(Trích Tạp chí kiểm sát số 12/2024 của tác giả ThS. Nguyễn Văn Khánh và TS. Nguyễn Thị Hiệp, trang 43 đến 48)
1. Những bất cập, hạn chế
Những bất cập, hạn chế trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án về ma túy phổ biến đó là:
Thứ nhất, công tác bảo vệ hiện trường còn chưa hiệu quả dẫn đến hiện trường bị thay đổi: Với tính chất, đặc điểm hiện trường các vụ án về ma túy gắn liền với vật chứng là chất ma túy và các dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy rơi vãi tại hiện trường của các đối tượng bị lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư,... khống chế, bắt giữ nên các đối tượng này thường có tâm lý hủy hoại chứng cứ hòng thoát tội nhất là chất ma túy nên đòi hỏi lực lượng bảo vệ hiện trường phải thật cẩn trọng, vững về thao tác nghiệp vụ. Một số trường hợp đối tượng lợi dụng sơ hở của lực lượng bảo vệ hiện trường đã tiêu hủy vật chứng quan trọng là ma túy bằng cách ném ma túy xuống nước, đốt chất ma túy thậm chí nuốt vào cơ thể nhằm trốn tránh hành vi phạm tội dẫn đến việc chất ma túy bị mất mát hoặc không còn nguyên vẹn không đủ định lượng hoặc chất ma túy hoàn toàn bị hư hỏng biến chất không thể giám định nên không đủ căn cứ để xử lý được các đối tượng về hành vi phạm tội liên quan đến ma túy. Cũng có trường hợp cán bộ biên phòng, lực lượng bảo vệ hiện trường, người được mời tham gia chứng kiến khi chưa tiến hành khám nghiệm hiện trường đã tự ý cầm, nắm vật chứng là ma túy dẫn đến việc các đối tượng không thừa nhận là ma túy của mình mà cho rằng ma túy đó là của người khác hoặc của lực lượng chức năng vì đã có dấu vân tay hoặc đã có sự dịch chuyển vật chứa chất ma túy từ lực lượng chức năng nên đã làm mất đi thuộc tính quan trọng của chứng cứ là tính liên quan của chứng cứ, từ đó giá trị chứng minh của chứng cứ không còn nên không thể xử lý được hành vi phạm tội liên quan đến ma túy của các đối tượng.
Thứ hai, vai trò, trách nhiệm của một số Kiểm sát viên (KSV) trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án ma túy còn chưa được thể hiện tốt: Hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường của Viện kiểm sát (VKS) có vai trò rất quan trọng; nếu công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường được thực hiện tốt thì hoạt động khám nghiệm của các chủ thể khám nghiệm hiện trường sẽ được tiến hành một cách khách quan, toàn diện, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; làm cơ sở cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử được thuận lợi, đúng đắn và đạt hiệu quả cao. Ngược lại, nếu công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường không được thực hiện tốt thì sẽ dễ dẫn đến việc vi phạm tố tụng, không đảm bảo được các giá trị chứng minh của chứng cứ ghi nhận, thu thập được qua quá trình khám nghiệm hiện tượng; gây khó khăn cho hoạt động tố tụng về sau. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường trong các vụ án về ma túy còn chưa được chú trọng đúng mức. Một số KSV khi đến hiện trường còn thụ động, tham gia khám nghiệm cho đủ thành phần theo luật định, không chủ động đề ra yêu cầu khám nghiệm đối với Điều tra viên (ĐTV), chưa đấu tranh và yêu cầu khắc phục sai phạm của ĐTV, thậm chí đồng tình với sai phạm của ĐTV và các thành viên khác của tổ khám nghiệm dẫn đến sai sót, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án như: Bỏ lọt dấu vết tại hiện trường dẫn đến thiếu sót trong việc phát hiện, thu thập đánh giá chứng cứ nên buộc phải thực nghiệm điều tra để khắc phục gây khó khăn và kéo dài thời gian giải quyết vụ án. KSV chưa kịp thời kiến nghị vi phạm pháp luật của ĐTV trong công tác tiếp nhận thông tin về tội phạm liên quan đến ma túy, nhất là các nguồn tin từ Công an cấp xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Công an cấp xã) báo cáo đến. Sau khi tiếp nhận thông tin về tội phạm liên quan đến ma túy từ Công an cấp xã (hiện các xã, phường, thị trấn đã được bố trí ĐTV thuộc Cơ quan điều tra cấp huyện và đồng thời là chỉ huy Công an cấp xã trực tiếp thụ lý, giải