Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời, chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội; Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định đầy đủ, cụ thể trình tự, thủ tục và các hoạt động tố tụng trong từng giai đoạn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nhằm đấu tranh nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả với tất cả các loại tội phạm, nhất là các tội về tham nhũng, chức vụ, các tội về xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, giảm bớt xu hướng bạo lực, xem thường pháp luật đã và đang xảy ra.

Trong bài viết này, tôi xin nêu nhận thức của bản thân về những điểm mới, tiến bộ và những vấn đề vẫn còn bất cập trong các quy định về giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố.

So với Luật tố tụng hình sự 2003 (Bộ luật 2003), Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (Bộ luật 2015) quy định đầy đủ, cụ thể hơn về trình tự, thủ tục giải quyết tin báo và các hoạt động tố tụng trong từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn khởi tố, trên cơ sở 10 điều của luật cũ, Bộ luật 2017 được xây dựng 20 điều (từ Điều 143 đến Điều 162), với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung tiến bộ. Lần đầu tiên, luật tố tụng hình sự nước ta quy định rõ các khái niệm “tố giác về tội phạm”, tin báo về tội phạm” “kiến nghị khởi tố”, với mục đích giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Tố giác, tin báo về tội phạm là quyền của cá nhân. Để tôn trọng và thực hiện tốt, cũng như để kịp thời xử lý, trấn áp các loại tội phạm, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định đầy đủ, cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiếp nhận và giải quyết các nguồn tin về tội phạm, nhằm xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích người dân tham gia đấu tranh chống tội phạm. Tuy nhiên, để tránh việc cá nhân lạm dụng quyền này vì động cơ, mục đích dụ lợi, trả thù…, Bộ luật quy định “Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định” (Khoản 5 Điều 144). Đây là quy định mới, tiến bộ hơn, khắc phục những vướng mắc xảy ra, vì trong thực tiễn có nhiều trường hợp cố ý tố cáo sai sự thật, cố ý báo tin sai về tội phạm, nhưng Bộ luật 2003 không quy định rõ chế tài để xử lý.

Lần đầu tiên, Bộ luật 2015 và Luật tổ chức Viện KSND 2014 quy định Viện KSND thực hành quyền công tố từ khi tiếp nhận tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố về tội phạm, người bào chữa được tham gia từ khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam. Đây là quy định rất phù hợp, nhằm gắn công tố với hoạt động điều tra, tăng cường cơ chế kiểm tra, kiểm soát, xử lý nhanh, có hiệu quả hơn các nguồn tin về tội phạm. Đây là bước tiến quan trọng của Bộ luật 2015, qua đó mở rộng quyền dân chủ của công dân, tạo điều kiện để mọi người dân tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm và quan trọng hơn là hạn chế tình trạng oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Về thời hạn, trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết các nguồn tin đã được xác định trong Bộ luật, quy định rõ chỉ trong trường hợp nào được gia hạn thời hạn giải quyết, tạm dừng, tạm đình chỉ giải quyết tin báo về tội phạm. Quy định này đã tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế, đồng thời chấn chỉnh tình trạng nhiều tin báo bị bỏ quên, xử lý chậm, không rõ ràng, dứt khoát...

Tuy nhiên, Bên cạnh những mặt ưu điểm, Bộ luật hình sự năm 2015 vẫn chưa quy định rõ một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn, như sau:

- Bị hại thực hiện tố giác, tin báo tội phạm, nhưng sau đó vì động cơ, mục đích nào đó, lại không hợp tác với cơ quan điều tra, đứng về phía bị can, khai gian dối, làm chuyển hướng hoàn toàn kết quả điều tra, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, thậm chí có trường hợp còn dẫn đến oan, sai. Theo quan điểm của bản thân tôi, trường hợp này cần phải được quy định hình thức xử lý phù hợp, tránh gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, nhưng pháp luật về tố tụng hình sự hiện nay và Bộ luật 2015 vẫn chưa quy định xử lý về hành vi này.

- Việc khuyến khích, biểu dương, khen thưởng, trả lại chi phí…cho người tố giác, báo tin chưa được đề cập, nhất là các tin báo, tố giác, kiến nghị về hành vi tham nhũng, lãng phí trong cơ quan Nhà nước. Do đó, theo tôi cũng cần phải được quy định rõ, để động viên, khuyến khích người dân./.

Xuân Hòa - Phòng 15 VKSND tỉnh Bến Tre