác minh trực tiếp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp sẽ còn phối hợp với cơ quan thi hành án để thực hiện chỉ tiêu trên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện không ít trở ngại làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu được giao đó là bên cạnh những khó khăn vướng mắc trong công tác thống kê do hai ngành có thời điểm tổng kết năm khác nhau còn có những trở ngại khách quan như:
- Khi tiến hành kê biên quyền sử dụng đất ở một số địa phương, người được thi hành án yêu cầu kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo hợp đồng thế chấp. Tuy nhiên, với những thửa đất trên gồm nhà và đất, đa số thuộc trường hợp hộ gia đình đã nhiều đời sinh sống trên mảnh đất đó. Khi tiến hành kê biên người phải thi hành án yêu cầu để lại căn nhà để ở vì đây là nơi ở duy nhất mà họ có nhưng người được thi hành án không đồng ý. Từ đó, khi Chấp hành viên tiến hành kê biên gặp phải trở ngại từ chính quyền địa phương cũng người được thi hành án.
- Bên cạnh đó khi tiến hành kê biên, diện tích kê biên thực tế không đúng với diện tích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bao gồm nhiều hoặc ít hơn) đã dẫn đến trường hợp trì hoãn khi tiến hành kê biên và xác minh tài sản để bán đấu giá vì phải chờ cơ quan có thẩm quyền đo đạc lại diện tích đất.
- Một số trường hợp người phải thi hành án không đồng ý với kết quả hiệp thương giữa các bên có liên quan dẫn đến khiếu nại. Khi đó, có quan có thẩm quyền phải giải quyết đơn khiếu nại và chờ kết quả giải quyết nên không thể tiến hành xác minh.
- Tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua, với những trường hợp như vậy, phải tiến hành họp giảm giá, đem tài sản ra bán đấu giá nhiều lần theo đúng trình tự quy định pháp luật. Vì vậy, giá trị tài sản sẽ giảm xuống nhiều lần so với giá trị ban đầu. Đây cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu về tiền mà kế hoạch công tác đề ra.
Do đó, các đơn vị Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố, phòng nghiệp vụ trực thuộc Viện kiểm sát tỉnh cần nổ lực phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu trên từ đầu khi tổ chức thực hiện kế hoạch.
Đây là một số khó khăn trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu nghiệp vụ. Để đạt được những chỉ tiêu trên các đơn vị cần phải phấn đấu tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm kế hoạch và chủ động nghiên cứu hồ sơ, chọn lựa để công tác kiểm sát thi hành án dân sự đạt được kết quả cao nhất.
Hoàng Quí
Phòng 10 VKSND tỉnh Bến Tre