quyết, điều tra các vụ án ít nghiêm trọng theo chủ trương của Bộ Công an)[1], một số ĐTV Cơ quan Cảnh điều tra Công an cấp huyện đánh giá sai lầm về việc phân loại thông tin về tội phạm cho rằng không có dấu hiệu tội phạm mà là vụ việc hành chính. Chẳng hạn Công an cấp xã phát hiện quả tang nhiều đối tượng đang tụ tập trong phòng trọ đang sử dụng trái phép chất ma túy nên báo về CQĐT để tiến hành khám nghiệm hiện trường nhưng ĐTV cho rằng chỉ là hành vi các đối tượng tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy, hiện trường không còn chất ma túy mà chỉ có bộ dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy nên không đến hiện trường để kiểm tra mà yêu cầu Công an cấp xã lập biên bản vi phạm hành chính để xử phạt hành chính mà không thông báo cho VKS cùng cấp để tiến hành khám nghiệm hiện trường nên đã bỏ lọt các đối tượng phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, bởi vì đối với những hiện trường không còn chất ma túy nhưng trong bộ dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy (trong nồi nỏ) vẫn còn dính chất ma túy nên khi trưng cầu giám định thì cơ quan giám định vẫn có thể kết luận được loại chất ma túy mặc dù không xác định được khối lượng chất ma túy do chất ma túy này thường còn rất ít và tồn tại ở dạng quệt (trong tội tổ chức sử dụng chất ma túy chỉ cần có chất ma túy, không cần phải xác định khối lượng). Cũng có trường hợp Công an cấp xã, Đồn Biên phòng kiểm tra hành chính phát hiện trường hợp như trên nhưng cũng cho rằng là vụ việc hành chính nên không báo cáo CQĐT để kịp thời khám nghiệm hiện trường nên bỏ lọt tội phạm.
Thứ ba, KSV còn chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật về kiểm sát khám nghiệm hiện trường nên còn để xảy ra sai phạm trong hoạt động khám nghiệm hiện trường: Theo quy định, sau khi kết thúc khám nghiệm hiện trường, tổ khám nghiệm phải tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên trên thực tế, sau khi tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ án ma túy, ĐTV cũng ít chú ý đến việc tổ chức họp đánh giá kết quả khám nghiệm hiện trường và rút kinh nghiệm. Ngoài ra, theo quy định của Quy chế kiểm sát khám nghiệm hiện trường VKSTC ban hành “biên bản khám nghiệm hiện trường phải được lập, sơ đồ hiện trường phải được vẽ ngay tại nơi khám nghiệm”. Có trường hợp, khi việc khám nghiệm hiện trường chưa kết thúc nhưng KSV đã rời khỏi hiện trường nên không kiểm sát được những hoạt động khám nghiệm nên không thể đánh giá đầy đủ việc ĐTV và các thành viên khác của tổ khám nghiệm có vi phạm pháp luật trong quá trình khám nghiệm hiện trường hay không vì trong thực tế nhiều trường hợp sau khi kết thúc khám nghiệm hiện trường nhưng ĐTV chỉ cho người chứng kiến ký trước tại hiện trường (có trường hợp cho ký khống biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường chưa có ghi chép nội), trong khi đó các thành viên khác của tổ khám nghiệm như ĐTV, Cán bộ kỹ thuật hình sự thậm chí cả KSV cũng chưa ký đầy đủ vào biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường mà thường chỉ ký sau khi hồ sơ khám nghiệm hiện trường được nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện.
Ngoài ra, nhận thức của các KSV về vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường còn hạn chế, còn tư tưởng xuề xòa, thiếu trách nhiệm, ỷ lại vào ĐTV, chưa kiên quyết đấu tranh với những vi phạm thiếu sót của ĐTV trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường nên hiệu quả công tác khám nghiệm hiện trường còn chưa cao. Một số KSV khi kiểm sát khám nghiệm hiện trường còn mang nặng tư tưởng là chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình khám nghiệm hiện trường mà không chủ động đề ra yêu cầu khám nghiệm theo Quy chế kiểm sát khám nghiệm hiện trường đã quy định nên KSV chưa thể hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình khi tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường; làm ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả, chất lượng của hoạt động khám nghiệm.
