Ngày 02/5/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 169/QĐ-VKSTC kèm theo Quy chế tạm thời Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (gọi tắt là Quy chế 169) thay thế Quy chế kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố ban hành theo Quyết định số 422/QĐ-VKSTC ngày 17/10/2014 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Quy chế 169 đã cụ thể hóa những Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNN-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Quy chế 169 có nhiều điểm mới quy định cụ thể nhiều vấn đề quan trọng về nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho KSV, KTV và Lãnh đạo ngành kiểm sát trong công tác thực hành thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Thứ nhất, tại Khoản 2 Điều 148 BLTTHS có quy định “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định tạm đình chỉ kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát…Trường hợp quyết định tạm đình chỉ không có căn cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ để tiếp tục giải quyết. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố” nhưng lại không quy định trường hợp Viện kiểm sát nếu đồng ý với Quyết định tạm đình chỉ có Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì Viện kiểm sát có gửi văn bản đồng ý hay nếu Viện kiểm sát không hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ thì coi như việc tạm đình chỉ của Cơ quan điều tra là đúng. Khắc phục được nhược điểmm này, Khoản 2 Điều 15 Quy chế 169 đã quy định rõ trường hợp “Đối với quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có căn cứ và hợp pháp thì phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã ra quyết định biết.” Như vậy, nếu việc tạm đình chỉ tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có căn cứ và đúng quy định theo các căn cứ tại Khoản 1 Điều 148 BLTTHS thì Viện kiểm sát sẽ có thông báo bằng văn bản gửi cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, trong hệ thống biểu mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ ban hành theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của VKSNDTC lại không có biểu mẫu nào có nội dung như trên. Trong hệ thống các thông báo của Viện kiểm sát (Bản kết luận kiểm sát) của Viện KSND tỉnh Bến Tre ban hành trước đây cũng không có biểu mẫu (Bản kết luận kiểm sát tạm đình chỉ tviệc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố) nên việc thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Quy chế 169 sẽ gặp khó khăn. Để thực hiện quy định này, mỗi đơn vị VKS cấp huyện tự tạo cho mình một mẫu riêng nên không thống nhất. Để khắc phục hạn chế này, xét thấy, VKSNDTC cần sớm ban hành bổ sung vào hệ thống biểu mẫu để các đơn vị VKS thực hiện được thống nhất. Trong thời gian chờ VKSNDTC ban hành thì thiết nghĩ VKSND tỉnh Bến Tre cần bổ sung biểu mẫu “Bản kết luận kiểm sát tạm đình chỉ tviệc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố” để các đơn vị VKSND cấp huyện được thực hiện thống nhất.
Thứ hai, Khoản 2 Điều 11 Quy chế 169 đã quy định về việc đề ra yêu cầu xác minh của KSV “Khi thấy có vấn đề cần phải kiểm tra, xác minh thêm, Kiểm sát viên kịp thời bổ sung yêu cầu kiểm tra, xác minh; nếu Điều tra viên, Cán bộ điều tra đề nghị, Kiểm sát viên có trách nhiệm giải thích rõ nội dung những yêu cầu kiểm tra, xác minh. Trường hợp Điều tra viên, Cán bộ điều tra không nhất trí thì Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra nêu rõ lý do và báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, kiến nghị với Thủ trưởng, Cấp trưởng Cơ quan có thẩm quyền điều tra; trường hợp Cơ quan có thẩm quyền điều tra không thực hiện được đầy đủ các yêu cầu kiểm tra, xác minh vì lý do khách quan thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền điều tra nêu rõ lý do trong văn bản thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm.”. Theo quy định trên thì KSV sẽ báo cáo Lãnh đão Viện xem xét, kiến nghị với Thủ trưởng Cơ quan điều tra khi Điều tra viên, Cán bộ điều tra không thực hiện đầy đủ yêu cầu xác minh của KSV sau khi KSV đã yêu cầu Điều tra viên, Cán bộ điều tra giải thích rõ. Trong trường hợp Cơ quan điều tra không thực hiện được đầy đủ các yêu cầu kiểm tra, xác minh vì lý do khách quan thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện yêu cầu Cơ quan điều tra nêu rõ lý do trong văn bản thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm (Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định không khởi tố vụ án, Quyết định tạm đình chỉ). Quy định này phù hợp với Điều 162, 167 BLTTHS về việc Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát.
Thứ ba, Điều 8 Quy chế 169 về phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố quy định “Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan có thẩm quyền điều tra, lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và gửi ngay Quyết định này cho Cơ quan có thẩm quyền điều tra.” Trong khi đó Khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNN-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch này, Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên hoặc ra Quyết định phân công Phó Viện trưởng tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và gửi ngay một bản cho Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đã ra Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.” Như vậy, quy định của Quy chế 169 không thống nhất với Thông tư liên tịch 01. Nếu theo Quy chế thì Viện kiểm sát sẽ mất ưu thế hơn so với quy định của Thông tư 01 vì Thông tư 01 quy định thời hạn là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, trong khi Quy chế chỉ quy định 03 ngày kể từ khi nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp Cơ quan điều tra thường gửi Quyết định phân công, thông báo tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm hồ sơ thường vào cuối ngày thứ sáu của tuần nên nếu áp dụng Quy chế 169 thì Viện kiểm sát sẽ bị mất 02 ngày (thứ bảy, chủ nhật) để nghiên cứu ra Quyết định phân công KSV, KTV. Đồng thời, tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 01 quy định “Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết, Thủ trưởng Cơ quan điều tra trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc quyền thụ lý, giải quyết hoặc ra Quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tổ chức, chỉ đạo thụ lý, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.” Như vậy, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định phân công và ra thông báo tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gửi cho Viện Kiểm sát, tuy nhiên, Cơ quan điều tra thường gửi cho Viện kiểm sát thông báo tiếp nhận trước khi gửi Quyết định phân công. Do đó, nếu căn cứ theo Quy chế 169 thì Viện kiểm sát phải ra Quyết định phân công KSV, KTV kể từ ngày nhận được thông báo tiếp nhận của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát bị mất ưu thế về thời gian. Xét thấy tính pháp lý của Thông tư liên tịch 01 là văn bản Quy phạm pháp luật theo quy định tại Khoản 4 Điều 8, Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trong khi đó Quy chế 169 là văn bản nội bộ hướng dẫn thực hiện các thao tác nghiệp vụ trong ngành kiểm sát. Do đó, những gì trái với văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn thì phải áp dụng văn bản có giá trị pháp lý cao hơn đó; cho nên việc thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Viện kiểm sát phải thực hiện theo Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNN-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Một vấn đề cũng cần lưu ý là hiện nay trong hệ thống biểu mẫu theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của VKSNDTC lại không có biểu mẫu nào về “Quyết định phân công Phó Viện trưởng tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”. Trong khi đó, Khoản 2 Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNN-VKSNDTC có quy định “…Viện trưởng Viện kiểm sát trực tiếp tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên hoặc ra Quyết định phân công Phó Viện trưởng tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố…”. Do đó, VKSNDTC cũng cần bổ sung biểu mẫu này vào hệ thống biểu mẫu chung để các đơn vị VKS thực hiện được thống nhất./.
Nguyễn Văn Khánh- Viện KSND huyện Ba Tri