Thời gian qua, chất lượng của hoạt động thi hành án dân sự (THADS) được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực, song nhìn chung vẫn chưa tạo được bước đột phá do số lượng việc và tiền phải THA chuyển kỳ sau còn cao.
Qua công tác kiểm sát THADS toàn tỉnh bến Tre, từ tháng 12-2013 đến tháng 11-2014, trong tổng số 12.961 việc được thụ lý, có đến 3.143 việc chưa giải quyết xong (gồm 2.225 việc có điều kiện giải quyết và 918 việc chưa có điều kiện giải quyết), chiếm 24,2%. Số tiền 210 tỷ đồng, chiếm 38% tổng số tiền thụ lý.
Án tồn chủ yếu là án khó thi hành do đương sự không có tài sản để THA. Cũng có nhiều trường hợp, đương sự có điều kiện để THA nhưng tài sản lại đang xảy ra tranh chấp hoặc mang đi thế chấp, thực hiện giao dịch bảo đảm loại việc này thường phức tạp vì liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều thủ tục gây mất thời gian và khó giải quyết dứt điểm, chưa kể đến những trường hợp đối tượng bỏ đi khỏi địa phương, đang chấp hành hình phạt tù và hàng loạt hành vi mang tính chống đối, chây ỳ như che giấu, tẩu tán tài sản, khiếu nại, tố cáo nhằm kéo dài thời gian THA. Thực tiễn thời gian qua xác minh hiện có 629 việc án với số tiền hơn 30 tỷ đồng trong nhóm án đang thi hành dở dang khi xác minh tài sản là nhà, đất để xử lý thi hành án, thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình. Theo quy định tại Điều 74 Luật THADS, trước khi cưỡng chế kê biên đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với các thành viên hộ gia đình, Chấp hành viên đã thông báo cho người phải thi hành án và các đồng sở hữu chung biết để khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phân chia phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung, thì phát sinh các vấn đề sau:
- Người phải thi hành án và các người đồng sở hữu, sử dụng chung không thực hiện việc khởi kiện, vì không muốn tài sản của mình bị xử lý thi hành án. Một số trường hợp không khởi kiện nhưng lại có đơn khiếu nại, yêu cầu không được kê biên vì đó là tài sản chung của gia đình.
- Chấp hành viên tiếp tục giải thích yêu cầu người được thi hành án khởi kiện, đề nghị Tòa án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để kê biên, xử lý thi hành án thì Tòa án không thụ lý với lý do: Tài liệu kèm theo đơn chưa có văn bản thỏa thuận của các đồng sở hữu, sử dụng về việc xác định phần tài sản cụ thể của người phải thi hành án trong khối tài sản chung; đồng thời phần đất thuộc quyền sử dụng chung chưa được đo đạc tách ra thành thửa đất riêng của người phải thi hành án trong khối tài sản chung. Việc yêu cầu này của Tòa án đối với các việc án vướng Điều 74 Luật THADS, Chấp hành viên, người được thi hành án không thể thực hiện được trong thực tế vì các đồng sở hữu, sử dụng không thỏa thuận; việc án chưa kê biên thì không thể có thửa đất được đo đạc, tách thửa theo yêu cầu.
- Chấp hành viên hướng dẫn đương sự khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để kê biên thi hành án thì không được Tòa án chấp nhận bởi lý do trên; quá bức xúc với vụ việc của mình, người được thi hành án quay lại khiếu nại Chấp hành viên chậm thi hành án. Đây cũng là một trong nhiều lý do dẫn đến công tác tổ chức THA gặp khó khăn.
Tiến độ THADS nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào những nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ quan có thẩm quyền như yêu cầu hoãn, tạm hoãn, tạm đình chỉ, kháng nghị... theo quy định của pháp luật. Trường hợp thi hành đối với bản án số 423/2008/DS-PT ngày 29/10/2008 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ. Chấp hành viên đã hoàn tất các thủ tục theo quy định (xác minh điều kiện THA, tiến hành cưỡng chế kê biên 2.776,5 m2 quyền sử dụng đất và hoa màu trên đất của ông Đinh Văn Ch tọa lạc ở ấp 2, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre để đảm bảo thi hành án số tiền 3.136 tỷ đồng, đã thẩm định giá, bán đấu giá tài sản lần thứ 7 nhưng không có khách hành đăng ký tham gia mua tài sản). Việc bán đấu giá bị “phá sản” do phải tạm đình THA theo kháng nghị tái thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để chờ Quyết định tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao và hiện nay việc án đã đình chỉ thi hành, do án sơ, phúc thẩm đã bị huỷ.
Bên cạnh đó, một số ít bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ, có thiếu sót nên thiếu căn cứ tổ chức giải quyết đang “làm khó” các cơ quan THADS, như việc thi hành bản án số 201/DSPT ngày 26/3/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre buộc bên phải THA di dời nhà giao trả mặt bằng có diện tích 43 m2 cho nguyên đơn. Tuy nhiên qua xác minh căn nhà phải di dời để trả mặt bằng là nhà phố chợ (vách tường chung với nhà khác) nhà xây dựng bê tông, cốt thép kiên cố không thể di dời được. Những vụ việc tương tự xảy ra không nhiều nhưng làm kéo dài thời gian THA, khiến dư luận xã hội không khỏi hoài nghi về chất lượng các bản án đã tuyên, phần nào làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung.
Để công tác THADS tạo được bước đột phá căn bản trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo THADS cần được củng cố và kiện toàn để tăng cường tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác THADS trên địa bàn. Cục THADS tỉnh Bến Tre đang tập trung triển khai việc thực hiện quy chế phối hợp liên ngành (giữa các cơ quan THADS - Viện kiểm sát - Tòa án - Công an) nhằm tăng cường vai trò của các cơ quan hữu quan trong THADS từ cấp tỉnh đến các địa phương. Tăng cường rà soát, phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện làm căn cứ tổ chức THA dứt điểm. Mặt khác, công tác xét xử của Tòa án các cấp cũng cần được nâng cao về chất lượng để bảo đảm cho các bản án, quyết định được thi hành hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhà nước, tổ chức và công dân, góp phần ổn định tình hình trật tự, an ninh, chính trị trên địa bàn./.
Phòng 10-Viện KSND Bến Tre