Thứ tư, công tác phối hợp của các lực lượng khi thực hiện công tác khám nghiệm hiện trường vụ án về ma túy còn chưa được thực hiện tốt: Một số ĐTV còn xem nhẹ vai trò của KSV. ĐTV còn có tư tưởng xem KSV tham gia kiểm sát cho đủ thành phần theo quy định của pháp luật nên trong quá trình khám nghiệm hiện trường, những yêu cầu của KSV nhiều trường hợp không được ĐTV nghiên cứu thực hiện. Ngoài ra, một số ĐTV do mới bổ nhiệm nên còn thiếu kinh nghiệm trong khám nghiệm hiện trường hoặc được luân chuyển chuyển từ bộ phận nghiệp vụ khác trong ngành Công an qua nên chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nên không đảm bảo yêu cầu chất lượng trong việc trong công tác khám nghiệm hiện trường các vụ án về ma túy. Một số KSV còn vì nể nang, ngại va chạm nên còn chậm yêu cầu ĐTV khắc phục những vi phạm, thiếu sót khi kiểm sát khám nghiệm hiện trường.
Ngoài ra, một số VKS và Cơ quan điều tra (CQĐT) cùng cấp còn chưa xây dựng được quy chế phối hợp trong hoạt động khám nghiệm hiện trường nên việc phối hợp giữa VKS với CQĐT khi tham gia tiến hành khám nghiệm hiện trường còn chưa thật sự hiệu quả. Việc kiến nghị sai phạm của CQĐT trong hoạt động khám nghiệm hiện trường các vụ án về ma túy của VKS còn ít được thực hiện; bên cạnh đó, các kiến nghị của VKS đối với các sai phạm, thiếu sót của ĐTV trong hoạt động khám nghiệm hiện trường về ma túy do chưa có cơ chế đảm bảo thi hành các nên còn chưa được CQĐT nghiên cứu thực hiện, rút kinh nghiệm dẫn đến hiệu quả phối hợp giữa CQĐT và VKS trong hoạt động khám nghiệm hiện trường các vụ án về ma túy còn chưa cao.
Thứ năm, về nâng lực chuyên môn KSV, chế độ đãi ngộ trong công tác khám nghiệm hiện trường của KSV hiện nay còn một số bất cập: Một số KSV do mới bổ nhiệm nên còn thiếu kinh nghiệm thực tế, chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu kiến thức kỹ năng kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án về ma túy, chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật hình sự, giám định ma túy nên khi kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án về ma túy thường bị động, lúng túng khi tiếp cận, thu thập, đánh giá chứng cứ của tổ khám nghiệm, không phát hiện được những thiếu sót, vi phạm trong quá trình khám nghiệm hiện trường của ĐTV và tổ khám nghiệm. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ đối với KSV trong công tác trực nghiệp vụ và khám nghiệm hiện trường hiện còn hạn chế, chưa tương xứng với tính chất đặc thù của ngành nên chưa tạo được động lực cho KSV nâng cao trách nhiệm trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường nói chung và hiện trường ma túy nói riêng. Việc hướng dẫn nghiệp vụ khám nghiệm hiện trường về ma túy của VKS cấp trên với cấp dưới còn chưa thường xuyên. Lực lượng KSV trực nghiệp vụ còn hạn chế. Quy định về chuyển đổi vị trí công tác kiểm sát giữa các bộ phận công tác dẫn đến một số KSV trước đây chưa tham gia khám nghiệm hiện trường nên thường bị động, thiếu kinh nghiệm, không phát hiện hết được những thiếu sót, những vi phạm của ĐTV dẫn đến việc khám nghiệm hiện trường vụ án về ma túy đôi khi còn để xảy ra sai sót. Mặt khác, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm của các KSV cũng không đồng đều nên cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác tham kiểm sát khám nghiệm hiện trường.
