I. Quan điểm chỉ đạo và các yêu cầu của việc soạn thảo dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)
Việc soạn thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) quán triệt những quan điểm chỉ đạo và yêu cầu sau đây:
1. Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm về cải cách tư pháp đã được xác định trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; cụ thể là “Mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện quyết định hành chính. Đổi mới thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án”.
2. Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính phải đảm bảo cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm tranh tụng trong xét xử để Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân về công lý, góp phần tích cực vào việc bảo vệ và khôi phục những quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm.
3. Bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng hành chính có khả thi, dân chủ, công khai, công bằng, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng hành chính.
4. Việc xây dựng dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) phải được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực hiện thi hành các quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2010 nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cấp, kế thừa những quy định còn phù hợp; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về tố tụng hành chính.
5. Bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành.
6. Bảo đảm các quy định của Luật Tố tụng hành chính không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
II. Một số định hướng lớn của việc xây dựng dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)
1. Về các nguyên tắc tố tụng hành chính
Theo dự kiến thì Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014). Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và thể chế hóa các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử, thực hiện chế độ hai cấp xét xử, thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia, bảo đảm tranh tụng trong xét xử... Vì vậy, Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) phải quy định các nguyên tắc trong tố tụng hành chính phù hợp với tinh thần quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
2. Về thẩm quyền của Tòa án nhân dân
- Mặc dù Luật Tố tụng hành chính hiện hành đã mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện của Tòa án nhân dân, tuy nhiên, vẫn còn giới hạn đối với một số loại khiếu kiện hành chính nhất định, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. Đồng thời hiện nay pháp luật chưa quy định các quyết định, hành vi hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự là quyết định hành chính, hành vi hành chính nên cá nhân, cơ quan, tổ chức không có quyền khởi kiện bằng vụ án hành chính đối với loại quyết định, hành vi này, làm hạn chế quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Vì vậy, với mục tiêu tiếp tục thể chế hóa định hướng cải cách tư pháp và để Tòa án nhân dân thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) được xây dựng nhằm mở rộng hơn nữa thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân đối với các khiếu kiện hành chính theo hướng không loại trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức và cho phép cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện quyết định, hành vi trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
- Theo quy định hiện hành thì một số quyết định xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án vẫn được khởi kiện bằng vụ án hành chính tại Tòa án. Tuy nhiên, việc cho phép khởi kiện bằng vụ án hành chính đối với quyết định của Tòa án như vậy là không phù hợp với thực tiễn, không khả thi, gây trì hoãn đến việc giải quyết vụ án. Vì vậy, việc sửa đổi theo hướng đối với quyết định của Tòa án thì không được khởi kiện bằng vụ án hành chính mà sẽ được giải quyết thông qua thủ tục đặc thù.
- Theo Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) thì Tòa án nhân dân được tổ chức theo 04 cấp gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Như vậy, Tòa án nhân dân tối cao không còn thẩm quyền phúc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới trực tiếp bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; Tòa án nhân dân cấp tỉnh không còn thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng… Vì vậy cần sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân các cấp phù hợp với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Đồng thời, để đảm bảo hiệu quả của việc giải quyết các khiếu kiện hành chính thì cần quy định tất cả các khiếu kiện hành chính đều thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Về thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính
Để đảm bảo giải quyết nhanh, gọn, kịp thời những vụ án đơn giản, chứng cứ đã rõ ràng thì Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) cần quy định về thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính tương tự như thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự. Về vấn đề này, Luật Tố tụng hành chính hiện hành cũng đã có thủ tục đặc biệt (có nội dung rút gọn) để áp dụng với khiếu nại danh sách cử tri. Vì vậy, cần nghiên cứu để bổ sung thêm những loại việc khác có tiêu chí cụ thể để giải quyết theo thủ tục rút gọn.
4. Về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
Theo quy định tại Điều 106 Hiến pháp năm 2013 thì “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Với quy định này thì việc xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm phải được thực hiện kịp thời, trong một thời hạn hợp lý. Vì vậy, Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) cần được quy định theo hướng đơn đề nghị giám đốc thẩm phải được gửi trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Thời hạn giải quyết theo tình tự giám đốc thẩm là 06 tháng tiếp theo để bảo đảm cho các vụ việc được giải quyết liên tục. Đồng thời quy định Tòa án cấp giám đốc có thẩm quyền sửa bản án, quyết định đã có hiêu lực pháp luật nếu có đủ căn cứ để bảo đảm việc giải quyết không bị kéo dài và đây cũng là điều kiện để Tòa án ban hành và phát triển án lệ.
5. Về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Theo quy định tại khoản 1, Điều 104 của Hiến pháp 2013 thì “Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cụ thể hóa quy định này, Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị. Vì vậy, để bảo đảm tinh thần của Hiến pháp mới và để quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thực sự là quyết định cao nhất thì cũng cần cân nhắc về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
6. Về thi hành án hành chính
Phương án 1: Quy định việc thi hành án ngay trong Luật Tố tụng hành chính và thể hiện đầy đủ các quy định về thi hành án hành chính để bảo đảm tính khả thi và bảo đảm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Phương án 2: Quy định về thi hành án hành chính bằng một văn bản luật riêng để đảm bảo tính đồng bộ, vì trong lĩnh vực thi hành án dân sự và thi hành án hình sự đều đã có luật thi hành án riêng. Nếu theo phương án này thì cùng với việc xây dựng dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) cần phải xây dựng Luật Thi hành án hành chính để bảm đảm cho việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính khi Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Trên đây là một số định hướng của việc xây dựng dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) của Ban chỉ đạo dự án sửa đổi Luật Tố tụng hành chính, đề nghị KSV - Cán bộ trong Ngành thảo luận, có ý kiến đề xuất, kiến nghị bổ sung và gửi về Phòng 12 – VKSND tỉnh để tập hợp báo cáo về VKSNDTC để tiếp tục xem xét bổ sung, chỉnh lý hoàn thiện./.
Phòng 12 – VKSND tỉnh Bến Tre