Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể, chi tiết về chức danh Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra (Cơ quan điều tra thuộc Công an nhân dân, Cơ quan điều tra thuộc Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao) và Cán bộ điều tra của Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi tiến hành điều tra vụ án được Thủ trưởng cơ quan phân công người thuộc cơ quan, đơn vị làm Cán bộ điều tra. Theo điểm a, Khoản 2, Điều 34 BLTTHS năm 2015 thì Cán bộ điều tra là người tiến hành tố tụng và tiêu chuẩn bổ nhiệm Cán bộ điều tra hình sự được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 59 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015. Cụ thể như sau: Thứ nhất, Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên. Thứ ba, Có thời gian làm công tác pháp luật theo quy định của pháp luật. Thứ tư, Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Việc bổ nhiệm thuộc Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định, thuộc Quân đội nhân dân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định, ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định (khác với cán bộ bình thường trong Cơ quan điều tra như cán bộ trực ban, cán bộ trinh sát, cán bộ giúp việc khác...không phải là người tiến hành tố tụng nên không được tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định).
Ảnh minh họa
Như vậy, Cán bộ điều tra là một chức danh tư pháp và phải qua bổ nhiệm. BLTTHS năm 2015 quy định cụ thể nhiệm vụ quyền hạn của Cán bộ điều tra tại Điều 38, đó là: Ghi biên bản lấy lời khai, ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác khi Điều tra viên tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự. Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này. Giúp Điều tra viên trong việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, hồ sơ vụ án và thực hiện hoạt động tố tụng khác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay; nhiều cán bộ của Cơ quan điều tra, nhất là Cán bộ điều tra của Công an nhân dân. Đặc biệt là Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra Công an cấp huyện còn thiếu trong khi đó lượng án thụ lý lại tương đối nhiều dẫn đế tình trạng Cán bộ chưa có chức danh Cán bộ điều tra (đa số cán bộ của Cơ quan điều tra Công an cấp huyện mặc dù có đủ thâm niên công tác theo quy định nhưng đa số đều chỉ có trình độ trung cấp – theo tiêu chuẩn quy định trong Luật tổ chức điều tra hình sự phải có trình độ đại học an ninh, cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên) thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Cán bộ điều tra như: Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định. Giúp Điều tra viên trong việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, hồ sơ vụ án. Điều này dẫn đến việc vi phạm thủ tục tố tụng. Mặt khác, điểm b, Khoản 1, Điều 38 BLTTHS năm 2015 quy định còn chưa rõ ràng nên dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất. Theo đó, Cán bộ điều tra thực hiện “Giao, chuyển, gửi các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;”. Theo cách quy định trên thì Cán bộ bình thường (không phải Cán bộ điều tra) được quyền nhận các lệnh, quyết định và các văn bản tố tụng khác.
Từ các bất cập nêu trên, thiết nghĩ liên ngành Trung Ương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện pháp luật được thống nhất./.
Nguyễn Văn Khánh – Viện KSND huyện Ba Tri