2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án về ma túy
Một là, Kiểm sát chặt chẽ trong công tác bảo vệ hiện trường các vụ án về ma túy: Khám nghiệm hiện trường các vụ án về ma túy thường gắn liền với bắt người phạm tội quả tang, hoạt động khám nghiệm hiện trường nhằm củng cố chứng cứ, đảm bảo giá trị chứng minh của chứng cứ (đảm bảo các thuộc tính của chứng cứ là khách quan, hợp pháp và liên quan), phục vụ cho việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Qua công tác khám nghiệm hiện trường sẽ ghi nhận, xác định vị trí, chụp ảnh, mô tả, thu giữ niêm phong vật chứng là ma túy, các dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt trong trường hợp ma túy không nằm trong người các đối tượng. Do đó, công tác bảo vệ hiện trường phải được quan tâm hàng đầu vì nếu hiện trường thay đổi sẽ gây khó khăn cho quá trình chứng minh, thu thập chứng cứ của CQĐT. Lực lượng bảo vệ hiện trường cần giữ nguyên hiện trường, khống chế các đối tượng liên quan đến tội phạm về ma túy đề phòng các đối tượng vứt bỏ, tiêu hủy ma túy và dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy, bảo vệ cẩn thận vật chứng, không được cầm nắm vật chứng hoặc để những người không có trách nhiệm chạm vào vật chứng, nhất là chất ma túy. Trường hợp KSV phát hiện có sai phạm trong công tác bảo vệ hiện trường cần có biện pháp yêu cầu ĐTV xử lý tại hiện trường, đồng thời, sau khi khám nghiệm KSV phải báo cáo Lãnh đạo VKS ban hành kiến nghị khắc phục vi phạm theo quy định. Cán bộ bảo vệ hiện trường các vụ án về ma túy phải được quán triệt đầy đủ về tầm quan trọng của việc giữ nguyên hiện trường, thường xuyên được tập huấn về nghiệp vụ bảo vệ hiện trường, nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến việc khống chế các đối tượng sau khi bị bắt quả tang để đảm bảo hoạt động khám nghiệm hiện trường được thực hiện có hiệu quả.
Hai là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của KSV trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường: KSV cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình hơn nữa trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường các vụ án về ma túy. Trong quá trình trực nghiệp vụ, KSV phải kịp thời phối hợp với ĐTV và các lực lượng khác tiến hành khám nghiệm hiện trường theo quy định. KSV cần yêu cầu ĐTV cung cấp cụ thể về nội dung, thời gian, địa điểm của vụ việc và nhanh chóng đến hiện trường để tiến hành nắm thông tin vụ việc, cần xác định từng vụ việc cụ thể mà có biện pháp tiến hành khám nghiệm cho phù hợp. Cụ thể, đối với hiện trường vụ tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, KSV cần phải định hướng ĐTV ghi nhận, đánh số, chụp ảnh, đo vẽ, mô tả chi tiết vị trí để bộ dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy tại hiện trường, vị trí từng đối tượng cụ thể ngồi sử dụng trái phép chất ma túy, vị trí chất ma túy sử dụng chưa hết (nếu có), vị trí vỏ gói nilon, ống hút, giấy bạc hoặc những vật dụng đựng chất ma túy đã được các đối tượng sử dụng hết, vị trí các dụng cụ khác phục vụ việc sử dụng trái phép chất ma túy như kéo, bật nửa, bình ga, ống hút,… KSV cần kiểm sát chặt chẽ việc thu giữ, niêm phong chất ma túy (nếu các đối tượng chưa sử dụng hết), dụng cụ sử dụng chất ma túy để phục vụ công tác giám định ma túy, trường hợp các đối tượng đã sử dụng dụng hết chất ma túy thì bị phát hiện bắt quả tang thì việc thu giữ niêm phong