(Trích Tạp chí Tòa án nhân dân, số 21 kỳ 1 tháng 11/2021, trang 44 đến 48 của tác giả ThS.Nguyễn Văn Khánh – Viện KSND huyện Ba Tri)
Việt Nam và Liên bang Nga đều là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Do đó, những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội trong Bộ luật Hình sự (BLHS) hai nước đều thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, đều ÂÂ bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên phạm tội và mục đích của hình phạt nhằm hướng đến việc giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội trong Bộ luật Hình sự thể hiện trong Chương 12 Bộ luật hình sự năm 2015 của Việt Nam và chương 14 mục 5 Bộ luật hình Liên bang Nga; qua so sánh thấy có nhiều điểm tương đồng và khác biệt.
*Về quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên: Theo quy định tại Điều 14, Điều 90 BLHS Việt Nam và Điều 20, Điều 87 BLHS Liên bang Nga thì người chưa thành niên là người tới thời điểm thực hiện hành vi phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi. Như vậy, về mặt chủ thể tội phạm thì BLHS hai nước quy định tương đồng nhau về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên cũng như có sự phân hóa về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên thành 2 nhóm là nhóm từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và nhóm từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Theo đó, nhóm từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác. Trong khi đó, nhóm từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự hạn chế hơn về số lượng và chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ giới hạn trong một số tội. Tuy nhiên, BLHS Liên bang Nga có áp dụng trường hợp ngoại lệ, đó là “Trong một số trường hợp đặc biệt, căn cứ vào hành vi đã gây ra hoặc nhân thân của người phạm tội, tòa án có thể áp dụng những quy định của Chương này đối với những người phạm tội trong độ tuổi từ 18 đến 20 tuổi,…”, như vậy, BLHS Liên bang Nga có mở rộng phạm vi áp dụng của Chương người chưa thành niên đối với người phạm tội từ 18 đến 20 tuổi trong một số trường hợp đặc biệt nhưng phải do cơ quan xét xử là tòa án quyết định. Các quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự trong BLHS Việt Nam và Liên bang Nga là phù hợp vớiÂÂ quy định của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em: “Trong phạmÂÂ vi của công ước này trẻ emÂÂ có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật áp dụng với trẻ em đó quyết định tuổi vị thành niên sớm hơn”,ÂÂ hoặc những Quy tắc tối thiểu phổ biến của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do có quy định:ÂÂ “Những người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi”.
*Về quy định về miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội: BLHS Việt Nam quy định người chưa thành niên phạm tội nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng hoặc biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng (trừ tội phạm quy định tại các Điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 BLHS) và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS (trừ tội phạm quy định tại các Điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252); ngoài ra, trong vụ án có đồng phạm mà người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể thì cũng có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 91 BLHS). Trong khi đó, Điều 90 BLHS Liên bang Nga quy định người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng có thể miễn trách nhiệm hình sự nếu xác định được rằng việc giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội có thể đạt hiệu quả thông qua các biện pháp giáo dục bắt buộc gồm: (a) cảnh cáo; (b) chuyển cho bố mẹ hoặc những người thay thế bố mẹ hoặc cơ quan chức năng nhà nước giám sát; (c) giao trách nhiệm sửa chữa, đền bù thiệt hại đã gây ra; (d) hạn chế thời gian rãnh rỗi và đặt những yêu cầu riêng đối với hành vi của người chưa thành niên phạm tội (có thể là cấm thăm viếng, qua lại những nơi đã quy định, cấm sử dụng các hình thức nhàn rỗi, trong đó gồm cả việc cấm lái các phương tiện giao thông cơ giới; hạn chế ra ngoài nhà ở sau thời gian ngày đêm xác định, hạn chế đi đến các địa phương khác mà không có sự cho phép của các cơ quan chứ năng nhà nước…)[*]. Như vậy, BLHS Liên bang Nga quy định điều kiện miễn trách nhiệm hình sự tương đối đơn giản và không bị ràng buộc bởi loại tội cụ thể mà người chưa thành niên thực hiện và phạm vi áp dụng rộng hơn (không phân chia cụ thể thành các nhóm tuổi của người chưa thành niên) nhưng bị giới hạn bởi loại tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng (không áp dụng đối với tội rất nghiêm trọng) và cũng không xem xét áp dụng trong trường hợp đồng phạm mà người chưa thành niên đóng vai trò thứ yếu như BLHS Việt Nam. Ngoài ra, các biện pháp giám sát, giáo dục được áp dụng đối với người chưa thành niên khi được miễn trách nhiệm hình sự trong BLHS hai nước cũng có sự khác biệt nhất định như đã đề cập trên.
