Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

        Luật Đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể và đầy đủ từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo một cách công khai, minh bạch và quyền lợi của người có đất thu hồi nhằm khắc phục, loại bỏ những trường hợp thu hồi đất làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất, đồng thời khắc phục một cách có hiệu quả những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, tạo dư luận xấu trong xã hội.

1. Quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất (mục 1, chương VI) và Điều 17 Chương 4 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013

*Về mục đích thu hồi đất

 Khác với Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 quy định cụ thể 04 trường hợp thu hồi đất, gồm: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

- Về thẩm quyền thu hồi đất được Điều 66 Luật Đất đai năm 2013 quy định chi tiết các trường hợp thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Tuy nhiên, để cải cách thủ tục hành chính khi thực hiện các dự án, đã bổ sung thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với trường hợp khu đất thu hồi có cả tổ chức và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.

- Khắc phục những bất cập của Luật Đất đai năm 2003, việc thu hồi đất chỉ được quy định chung chung là: thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (Điều 39), thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế (Điều 40). Luật Đất đai năm 2013 đã luật hóa, quy định cụ thể trong điều luật (Điều 61) có 10 (mười) trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, chủ yếu là để xây dựng các công trình đảm bảo phục vụ cho hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân.

- Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Nhà nước chỉ thu hồi đất với các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất (khoản 1); Các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất (quy định chi tiết tại các điểm a, b, c, khoản 2); Các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất (quy định chi tiết tại các điểm a, b, c, d, đ, khoản 3).

- Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể 09 trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, trong đó có 03 trường hợp cần lưu ý là có vi phạm pháp luật về đất đai, nhưng phải trong trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm hoặc không chấp hành thì Nhà nước mới thu hồi đất:

+ Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm (điểm a, khoản1).

+ Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành (điểm g, khoản 1).

+ Đặc biệt đối với trường hợp không đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, Luật Đất đai năm 2013 quy định chế tài mạnh để xử lý đối với các trường hợp này (điểm i, khoản 1).

Việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai phải căn cứ vào văn bản, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

- Khoản 1, Điều 65 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể 06 trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

* Về trưng dụng đất

 Những nội dung quy định về trưng dụng đất (Điều 72 Luật Đất đai năm 2013) trong trường hợp cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chiến tranh và phòng chống thiên tai có một số nội dung mới cần chú ý:

- Quyết định trưng dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản; (Điều 67 Nghị định số 43/NĐ - CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai hướng dẫn nội dung này như sau: Quyết định trưng dụng đất, văn bản xác nhận việc trưng dụng đất gồm các nội dung chủ yếu là: Họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người quyết định trưng dụng đất; tên, địa chỉ của người có đất trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng đất trưng dụng; tên, địa chỉ của tổ chức, họ tên và địa chỉ người được giao đất trưng dụng; mục đích, thời hạn trưng dụng đất; vị trí, diện tích, loại đất, tài sản gắn liền với đất trưng dụng; thời gian bàn giao đất trưng dụng. Và khi có thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện nơi có đất trưng dụng thành lập Hội đồng để xác định mức bồi thường thiệt hại, trong thành phần tham gia Hội đồng có đại diện Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi có đất trưng dụng).

- Trường hợp khẩn cấp không thể ra quyết định bằng văn bản thì người có thẩm quyền được quyết định trưng dụng đất bằng lời nói nhưng phải viết giấy xác nhận việc trưng dụng đất ngay tại thời điểm trưng dụng.

- Người có thẩm quyền trưng dụng đất không được phân cấp thẩm quyền cho người khác, thực hiện việc bồi thường thiệt hại do trưng dụng đất gây ra.

* Trình tự, thủ tục thu hồi đất (quy định tại các Điều 67, 68, 69, 70, 71):

Luật Đất đai năm 2003 không quy định chi tiết trong các điều luật về trình tự, thủ tục thu hồi đất, mà trình tự, thủ tục thu hồi đất được quy định, hướng dẫn trong các Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 và Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 của Chính phủ. Để thuận lợi cho việc thực hiện các trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng Luật Đất đai năm 2013 đã luật hóa và quy định chi tiết, cụ thể trong các điều luật về trình tự, thủ tục thu hồi đất. Một số nội dung cần chú ý khi triển khai, vận dụng trong công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính:

- Về thẩm quyền thu hồi đất: Về cơ bản thẩm quyền thu hồi đất được kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2003, tuy nhiên Điều 66 Luật Đất đai năm 2013 đã sửa đổi một số nội dung, trong đó quy định UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với trường hợp khu đất thu hồi có cả tổ chức và hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.                

- Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng gồm tổ chức dịch vụ công về đất đai, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (khoản 1, Điều 68).

- UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất, thông báo này được gửi đến từng người có đất thu hồi, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi. (Điều 17 Nghị định số 43/NĐ - CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai hướng dẫn nội dung này như sau: Thông báo thu hồi đất bao gồm các nội dung: + Lý do thu hồi đất; + diện tích, vị trí khu đất thu hồi trên cơ sở hồ sơ địa chính hiện có hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp thu hồi đất theo tiến độ thực hiện dự án thì ghi rõ tiến độ thu hồi đất; + Kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; + Dự kiến về kế hoạch di chuyển và bố trí tái định cư; + Giao nhiệm vụ lập, thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư).

- UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

- Trường hợp người sử dụng đất không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và sau 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục vẫn không phối hợp thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện kiểm đếm bắt buộc.

* Về bồi thường hỗ trợ tái định cư

- Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tổ chức lấy ý kiến theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi và phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện của UBND cấp xã, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với UBND cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền.

- Về quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày thuộc thẩm quyền UBND cấp có thẩm quyền là UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện (Điều 6 Luật Đất đai).

- Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phổ biến và niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

- Quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được gửi đến từng người có đất thu hồi.

* Về cưỡng chế thu hồi đất

- Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất và sau khi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế.

- Việc thực hiện quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc và quyết định cưỡng chế thu hồi đất phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

+ Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật.

+ Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.

- Trước khi tiến hành cưỡng chế thu hồi đất, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế (khoản 3, Điều 17 Nghị định số 43/NĐ - CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai hướng dẫn nội dung này như sau: “Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất gồm các thành phần sau:

+  Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện là trưởng ban.

+ Các thành viên gồm đại diện các cơ quan: tài chính, tài nguyên và môi trường, thanh tra, tư pháp, xây dựng cấp huyện; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND cấp xã nơi có đất và một số thành viên khác do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định”.

- Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế; trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.

- Một nội dung cần đặc biệt lưu ý khi cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất thì ngoài các điều kiện về việc người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi đã được vận động, thuyết phục, quyết định cưỡng chế thu hồi đất đã có hiệu lực pháp luật và đã được niêm yết công khai thì việc người bị cưỡng chế được nhận quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành là điều kiện bắt buộc, trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì UBND cấp xã lập biên bản.

- Về phân công trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất thì UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải quyết khiếu nại có liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về khiếu nại, (Khoản 6 Điều 17 Nghị định số 43/NĐ - CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về giải quyết khiếu kiện phát sinh từ việc cưỡng chế thu hồi đất: “Người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có).

Đối với trường hợp việc thu hồi đất có liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác trong việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật khác có liên quan thì Nhà nước tiến hành thu hồi đất, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định mà không phải chờ cho đến khi giải quyết xong quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng đất giữa người có đất thu hồi và tổ chức, cá nhân đó theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Với những quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất của Luật Đất đai năm 2013 nêu trên, khi thực hiên công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính cần chú ý phân biệt về quyết định hành chính và hành vi hành chính trong quá trình thực hiện việc thu hồi đất, cụ thể:

- Thứ nhất, về thẩm quyền của UBND có thẩm quyền thu hồi đất gồm ban hành thông báo thu hồi đất; quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải quyết khiếu nại có liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về khiếu nại…

- Thứ hai, về thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện gồm ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc, quyết định cưỡng chế thực hiện kiểm đếm bắt buộc, quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện các quyết định đó; ban hành quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế…

- Thứ ba, về thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp xã gồm phối hợp với Ban thực hiện cưỡng chế, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; niêm yết công khai các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi; tổ chức đối thoại với trường hợp còn ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; lập biên bản trong trường hợp người bị cưỡng chế không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế; tham gia thực hiện cưỡng chế; niêm phong, di chuyển, bảo quản tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi đất…

- Thứ tư, về thẩm quyền, trách nhiệm của Ban thực hiện cưỡng chế gồm vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế; trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.

2. Quy định về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư chương VI mục 2 và Chương II Nghị định 47/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

- Các nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà thu hồi đất được quy định cụ thể, chi tiết tại Điều 74 Luật Đất đai năm 2013, trong đó điểm cần chú ý là việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất;

- Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 quy định 06 điều kiện cụ thể để được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

- Luật Đất đai năm 2013 đã quy định về các trường hợp không được bồi thường về đất, không được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 76), bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân (Điều 77, 80), bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở (Điều 79)…

- Đồng thời với việc quy định cụ thể về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, Luật Đất đai năm 2013 cũng đã quy định cụ thể về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 83), lập và thực hiện dự án tái định cư (Điều 85), trong đó cần chú ý về quy định UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất.

Về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư còn được quy định cụ thể trong Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ và tài liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi nghiên cứu, vận dụng trong công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính cần chú ý các nội dung về đối tượng, điều kiện, mức được hưởng chế độ bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cưđể thực hiện công tác kiểm sát cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần lưu ý nội dung về Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quyết định của UBND cấp có thẩm quyền phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; được gửi đến từng người có đất thu hồi v.v.

3. Quy định về bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh

Khác với Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 đã xây dựng một mục riêng (Mục 3, Chương VI) về bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh. Xác định nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh gồm:

+ Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.

+ Khi Nhà nước thu hồi đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải ngừng sản xuất, kinh doanh mà có thiệt hại thì được bồi thường thiệt hại.

- Quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 89), bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi (Điều 90), bồi thường chi phí di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 91).

- Một trong những nội dung mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2013 là quy định về việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (Điều 93), theo đó: Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.

Trong phần nội dung quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khi thực hiện công tác kiểm sát cần nghiên cứu nghiên cứu các quy định về Điều khoản chuyển tiếp (quy định tại Điều 210 Luật Đất đai năm 2013) và hướng dẫn tại các Điều 34, 99 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ về xử lý các trường hợp đang thực hiện thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày 01/07/2014 để vận dụng trong thực tiễn./.

                                                                  Phòng 12 – VKSND tỉnh Bến Tre