bộ dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy có ý nghĩa quyết định bởi lẽ chỉ chứng minh được các đối tượng phạm tội tổ chức sử dụng chất ma túy ngoài những hành vi khách quan cấu thành tội phạm này như thì phải chứng minh được có chất ma túy còn sót lại trong nỏ của bộ dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy (như đã trình bày, kinh nghiệm thực tế khi tiến hành giám định thì Cơ quan giám định thường sẽ kết luận được vẫn còn lại chất ma túy trong nồi nỏ của bộ dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy tồn tại ở dạng quệt nhưng không xác định được khối lượng, đồng thời cũng xác định được loại ma túy) nếu việc thu giữ dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy không đúng quy định, như thu giữ nhưng không tiến hành niêm phong thì sẽ không đảm bảo được giá trị chứng minh của chứng cứ; đối với việc khám nghiệm hiện trường vụ án mua bán, hiện trường tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy, KSV cần kiểm sát chặt chẽ việc mô tả, đo vẽ, mô tả, chụp ảnh, thu giữ, niêm phong chất ma túy do khi bắt quả tang các đối tượng đã ném khỏi cơ thể mình nhằm trốn tránh hành vi phạm tội. Kiểm sát thành phần khám nghiệm hiện trường bảo đảm đúng thẩm quyền, thành phần theo quy định. KSV phải kiểm tra tư pháp pháp lý của các thành viên tổ khám nghiệm, nhất là đối với ĐTV chủ trì khám nghiệm, tránh trường hợp ĐTV không có tham gia khám nghiệm hiện trường nhưng lại có ký vào các biên bản khám nghiệm hiện trường hoặc ĐTV này chủ trì khám nghiệm nhưng ĐTV khác lại ký vào biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường. Trong trường hợp thành phần không đầy đủ thì KSV phải lập tức yêu cầu CQĐT triệu tập đầy đủ và đúng thành phần mới được tiến hành khám nghiệm. Kịp thời đề ra yêu cầu đối với ĐTV để kịp thời định hướng ĐTV tiến hành khám nghiệm đạt hiệu quả, đúng quy định. Trường hợp ĐTV không thực hiện theo yêu cầu của KSV thì trong biên bản khám nghiệm hiện trường phải ghi rõ ý kiến yêu cầu của KSV đã yêu cầu nhưng ĐTV đã không thực hiện và báo cáo Lãnh đạo VKS. KSV phải thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động khám nghiệm hiện trường theo Quy chế kiểm sát khám nghiệm hiện trường của VKSTC quy định. KSV được phân công kiểm sát khám nghiệm hiện trường phải có mặt từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, ký tên vào sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường theo quy định. Sau khi kết thúc khám nghiệm hiện trường, KSV phối hợp cùng ĐTV và các thành viên tổ khám nghiệm họp rút kinh nghiệm đánh giá đúng kết quả khám nghiệm hiện trường. KSV tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường tuyệt đối không ỷ lại vào CQĐT trong việc tổ chức khám nghiệm hiện trường, có mặt mang tính hình thức rồi ký vào biên bản khám nghiệm hiện trường. KSV cũng cần xác định không phải bất kỳ trường hợp vụ án liên quan đến ma túy nào cũng phải tham gia khám nghiệm hiện trường, những hiện trường như tàng trữ trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy nếu CQĐT, Bộ đội biên phòng,…phát hiện bắt quả tang và xác định ma túy còn nằm trên người của đối tượng thì không cần thiết phải tiến hành khám nghiệm hiện trường mà chỉ cần thu giữ vật chứng ma túy và các vật chứng có liên quan khác trong biên bản bắt người phạm tội quả tang sau đó tiến hành niêm phong theo quy định là đủ căn cứ xử lý các đối tượng.