*Quy định về hình phạt đối với người chưa thành niên: Đối với quy định về hình phạt đối với người chưa thành niên: Điều 98 BLHS Việt Nam quy định 4 loại hình phạt (từ nhẹ nhất đến nghiêm khắc nhất) đối với người chưa thành niên phạm tội gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Trong khi đó, Điều 88 BLHS Nga quy định 6 loại hình phạt gồm: phạt tiền, tước quyền làm công việc nhất định, lao động bắt buộc, lao động cải tạo, hạn chế tự do và tù có thời hạn. Cụ thể:
Về hình phạt tiền: khoản 2 Điều 88 BLHS Nga quy định: “Phạt tiền được áp dụng khi người chưa thành niên phạm tội có khoản thu nhập hoặc tài sản riêng mà có thể khấu phạt được và cả khi không có các điều kiện này. Theo quyết định của Tòa án, hình phạt tiền có thể khấu phạt từ bố mẹ hoặc những người đại diện hợp pháp khác khi họ đồng ý. Phạt tiền được áp dụng theo mức từ một nghìn đến năm mươi nghìn rúp hoặc theo lương hay khoản thu nhập khác của người chưa thành niên phạm tội từ hai tuần đến sáu tháng”. Trong khi đó, Điều 99 BLHS Việt Nam quy định: “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định”. So sánh quy định BLHS hai nước, ta thấy có nhiều khác biệt: BLHS Việt Nam quy định hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính chỉ với người chưa thành niên có độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng; điều này có nghĩa nếu người chưa thành niên trong độ tuổi này mà không có thu nhập hoặc không có tài sản riêng thì cũng không áp dụng hình phạt tiền mà có thể chuyển sang hình phạt nhẹ hơn là cảnh cáo; ngoài ra, nếu người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội thì không được áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền trong mọi trường hợp. BLHS Nga không phân chia độ tuổi đối vối người chưa thành niên khi áp dụng hình phạt tiền, điều này có nghĩa người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội thì vẫn có thể áp dụng hình phạt tiền; đồng thời, nếu người chưa thành niên không có thu nhập hoặc tài sản riêng mà bố mẹ hoặc những người đại diện hợp pháp khi họ đồng ý khấu trừ thay thì Tòa án vẫn có thể áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên. Như vậy, BLHS Việt Nam quy định có phần nhân văn hơn khi quy định điều kiện áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên; tuy nhiên, xét về hiệu quả hình phạt thì BLHS Việt Nam có phần ít nghiêm khắc hơn BLHS Nga; bởi lẽ trong giai đoạn hiện nay, người phạm tội là người chưa thành niên ngày càng phổ biến và trẻ hóa nên việc mở rộng điều kiện áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên (kể cả độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi) nhằm ràng buộc nghĩa vụ, tác động thiết thực vào kinh tế đối với họ là cần thiết vì hình phạt cảnh cáo trong BLHS Việt Nam trong nhiều trường hợp không có tác dụng răn đe, giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội do không có sự ràng buộc nhất định đối với họ nên hiệu quả hình phạt không cao. Do đó, BLHS Việt Nam cần thiết quy định theo hướng nới rộng điều kiện áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên, kể cả người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và nếu người chưa thành niên không có thu nhập hoặc tài sản riêng mà bố mẹ hoặc những người đại diện hợp pháp có thì buộc phải khấu trừ, điều này phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên “Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu…” (Điều 586 Bộ luật Dân sự). Về mức tiền phạt, BLHS Việt Nam quy định, mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định, tức phụ thuộc vào loại tội có quy định hình phạt chính là hình phạt tiền chứ không quy định mức phạt tiền cố định chung trong một điều luật trong phần chung BLHS Nga.
Cải tạo không giam giữ BLHS Việt Nam (Điều 100), tương ứng Lao động cải tạo (khoản 4 Điều 88 BLHS Nga): Tương tự như hình phạt tiền, BLHS Nga cũng không phân chia độ tuổi người chưa thành niên phải áp dụng, trong khi đó, BLHS Việt Nam chỉ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng. Về thời hạn hình phạt, BLHS Việt Nam quy định thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định trong phần tội phạm cụ thể, trong khi đó, BLHS Nga quy định thời đến một năm.
