Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Khiếu nại trong tố tụng hình sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét, giải quyết lại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo trình tự, thủ tục được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, quan hệ làm phát sinh khiếu nại trong tố tụng hình sự là quan hệ giữa một bên là người chịu tác động trực tiếp của các quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và họ khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích của chính mình. Quyết định, hành vi mà khiếu nại hướng đến phải là quyết định, hành vi phát sinh trong quá trình tiến hành tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền là phương thức bảo đảm và thực hiện quyền con người trong tố tụng hình sự; bảo đảm cho hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện đúng đắn; là biện pháp cần thiết để kịp thời phát hiện và khắc phục các vi phạm pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng; là nguồn thông tin quan trọng đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, người tiến hành tố tụng.

Điều 469 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “…khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Như vậy đối tượng của khiếu nại trong tố tụng hình sự bao gồm: Quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; các hành vi tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Quyết định tố tụng có thể bị khiếu nại là các quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra được ban hành theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (khoản 1 Điều 470 Bộ luật tố tụng hình sự). Theo đó, trong các giai đoạn khác nhau của quá trình tiếp nhận, giải quyết từ tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cho tới điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Các quyết định có thể như các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp cưỡng chế áp giải, dẫn giải, từ chối người bào chữa, tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, … Hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại là hành vi được thực hiện trong hoạt động tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (khoản 2 Điều 470 Bộ luật tố tụng hình sự): như hành vi bắt giữ, lấy lời khai, hỏi cung, khám xét, kê biên, thu giữ vật chứng, tài sản, v.v... Quyết định, hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

Một số vấn đề còn bất cập hiện nay là các Thông báo tố tụng của các cơ quan, người tiến hành tố tụng (như Thông báo không khởi tố vụ án hình sự, thông báo kết quả giám định, định giá,...) thì có được xem là đối tượng khiếu nại trong tố tụng hình sự hay không vì chúng cũng phát sinh trong quá trình tiến hành tố tụng, do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ban hành và trực tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người tham gia tố tụng. Ví dụ, sau khi Thủ trưởng Cơ quan điều tra ban hành quyết định không khởi tố nhưng không tống đạt quyết định không khởi tố này cho người tham gia tố tụng mà chỉ tống đạt bằng thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự do Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra ký ban hành, mặc dù thông báo có nêu rõ nội dung của quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Thủ trưởng Cơ quan điều tra nhưng người tố giác, bị hại cho rằng họ chỉ được Cơ quan điều tra tống đạt thông báo không khởi tố chứ không được tống đạt quyết định không khởi tố nên họ chỉ khiếu nại thông báo không khởi tố (Viện kiểm sát đã hướng dẫn họ viết lại đơn khiếu nại nhưng họ vẫn không đồng ý, họ kiên quyết khiếu nại thông báo không khởi tố thì thông báo không khởi tố do Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra ban hành có phải là đối tượng giải quyết khiếu nại hay không, Viện kiểm sát có phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại hay không vì quyết định không khởi tố do Thủ trưởng Cơ quan điều tra ký ban hành nhưng họ không khiếu nại quyết định này mà chỉ khiếu nại thông báo không khởi tố do Phó Thủ trưởng ký ban hành), có trường hợp Cơ quan điều tra chậm tống đạt thông báo không khởi tố đến họ làm ảnh hưởng đến thời hiệu khiếu nại của họ thì trường hợp này việc chậm tống đạt thông báo không khởi tố cho người tham gia tố tụng có phải là đối tượng của khiếu nại hay không, nếu có thì là quyết định hay hành vi tố tụng. Có trường hợp bị hại, người bị tố giác,... sau khi nhận được thông báo kết quả giám định, định giá đã không đồng ý và có yêu cầu giám định, định giá lại nhưng Cơ quan điều tra (Thủ trưởng, Phó thủ trưởng) có công văn không chấp nhận yêu cầu định gia, giám định lại, sau đó họ có đơn khiếu nại đối với công văn không chấp nhận yêu cầu giám định, định giá này thì công văn không chấp nhận giám định, định giá này có phải là đối tượng giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự hay không, nếu có là quyết định hay hành vi tố tụng. Xét thấy những những bất cập trên cần sớm có hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Nguyễn Văn Khánh – Viện KSND huyện Ba Tri