(Trích Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn – số 1/2018 của Trường Đại học Luật – Đại học Huế, tr. 49 của tác giả Nguyễn Văn Khánh – Viện KSND huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre)
Tóm tắt: Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội là một trong những quy định mang tính phổ quát trong Bộ luật hình sự (BLHS) của nhiều nước trên thế giới. BLHS Việt Nam năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng đã quy định khá chi tiết, cụ thể vấn đề tổng hợphình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội (Điều 55), việc quy định trên mang tính kế thừa của các BLHS của Việt Nam trước đó và trên cơ sở chọn lọc, học hỏi một số nước trên thế giới - đặc biệt là BLHS Liên bang Nga và BLHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Bài viết sẽ phân tích rõ những điểm tương đồng và những khác biệt cơ bản trong vấn đề quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội trong BLHS năm 2015 của Việt Nam so với BLHS Liên bang Nga và BLHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Từ khóa: Quyết định hình phạt, Tổng hợp hình phạt, Bộ luật hình sự Liên bang Nga, Bộ luật hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa,…
Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội theo qui định của Bộ luật hình sự Việt Nam (Điều 55 BLHS năm 2015) và BLHS một số nước như Liên bang Nga (Điều 69 BLHS Liên bang Nga), Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Điều 69 BLHS Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) có nhiều điểm tương đồng như: việc tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội được thực hiện bởi chủ thể là Tòa án khi thực hiện chức năng tố tụng hình sự của mình là xét xử; Tòa án kết án bị cáo phạm từ hai tội trở lên và khi quyết định hình phạt Tòa án phải quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó mới quyết định hình phạt chung đối với các tội đó và buộc bị cáo phải chấp hành. Các điều kiện tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội của luật hình sự Việt Nam so với luật hình sự Liên bang Nga và Trung Quốc cũng giống nhau: đó là, bị cáo bị xét xử một lần về hai tội phạm trở lên. Các tội này có thể được thực hiện cùng một lúc nhưng cũng có thể thực hiện ở những thời điểm khác nhau. Các tội phạm đó và hình phạt được quy định ở các điều luật khác nhau của phần các tội phạm; nhưng cũng có thể có trường hợp các tội phạm này được quy định ở các khung hình phạt khác nhau của cùng một điều luật. Trong một số tội phạm được đưa ra xét xử không có tội phạm nào được xét xử và các tội phạm đang còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội của luật hình sự Việt Nam so với Nga và Trung Quốc cũng giống nhau về nguyên tắc áp dụng, đó là: nguyên tắc cộng hình phạt (cho phép cộng các hình phạt thành hình phạt chung). Nguyên tắc thu hút hình phạt (được áp dụng trong trường hợp không thể cộng hết các hình phạt lại với nhau do có một trong các hình phạt đã tuyên là hình phạt nặng nhất trong hệ thống hình phạt hay do các hình phạt không thể cùng chấp hành). Nguyên tắc cùng tồn tại (nguyên tắc cùng tồn tại được áp dụng khi không áp dụng được hai nguyên tắc trên. Tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc này sẽ không có hình phạt chung cho tất cả các tội mà chỉ có việc phải chấp hành đồng thời các hình phạt).
Trước khi tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, BLHS Việt Nam, Nga và Trung Quốc đều quyết định hình phạt cho từng tội riêng biệt, sau đó mới áp dụng hình phạt chung cho các tội đó (cụ thể, Khoản 1 Điều 69 BLHS Liên bang Nga: “Trong trường hợp phạm nhiều tội hình phạt được quyết định riêng biệt đối với từng tội…”, Điều 69 BLHS CHND Trung Hoa: “Trước khi tuyên án đối với người phạm nhiều tội, trừ mức tử hình và tù chung thân, phải căn cứ vào hình phạt cụ thể để quyết định hình phạt phải chấp hành…”, Điều 55 BLHS Việt Nam năm 2015: “Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt…”). Đồng thời, BLHS Việt Nam, Nga và Trung Quốc đều thực hiện tổng hợp hình phạt theo từng loại: hình phạt chính, hình phạt bổ sung.