Tù có thời hạn (Điều 101 BLHS Việt Nam, tương ứng khoản 6 Điều 88 BLHS Nga): Đây là loại hình phạt được áp dụng với người chưa thành niên phạm tội nhưng kèm theo những điều kiện cụ thể như độ tuổi (đủ 14 đến dưới 16 tuổi, đủ 16 đến dưới 18 tuổi), loại tội phạm (ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) khi người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội. Theo đó, khoản 6 Điều 88 BLHS Liên bang Nga quy định hình phạt tù được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội đã thực hiện tội phạm ở độ tuổi dưới 16 tuổi trong thời hạn không quá 6 năm. Đối với người chưa thành niên thực hiện các tội đặc biệt nghiêm trọng và đối với những trường hợp người chưa thành niên phạm tội còn lại, hình phạt sẽ được áp dụng trong thời hạn không quá 10 năm và sẽ chấp hành trong trại cải tạo. Hình phạt tù không được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội đã phạm các tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng ở độ tuổi dưới 16 tuổi và cả những trường hợp người chưa thành niên phạm tội lần đầu các tội ít nghiêm trọng còn lại. Khi áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội do phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì mức hình phạt thấp nhất được quy định tại điều luật tương ứng ở phần riêng Bộ luật và được giảm đi một nửa. So với quy định tại Điều 12 và Điều 101 BLHS Việt Nam ta thấy BLHS hai nước đều quy định theo hướng hạn chế áp dụng hình phạt tù đối với người phạm tội là người chưa dưới 16 tuổi; tuy nhiên, trách nhiệm hình sự và mức hình phạt tù áp dụng với người chưa thành niên nhóm tuổi này có sự khác biệt. BLHS Liên bang Nga không áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên dưới 16 tuổi khi họ phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và mức hình phạt đối với người chưa thành niên dưới 16 tuổi là mức hình phạt thấp nhất được quy định tại điều luật tương ứng ở phần riêng Bộ luật và được giảm đi một nửa nhưng tối đa cũng không được quá 6 năm đối với tội rất nghiêm trọng và không quá 10 năm đối với tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, khoản 2 Điều 101 BLHS Việt Nam quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. Ví dụ: Nguyễn Văn A 15 tuổi phạm tội Giết người theo khoản 2 Điều 123 BLHS có khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù (tội rất nghiêm trọng) thì mức hình phạt cao nhất đối với A không được quá 7 năm 6 tháng tù; trong khi đó, nếu áp dụng theo quy định BLHS Nga như trên thì mức hình phạt của A không quá 6 năm; cùng ví dụ trên nếu A phạm tội theo khoản 1 Điều 123 BLHS có khung hình phạt đến tử hình (tội đặc biệt nghiêm trọng) thì mức hình phạt đối với A không quá 12 năm tù, nhưng nếu áp dụng BLHS Nga thì mức hình phạt đối với A không quá 10 năm tù, tức có lợi cho A hơn. Đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, BLHS Việt Nam quy định nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định (khoản 2 Điều 101 BLHS) và khoản 1 Điều 12 BLHS Việt Nam cũng quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Trong khi đó, BLHS Nga vẫn không áp dụng hình hạt tù đối với người chưa thành niên (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) nếu họ chỉ phạm tội lần đầu và ít nghiêm trọng. Đối với trường hợp khác thì mức hình phạt tù không được quá 10 năm tù; trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì mức hình phạt thấp nhất được quy định tại điều luật tương ứng ở phần riêng Bộ luật và được giảm đi một nửa. Cũng ví dụ như trên nhưng đối với người phạm tội là người 17 tuổi phạm tội theo khoản 2 Điều 123 BLHS, giả sử Tòa án dự kiến áp dụng hình phạt là 15 năm tù thì mức hình phạt là 11 năm 3 tháng tù (15 năm x ¾), tương ứng với BLHS Nga là 7 năm 6 tháng tù (15 năm x ½), nếu phạm tội theo khoản 1 Điều 123 BLHS có khung hình phạt đến tử hình thì mức hình phạt đối với A là không quá 18 năm tù, (BLHS Nga không quy đổi hình phạt chung thân, tử hình đối với người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thành một mức hình phạt cụ thể như BLHS Việt Nam mà quy định không quá ½ mức hình phạt Tòa án dự kiến áp dụng).
