Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

 Qua thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án dân sự đợt 1/2014, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp phát hiện một số vi phạm phổ biến của cơ quan THADS. Dưới đây là một số vi phạm thường xuyên cần lưu ý khi tiến hành kiểm sát trực tiếp cơ quan thi hành án dân sự:

1. Ra quyết định thi hành án trễ hạn

Điều 36 Luật Thi hành án dân sự quy định:Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây:

a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;

b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Toà án chuyển giao hoặc do đương sự giao trực tiếp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.

Qua trực tiếp kiểm sát Viện KSND huyện TP phát hiện Chi cục THADS huyện TP ra quyết định thi hành án số 494 ngày 10/3/2014 với khoản tịch thu, sung công  một điện thoại di động hiệu Nokia theo bản án số 02 ngày 08/11/2013 của TAND huyện TP, Tòa án chuyển giao bản án cho Chi cục THADS nhận ngày 19/12/2013 nhưng đến ngày 10/3/2014 mới ra quyết định thi hành án là trễ hạn theo luật định.

2. Biên bản xác minh điều kiện thi hành án không đủ thành phần

Khoản 2 Điều 44 Luật thi hành án dân sự quy định “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay.

Việc xác minh phải được lập thành biên bản, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh.”

Qua trực tiếp kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tỉnh BT phát hiện hồ sơ thi hành án vụ Huỳnh Quang T (Phường PK), vụ Lê Duy V và Lê Kim P (Phường PK), vụ Phạm Tuấn K (xã MTA, TP BT): biên bản xác minh điều kiện của người phải thi hành án không có ở địa phương, không có tài sản, nhà cửa…nhưng biên bản xác minh lại không có cán bộ địa chính và Công an xã, phường ký xác nhận.

3. Chậm xác minh lại điều kiện thi hành án

Khoản 5 Điều 6 Nghị định 58/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự quy định “ Đối với việc thi hành án thuộc diện chủ động thi hành án mà người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án thì ít nhất 6 tháng một lần Chấp hành viên phải thực hiện xác minh điều kiện thi hành án của đương sự. Trường hợp người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án mà đang chấp hành hình phạt tù hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới thì thời hạn xác minh giữa các lần không được quá một năm.

Cụ thể, qua trực tiếp kiểm sát Viện KSND huyện GT phát hiện Chi cục THADS huyện GT chưa tiến hành xác minh lại trong các trường hơp sau:

- Vụ Trần Thị Thu L (xã LH, huyện GT) buộc nộp 894.650 đồng án phí theo quyết định THA số 113 ngày 13/7/2009. Quyết định hoãn thi hành án số 07 ngày 27/7/2011. Biên bản xác minh ngày 02/7/2013 đến tháng 4/2014 chưa tiến hành xác minh lại.

- Vụ Nguyễn Văn L (xã TH, huyện GT) buộc nộp 2.135.600 đồng tiền án phí theo quyết định THA số 358 ngày 02/01/2013. Biên bản xác minh điều kiện THA ngày 12/4/2013 đến tháng 4/2014 vẫn chưa tiến hành xác minh lại.

4. Việc đứng tên sổ tiết kiệm khi gửi tiền tại ngân hàng đối với khoản tiền thi hành án mà người được thi hành án chưa nhận

Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 của Bộ Tư pháp về “Hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự”, tại Khoản 1 Điều 10 quy định “Đối với những khoản tiền đã báo gọi nhưng đương sự chưa đến nhận hoặc chưa xác định được địa chỉ của người nhận, hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo mà đương sự không đến nhận thì cơ quan thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm 01 tháng cho đến khi đương sự đến nhận tiền. Cơ quan thi hành án phải mở sổ theo dõi ghi thông tin về số tiết kiệm cùng với tên người được thi hành án, tên bản án, tên quyết định thi hành án. Phần lãi suất gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho đương sự; Trường hợp hết thời hạn 05 năm kể từ ngày thông báo mà người được thi hành án không đến nhận thì cơ quan thi hành án làm thủ tục chuyển số tiền đó vào Ngân sách Nhà nước; Cơ quan thi hành án mở tài khoản tại ngân hàng để gửi đối với khoản tiền gửi không đủ điều kiện để lập số tiết kiệm”

Như vậy, trong trường hợp này người đứng tên gửi tiền tiết kiệm phải là cơ quan thi hành án dân sự. Nhưng trên thực tế, qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự phát hiện có một số trường hợp Chấp hành viên, thư ký đứng tên sổ tiết kiệm đối với khoản tiền thi hành án mà người được thi hành án chưa nhận theo quy định của pháp luật. Việc làm này đã vi phạm khoản 1 Điều 10 thông tư số 22/2011/TT-BTP của Bộ tư pháp.

Cụ thể, qua kiểm sát trực tiếp Cục THADS tỉnh, Viện KSND tỉnh Bến Tre phát hiện bốn sổ tiết kiệm đối với khoản tiền thi hành án mà người được thi hành án chưa nhận, tổng số tiền là 3.808.000 đồng đứng tên cá nhân (thủ quỹ) Huỳnh Thị Thanh H địa chỉ: 295/X, khu phố Y, Phường N, TP BT là không đúng quy định.

Hậu quả pháp lý của những việc làm sai sót, vi phạm pháp luật:

- Thứ nhất, việc ra quyết định thi hành án trễ sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách Nhà nước. Trong trường hợp ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự trễ hạn làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người được thi hành án, người phải thi hành án có thêm thời gian để “né tránh” hoặc “tẩu tán tài sản”…

- Thứ hai, biên bản xác minh không đúng, đủ thành phần, dẫn đến độ chính xác không cao nên việc ban hành các thủ tục thi hành án tiếp theo dựa vào biên bản xác minh đó (như các quyết định hoãn, đình chỉ, trả đơn…) không đúng quy định của pháp luật.

- Thứ ba, việc chậm tiến hành xác minh lại làm ảnh hưởng đến việc phân loại điều kiện thi hành án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và người được thi hành án.

- Thứ tư, việc để cá nhân đứng tên sổ tiết kiệm có thể dẫn đến tiêu cực nếu cơ quan thi hành án quản lý không chặt chẽ.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm sát thi hành án dân sự còn phát hiện một số trường hợp vi phạm phổ biến như: hồ sơ chi tiền thi hành án không lưu bản chính giấy giới thiệu, giấy ủy quyền, không lưu số chứng minh nhân dân người nhận tiền; không tống đạt đầy đủ các quyết định thi hành án và các thủ tục cần thiết khác; chậm xử lý tang vật…Đây là những vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát hai cấp đã phát hiện cần tập hợp kiến nghị cơ quan thi hành án khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo cho pháp luật về thi hành án dân sự đực tuân thủ thống nhất./.               

                                                       Huỳnh Nhung

                                           Phòng kiểm sát thi hành án dân sự