Ngày 01/6/2018, liên ngành Công an – Bộ đội biên phòng – Chi cục kiểm lâm – Viện kiểm sát tỉnh Bến Tre đã ban hành Quy chế số 824/QCPHLN – CA – BĐBP – CCKL – VKS về việc phối hợp trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (gọi tắt là Quy chế 824). Quy chế 824 đã cụ thể hóa những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (BLTTHS năm 2015, Thông tư 01/2017, Quy chế 169 về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của VKSNDTC) nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong tỉnh (Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát) trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Quy chế 824 đã quy định cụ thể những trường hợp mà quy định của pháp luật hiện nay còn bỏ ngỏ hoặc còn chồng chéo trong việc trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như khoản 1 Điều 9 Quy chế đã quy định Viện kiểm sát thực hiện kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch 01/2017, trong đó khoản 2 Điều 10 Thông tư 01/2017 tức là Viện trưởng Viện kiểm sát phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà không phải thực hiện theo quy định tại Điều 8 Quy chế 169 (trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan có thẩm quyền điều tra). Bên cạnh đó, Quy chế cũng quy định trường hợp nếu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có văn bản trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp thì về việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi thì Viện kiểm sát phải trả lời bằng văn bản hoặc tổ chức họp liên ngành để giải quyết. Quy chế 824 đã cụ thể hóa quy định của khoản 5 Điều 88 BLTTHS, theo khoản 5 Điều 88 BLTTHS quy định “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án…”. Theo BLTTHS quy định như trên đã tạo ra cách hiểu không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật vì có quan điểm cho rằng quy định này chỉ áp dụng đối với giai đọan điều tra mà không áp dụng cho giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố. Với quy định tại khoản 2 Điều 10 Quy chế 824 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các cơ quan có trách nhiệm trong việc thụ lý giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát trong việc gửi tài liệu, hồ sơ cho Viện kiểm sát. Theo đó khoản 2 Điều 10 Quy chế 824 quy định “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát có yêu cầu thì Cơ quan điều tra, Bộ đội biên phòng, kiểm lâm hoặc cơ quan khác đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tổ chức thực hiện theo yêu cầu của Viện kiểm sát và chuyển hồ sơ, tài liệu có liên quan đến Viện kiểm sát”. Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 11 Quy chế 824 cũng đã cụ thể hóa quy định của Điều 9 Thông tư 01/2017 “trong thời hạn 24 giờ kể từ khi có quyết định phân công giải quyết quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan có thẩm quyền phải gửi hồ sơ, tài liệu liên quan cùng quyết định phân công cho Viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát”.
Tuy nhiên, Quy chế 824 còn một số vấn đề còn chưa được quy định rõ. Cụ thể:
- Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 5 Quy chế có quy định các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm là các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017 gồm: Công an, Viện kiểm sát, Bộ đội biên phòng, Kiểm lâm được xác định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 3 Quy chế. Dẫn chiếu đến khoản 2 Điều 3 Quy chế giải thích như sau: Công an gồm: Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan an ninh điều tra (gọi tắt là Cơ quan điều tra); Cơ quan khác của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra: Công an xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Công an cấp xã). Quy định trên là thiếu sót bởi lẽ khoản 3 Điều 146 BLTTHS còn quy định cả Đồn Công an và điểm d khoản 1 Điều 5 Thông tư 01/2017 cũng đã giải thích rõ điểm b khoản 2 Điều 145 BLTTHS quy định ngoài Công an xã, phường, thị trấn còn có Đồn công an, Trạm Công an, Tòa án các cấp, Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác cũng có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Đối với Đồn, Trạm Công an: xét về tính địa bàn thì tỉnh Bến Tre mặc dù chưa thành lập nhưng Quy chế cũng cần quy định toàn diện nhằm dự trù trường hợp phát sinh sau này. Như vậy, khoản 2 Điều 3 Quy chế quy định như trên là thiếu sót.
Thứ hai, khoản 2 Điều 11 Quy chế 824 quy định “Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, tài liệu và quyết định giải quyết của Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chuyển đến, Viện kiểm sát phải ban hành kết luận kiểm sát và chuyển trả lại hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”. So với quy định của tại khoản 2 Điều 15 Quy chế 169 của VKSNDTC thì ít hơn 01 ngày (khoản 2 Điều 15 Quy chế 169 quy định thời hạn 03 ngày). Việc quy định trên có ưu điểm là đẩy nhanh tiến độ và tăng cường trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, việc quy định như trên dẫn đến trường hợp nếu Cơ quan điều tra, cơ quan khác có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chuyển hồ sơ (khởi tố, không khởi tố, tạm đình chỉ) vào ngày thứ sáu thì chậm nhất là hết ngày chủ nhật thì Viện kiểm sát phải ra bản kết luận kiểm sát và chuyển trả cùng hồ sơ cho Cơ quan điều tra, cơ quan khác có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Điều này dẫn đến trường hợp Kiểm sát viên và lãnh đạo trực nghiệp vụ (có thể không phải là Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trên) sẽ gây áp lực cho Viện kiểm sát. Do đó, quy định tại khoản 2 Điều 11 Quy chế 824 cần linh hoạt thay đổi chỉ áp dụng thời hạn 02 ngày như quy định trên đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có kết quả giải quyết không khởi tố nhưng phải chuyển hồ sơ để xử lý vi phạm hành chính vì theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì “Đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính”. Do đó, đối với các trường hợp không khởi tố vụ án mà cần phải chuyển hồ sơ để xử lý hành chính thì Quy chế 824 quy định 02 ngày Viện kiểm sát phải ra kết luận kiểm sát và hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra là hợp lý để Cơ quan điều tra còn 01 ngày để làm thủ tục chuyển hồ sơ không bị vướng quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật xử lý vi phạm hành chính. Đối với các trường hợp khởi tố, tạm đình chỉ và không khởi tố nhưng không làm thủ tục chuyển để xử lý hành chính thì (ví dụ không khởi tố do không có sự việc phạm tội theo khoản 1 Điều 157 BLTTHS đối với các vụ việc như chết người không rõ nguyên nhân, giao cấu… có thể áp dụng theo khoản 2 Điều 15 Quy chế 169 (thời hạn Viện kiểm sát hoàn trả Cơ quan điều tra là 03 ngày).
Trên tinh thần những gì Quy chế 824 quy định phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật cấp trên thì Viện kiểm sát 02 cấp cần thực hiện theo Quy chế, những gì Quy chế chưa quy định thì áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên. Trước mắt, để thực hiện tốt quy định trên thì Kiểm sát viên quán triệt tốt tinh thần của Chỉ thị 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng VKSNDTC về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra và Chỉ thị 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 về công tác của ngành kiểm sát năm 2018 là “tập trung chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác tin báo về tội phạm”, “Nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ…”. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Bến Tre cần quán triệt tốt nội dung và tinh thần của Quy chế 824, Kiểm sát viên cần tăng cường trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra, thường xuyên nghiên cứu hồ sơ, đề ra yêu cầu xác minh để chủ động trong việc thống nhất việc kết thúc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tồ để hạn chế thấp nhất việc Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ vào ngày thứ sáu gây khó khăn, bị động cho Viện kiểm sát.
Nguyễn Văn Khánh - VKSND huyện Ba Tri