Bên cạnh những điểm tương đồng nhưng BLHS của 03 nước có một số khác biệt nhất định. Cụ thể:
Thứ nhất, về giới hạn hình phạt; khi quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, Nga không quy định mức hình phạt trần cụ thể mà thực hiện theo nguyên tắc thu hút hình phạt, hình phạt nhẹ hơn sẽ được thu hút vào hình phạt nặng nhất khi tổng hợp. Khoản 2 Điều 69 BLHS Liên bang Nga qui định “Nếu tất cả các tội trong trường hợp phạm nhiều tội là các tội nghiêm trọng và rất nghiêm trọng thì hình phạt cuối cùng sẽ được áp dụng bằng thay thế hình phạt nhẹ bằng hình phạt nặng hơn, hoặc bằng cách tổng hợp từng phần hoặc tất cả các hình phạt đã ấn định…” Qui định này đã được BLHS năm 1985 của Việt Nam kế thừa do ảnh hưởng của lịch sử và tư tưởng lập pháp của nhà cầm quyền trong giai đoạn này (đó là qui định tại Điều 41 BLHS năm 1985 khi quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội: “Khi xét xử cùng một lần người phạm nhiều tội, Toà án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó quyết định hình phạt chung cho các tội. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của khung hình phạt mà luật quy định đối với tội nặng nhất đã phạm và trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên.”). Trong khi đó, Trung quốc thực hiện theo nguyên tắc cộng hình phạt; theo đó, hình phạt mà bị cáo phải chịu bằng tổng hợp tất cả các hình phạt của các tội và phải thỏa mãn 03 điều kiện: Một là, hình phạt chung phải thấp hơn tổng các hình phạt. Hai là, hình phạt chung phải cao hơn hình phạt nặng nhất trong các tội đã phạm. Ba là, hình phạt chung phải không được cao hơn mức trần của giới hạn hình phạt theo qui định (hình phạt quản chế không quá 3 năm, cải tạo lao động không quá 1 năm, tù giam không quá 20 năm - Điều 69 BLHS CHND Trung Hoa: “…Hình phạt chung phải thấp hơn tổng các hình phạt nhưng phải cao hơn hình phạt nặng nhất trong các tội đã phạm: Quản chế không quá 3 năm, cải tạo lao động không quá 01 năm, tù giam không quá 20 năm…”.) Ví dụ: A phạm tội thứ nhất có mức hình phạt là 15 năm tù , tội thứ hai có mức hình phạt là 07 năm tù , tội thứ ba có mức hình phạt là 05 năm tù thì hình phạt chung phải thấp 27 năm tù (15 năm + 07 năm + 05 năm) nhưng phải cao hơn hình phạt của tội thứ nhất (tội nặng nhất) là 15 năm và phải thấp hơn mức trần giới hạn là 20 năm. Như vậy, tùy theo tình hình cụ thể của từng vụ án thì A phải chịu mức hình phạt trong giới hạn là trên 15 năm đến 20 năm tù. BLHS năm 2015 của Việt Nam qui định giới hạn hình phạt trong trường hợp quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội về cơ bản giống như qui định trong BLHS Trung Quốc nhưng có sự khác nhau về mức trần khung hình phạt, đó là không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, không quá 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn (Điểm a, Khoản 1, Điều 55 BLHS Việt Nam năm 2015: “Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;…”
Thứ hai, so với BLHS Nga và Trung Quốc thì BLHS Việt Nam qui định khá cụ thể vấn đề tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội trong đó có tội có mức hình phạt nặng nhất là tù chung thân, tử hình theo nguyên tắc thu hút hình phạt. Theo đó, tại Điểm c Khoản 2 Điều 55 BLHS năm 2015 của Việt Nam qui định “Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân” và Điểm d Khoản 2 Điều 55 BLHS năm 2015 “Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình”; so với BLHS Trung Quốc và Nga thì BLHS các nước trên không đưa hình phạt chung thân và tử hình vào tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội. Việc tổng hợp hình phạt theo Điểm c, d Khoản 2 Điều 55 trong trường hợp phạm nhiều tội trên trong BLHS Việt Nam cũng dựa trên nguyên tắc thu hút hình phạt, việc quy định như vậy là hợp lý và thuận tiện cho Tòa án khi quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội mà có tội có mức án chung thân, tử hình. Tuy nhiên, việc qui định như trên cũng bộc lộ một số bất cập khi tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội mà trong đó có tội nặng nhất có mức hình