Bên cạnh đó, BLHS hai nước đều không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội (khoản 5 Điều 91 BLHS Việt Nam tương ứng khoản 2 Điều 57, khoản 2 Điều 59 BLHS Liên bang Nga), không tính tái phạm đối với người chưa thành niên phạm tội (khoản 7 Điều 91 BLHS Việt Nam tương ứng điểm b, khoản 4 Điều 18 BLHS Liên bang Nga). Ngoài ra, BLHS Nga còn áp dụng một số loại hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội mà BLHS Việt Nam không quy định gồm: Tước quyền làm công việc nhất định; Lao động bắt buộc; Hạn chế tự do. Theo đó, lao động bắt buộc được áp dụng trong thời hạn từ 40 tới 160 giờ. Lao động bắt buộc là làm các công việc phù hợp với sức khỏe người chưa thành niên và được thực hiện ngoài thời gian học tập hoặc ngoài thời gian làm công việc chính. Khoản thời gian thực hiện hình phạt này không được phép vượt quá 2 giờ trong một ngày đối với người chưa thành niên dưới 15 tuổi và không được phép vượt quá 3 giờ trong một ngày đối với người chưa thành niên trong độ tuổi từ 15 đến 16 tuổi (khoản 3 Điều 88 BLHS Nga). Hạn chế tự do được áp dụng là hình phạt chính đối với người chưa thành niên phạm tội trong thời hạn từ 2 tháng tới 2 năm.
Về hình phạt bổ sung: BLHS Việt Nam quy định không được áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong khi BLHS Liên bang Nga không quy định.
Về án tích: ÂÂ Điều 107 BLHS Việt Nam đã quy định rõ việc không coi một người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc người từ đủ 16 tuổi nhưng dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do vô ý hay người dưới 18 tuổi bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là có án tích. So với BLHS Việt Nam thì BLHS Nga quy định có sự khác biệt; Điều 95 BLHS Liên bang Nga quy định tất cả người dưới 18 tuổi đều xem là có án tích và chỉ được xóa đương nhiên sau một thời gian nhất định (06 tháng khi chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt nhẹ hơn hơn hình phạt tù; 01 năm sau khi chấp hành xong hình phạt giam đối với những tội ít nghiêm trọng hoặc tương đối nghiêm trọng; 03 năm sau khi chấp hành xong hình phạt giam đối với tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng). Như vậy, BLHS Việt Nam qui định về việc xóa án tích đối với người chưa thành niên phạm tội mang tính nhân văn và hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng án tích đối với lứa tuổi chưa thành niên để họ nhanh chóng tái hòa nhập với cộng đồng, có điều kiện phát triển tốt hơn sau khi chấp hành xong hình phạt.
Về thời hiệu: BLHS Việt Nam không quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự riêng áp dụng cho người chưa thành niên mà áp dụng dụng thời hiệu theo quy định chung tại Điều 27 BLHS. Trong khi đó, tại Điều 94 BLHS Liên bang Nga có quy định thời hiệu áp dụng riêng đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó “Thời hiệu đã được xem xét tại các điều 78 (thời hiệu miễn trách nhiệm hình sự) và điều 83 (miễn chấp hành hình phạt do hết thời hiệu của bản án) khi miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn chấp hành hình phạt người chưa thành niên phạm tội sẽ được giảm đi một nửa”.
Đáng lưu ý, tại điểm 6-2, khoản 6, Điều 88 BLHS Liên bang Nga quy định: “Trong trường hợp nếu như phạm nhân là người chưa thành niên được hưởng án treo mà trong thời gian thử thách lại phạm tội mới nhưng không đặc biệt nghiêm trọng thì Tòa án sẽ căn cứ vào những tình tiết của vụ án và nhân thân người phạm tội có thể lặp lại quyết định về hình phạt án treo đối với người đó sau khi đã xong thời hạn thử thách mới và buộc người này phải thực hiện những trách nhiệm đã được quy định đối với người được hưởng án treo...”. Đây là quy định riêng chỉ đối với người chưa thành niên phạm tội mà BLHS Việt Nam không quy định. Quy định trên tạo điều kiện lần 2 cho người chưa thành niên phạm tội được cơ hội không phải chấp hành hình phạt tù tại nhà tù mà có điều kiện cải tạo ngoài xã hội trong khuôn khổ pháp luật (án treo) nếu không phải phạm tội mới đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian thử thách.
Qua so sánh sự tương đồng và khác biệt của BLHS Việt Nam và Liên bang Nga về quy định của BLHS đối với người chưa thành niên phạm tội nhận thấy BLHS Việt Nam cũng cần tiếp thu những quy định mới từ BLHS Liên bang Nga trong tình hình mới để BLHS chúng ta ngày càng hoàn thiện.
Nguyễn Văn Khánh – Viện KSND huyện Ba Tri