Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt có điều kiện được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm. Căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù.

Như vậy khi có đủ điều kiện theo pháp luật qui định, Tòa án cho một người phạm tội được hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm.

Về bản chất, án treo nó là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện không buộc người bị kết án phải cách ly khỏi đời sống xã hội mà để họ được giáo dục, cải tạo tại cộng đồng. Đây là qui định thể hiện tính nhân đạo của chính sách pháp luật hình sự nước ta, có thể áp dụng với người có nhân thân tốt và có nhiếu tình tiết giảm nhẹ. Mặc khác cho người phạm tội được hưởng án treo cũng nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước, nếu buộc họ phải vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ chấp hành án phạt tù thì nhà nước phải bỏ ra khoản tiền chi phi cho họ ăn, mặc…và lực lượng canh gác, bảo vệ; đồng thời cho người phạm tội được hưởng án treo cũng nhằm chống tái phạm.

Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Người phạm tội được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ, theo đề nghị của Cơ quan có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách cho họ; Tuy nhiên một năm họ chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ một tháng đến một năm và phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên.

Quy định như vậy không có nghĩa là người được hưởng án treo không phải chịu hậu quả pháp lý nào? Thứ nhất họ phải chịu một thời gian thử thách nhất định theo quyết định của Tòa án; thứ hai, là họ thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo qui định của Luật thi hành án hình sự; thứ ba, trong thời gian thử thách nếu họ thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc họ phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo qui định của pháp luật.

Trên thực tế hàng năm, Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh và nhận ủy thác từ nơi khác chuyển về Ủy ban nhân dân cấp xã hàng trăm người phạm tội mà Tòa án cho hưởng án treo. Theo báo cáo thống kê năm 2017, Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, giáo dục 259 bị án treo. Nhìn chung việc quản lý án treo (nói riêng) của Ủy ban nhân cấp xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre được quan tâm, cơ bản Ủy ban nhân dân cấp xã đã thực hiện tương đối tốt chức năng, nhiệm vụ ,quyền hạn của mình trong việc quản lý đối với bị án này theo Luật Thi hành án hình sự qui định; Vì vậy việc tái phạm đối với loại bị án này tỉ lệ không đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn có xã buông lỏng trong việc quản lý hoặc việc phân công, quản lý, giáo duc bị án chưa kịp thời, việc nhận xét định kỳ chưa theo qui định…, đó là lý do chủ quan mà việc quản lý án treo trong thời gian vừa qua hiệu quả đạt chưa cao. Bên cạnh lý do chủ quan như đã nêu còn do qui định của Luật không chặc chẽ nên có khi Tòa án giao bị án cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã không quản lý đươc.

Từ khi có chế định qui định về án treo được qui định trong Luật hình sự đến khi Chính phủ ban hành Nghị định 61/2000/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2000 Quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo và đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 (ngày Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật), không có quy định phải xử lý như thế nào trường hợp, khi xét xử Tòa án cho người phạm tội được hưởng án treo giao về địa phương nơi người đó cư trú khi án có hiệu lực pháp luật mà họ không về địa phương chịu sự quản lý, giám sát, giáo dục hoặc họ về địa phương nơi cư trú chấp hành thời gian thử thách được một vài tháng rồi họ bỏ đi khỏi địa phương không xin phép, không xác định được nơi cư trú mới của họ. Vấn đề này trong nhiều năm qua không được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn xử lý, từ đó gây khó khăn cho địa phương trong những trường hợp này, việc không quản lý được bị án dẫn đến tính nghiêm minh của pháp luật không cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án không được chấp hành một cách nghiêm chỉnh, pháp chế xã hội chủ nghĩa không được tăng cường. Để khắc phục trong việc chấp hành và áp dụng pháp luật trường hợp trên; Tại khoản 5 Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo…” Quy định này phần nào đã tháo gỡ khó khăn nêu trên; Tuy nhiên để áp dụng được điều khoản này trong thời gian tới khi Bộ luật hình năm 2015 có hiệu lực pháp luật cần có hướng dẫn của các ngành có thẩm quyền ở trung ương.

Chế tài được qui định trong Bộ luật hình sự năm 2015 đối với việc chấp hành án treo góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện thi hành án ở địa phương trong thời gian qua, từ đó đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất./.

CP8 – Phòng 8 Viện KSND tỉnh Bến Tre