phạt tù chung thân (Ví dụ: một người phạm ba tội gồm: tội “ Mua bán trái phép chất ma túy” theo khoản 4 Điều 251 Bộ luật hình sự năm 2015 bị tòa án tuyên phạt mức án tù chung thân, tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” theo khoản 2 Điều 250 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức án 09 năm tù, tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” theo khoản 2 Điều 304 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức án 06 năm tù, tổng hợp hình phạt theo điểm c khoản 1 Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015 là tù chung thân, điều này sẽ triệt tiêu hai tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” và tội “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” vì chúng đã bị thu hút vào tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Trong khi đó, trường hợp thứ hai là một người khác cũng chỉ phạm một tội duy nhất là tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo khoản 4 Điều 251 Bộ luật hình sự năm 2015 và bị tòa án tuyên phạt cùng mức án là tù chung thân. Việc qui định như vậy sẽ dễ tạo ra thái độ coi thường pháp luật của người phạm tội (vì người phạm tội cho rằng phạm một tội có mức hình phạt tù chung thân và phạm nhiều tội trong đó có một tội cũng đã có mức hình phạt tù chung thân cũng tù chung thân nên người phạm tội sẵn sàng phạm nhiều tội). Do đó, BLHS cần tách hình phạt tù chung thân thành hai loại, đó là tù chung thân có giảm án và tù chung thân không giảm án; quan điểm trên xuất phát từ việc không hợp lý trong vấn đề tổng hợp hình phạt theo điểm c khoản 1 Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó “Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân” qui định này dựa theo nguyên tắc thu hút hình phạt, sẽ là bất hợp lý nếu trường hợp một người phạm nhiều tội và trong đó có một tội có mức hình phạt là tù chung thân Do đó, trong trường hợp phạm nhiều tội như trường hợp thứ nhất thì nên qui định hình phạt chung khi tổng hợp hình phạt là tù chung thân không giảm án thì sẽ hợp lý và công bằng hơn; trong trường hợp thứ hai như trên, do người phạm tội chỉ phạm một tội nhưng mức án cao nhất là tù chung thân nên tòa án có thể cân nhắc và áp dụng hình phạt tù chung thân có giảm án.
Thứ ba, trong BLHS CHND Trung Hoa thì hình phạt “quản chế” là hình phạt chính (Điều 32 BLHS CHND Trung Hoa). BLHS Nga qui định là hình phạt “hạn chế tự do” vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung nhưng hình thức tương tự như hình phạt quản chế trong BLHS Việt Nam và Trung Quốc (Điều 45 BLHS Liên bang Nga) và được tổng hợp luôn trong phần hình phạt chính; trong khi Điều 32 BLHS Việt Nam năm 2015 qui định quản chế là hình phạt bổ sung và được tổng hợp trong phần tổng hợp hình phạt bổ sung. Bên cạnh đó, BLHS Nga và Trung Quốc có qui định hình phạt lao động cải tạo là hình phạt chính (Điều 45 BLHS Liên bang Nga, Điều 32 BLHS CHND Trung Hoa) và được tổng hợp luôn trong phần hình phạt chính, trong khi BLHS Việt Nam năm 2015 không có hình phạt này.
Nhìn tổng thể, BLHS Việt Nam năm 2015 về cơ bản quy định khá chặt chẽ đối với vấn đề quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội; mặc dù BLHS năm 2015 của Việt Nam so với BLHS Nga và Trung Quốc có phần nghiêm khắc hơn đối với tổng hợp hình phạt tù có thời hạn (mức trần của hình phạt tù có thời hạn đến 30 năm, trong khi đó Trung Quốc là 20 năm, Nga thì không qui định mức trần hình phạt tù mà thực hiện theo nguyên tắc thu hút hình phạt – thu hút vào hình phạt của tội nặng hơn); nhưng điều này phù hợp với thực tiễn tình hình đấu tranh và phòng chống tội phạm ở Việt Nam hiện nay. BLHS năm 2015 của Việt Nam hiện nay cũng cần nghiên cứu bổ sung một số hình phạt như cải tạo lao động vào hệ thống hình phạt chính (nhẹ nhất trong hệ thống hình phạt chính) đối với các tội ít nghiêm trọng mà BLHS Nga và Trung Quốc có quy định để vừa đa dạng hóa hệ thống hình phạt trong BLHS Việt Nam vừa phù hợp với thực tiễn đấu tranh tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay./.
Nguyễn Văn Khánh- VKSND huyện Ba Tri