Ba là, có biện pháp bảo đảm việc thực hiện các kiến nghị đối với vi phạm của CQĐT và các cơ quan liên quan trong hoạt động khám nghiệm hiện trường: Lãnh đạo VKS các cấp cần có những biện pháp tác động đối với Thủ trưởng CQĐT, Cấp trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan (Bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm, Hải quan, Các cơ quan khác trong Công an nhân dân,...) trong việc thực hiện các kiến nghị của VKS đối với những vi phạm của ĐTV, Cán bộ các cơ quan có liên quan trong hoạt động bảo vệ hiện trường, khám nghiệm hiện trường các vụ án về ma túy. Những vi phạm phổ biến như: ĐTV còn chủ quan, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra nguồn tin của Công an cấp xã báo cáo vụ việc tội phạm liên quan đến ma túy cần phải khám nghiệm hiện trường, nhất là các vụ việc về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy để xác định có dấu hiệu của tội phạm hay không, ĐTV chưa tiến hành đến hiện trường để thẩm tra, xác minh thông tin mà đã yêu cầu Công an cấp xã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến để bỏ lọt tội phạm, ĐTV chủ trì khám nghiệm hiện trường còn có thái độ xem nhẹ vai trò của KSV trong hoạt động khám nghiệm hiện trường, chưa thực hiện nghiêm túc yêu cầu của KSV khi kiểm sát khám nghiệm hiện trường, cán bộ bảo vệ hiện trường để hiện trường bị xáo trộn, làm hư hỏng, mất mát vật chứng là ma túy, dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy hoặc để những người không liên quan vào khu vực hiện trường dẫn đến các hậu quả trên. Đồng thời, yêu cầu Thủ trưởng CQĐT, Thủ trưởng các đơn vị liên quan có biện pháp xử lý ĐTV, cán bộ để xảy ra vi phạm theo quy định cũng như có những giải pháp để nâng cao vai trò, năng lực, trách nhiệm của ĐTV, cán bộ liên quan, tăng cường hơn nữa quan hệ phối hợp với KSV, thực hiện đầy đủ các yêu cầu của KSV trong công tác khám nghiệm hiện trường. Mỗi đơn vị VKS các cấp, nhất là cấp huyện cần ban hành quy chế phối hợp giữa VKS với CQĐT và các cơ quan có liên quan như Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư và các lực lượng khác có liên quan trong công tác giải quyết các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy nói chung và trong hoạt động khám nghiệm hiện trường về ma túy nói riêng nhằm tạo sự nhận thức thống nhất, hạn chế tối đa để ra sai sót trong công tác khám nghiệm hiện trường, đồng thời cụ thể hóa chức năng nhiệm vụ của ĐTV, KSV và những người có liên quan trong hoạt động khám nghiệm hiện trường nhằm ràng buộc trách nhiệm pháp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động khám nghiệm hiện trường các vụ án về ma túy.
Bốn là, tăng cường vai trò lãnh đạo của VKS các cấp trong việc kiểm sát khám nghiệm hiện trường: Lãnh đạo VKS các cấp cần quan tâm nhiều hơn nữa trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường các vụ án về ma túy của các KSV để đánh giá được hiệu quả, năng lực của từng KSV nhằm kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót để có biện pháp khắc phục, rút kinh nghiệm, xử lý vi phạm đối với KSV. Lãnh đạo VKS các cấp cần thường xuyên kiểm tra sổ báo cáo kết quả khám nghiệm hiện trường để kịp thời theo dõi, chỉ đạo nghiệp vụ đối với KSV và kịp thời phát hiện vi phạm thiếu sót trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường của KSV để kịp thời chỉ đạo uốn nắn, sửa chữa, khắc phục. Đối với những vi phạm mang tính lặp lại hoặc vi phạm nghiêm trọng trong công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường của KSV dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung do vi phạm tố tụng nghiêm trọng liên quan đến công tác khám nghiệm hiện trường mà KSV đã tham gia kiểm sát khám nghiệm thì có hình thức xử lý theo quy định đối với KSV đó. Hàng năm, VKS các cấp cần phối họp với CQĐT và các cơ quan hữu quan cùng cấp tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác khám nghiệm hiện trường các vụ án về ma túy nhằm rút ra những ưu, khuyết điểm trong công tác này và đề ra biện pháp cụ thể để khắc phục.
Năm là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường và nâng cao chế độ đãi ngộ đối với KSV, tăng cường công tác đào tao, bồi dưỡng: Nhà nước cần có chính sách quan tâm hỗ trợ, bồi dưỡng phù hợp với công việc đặc thù của ngành kiểm sát là trực nghiệp vụ ngoài giờ cũng như hoạt động khám nghiệm hiện trường của ngành kiểm sát nhân dân (mức hỗ trợ hiện nay đã không còn phù hợp), đồng thời trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật cần thiết như máy ảnh, máy quay camera, máy ghi âm, đèn chiếu...giúp KSV ghi nhận lại chính xác, trung thực hiện trường làm cơ sở đối chiếu với tài liệu của CQĐT; trang bị xe ô tô nhằm giúp KSV chủ động, nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tiến hành kiểm sát khám nghiệm hiện trường, tránh trình trạng KSV đến muộn vì yếu tố phương tiện. Tăng cường bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát khám nghiệm hiện trường các vụ án về ma túy.
Nguyễn Văn Khánh - Viện KSND huyện Ba Tri