1. Về quan điểm chung
- Là cán bộ, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát ở lĩnh vực hình sự là không thể xem nhẹ ở bất cứ giai đoạn nào từ khi có quyết định phân công kiểm sát tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố đến khi điều tra, truy tố, xét xử, mỗi giai đoạn có một ý nghĩa rất quan trọng để xác định một người có hành vi phạm tội hay không.
- Hiện nay, những bộ luật quan trọng như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực nên đòi hỏi mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải chịu khó nghiên cứu thật kỹ, thật sâu các nghị quyết của Quốc hội, những văn bản hướng dẫn của Ngành cấp trên để chúng ta vận dụng vào thực tiễn vừa chính xác, vừa kịp thời.
2. Một số kinh nghiệm
- Kiểm sát viên được phân công phải phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra để kiểm tra, xác minh giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố do cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết, đặc biệt là Cơ quan điều tra.
- Đề ra yêu cầu xác minh, trực tiếp lấy lời khai, hỏi cung bị can trước khi phê chuẩn các quyết định tố tụng, chủ động thực hiện các hoạt động điều tra, bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội nhằm chống oan và không bỏ lọt tội ngay từ giai đoạn đầu tố tụng hình sự. Đặc biệt, phải chấm dứt tình trạng khi Điều tra viên hỏi cung bị can xong sau đó cho bị can nhìn vào bản hỏi cung để viết bản tự khai, mà phải cho bị can viết tự khai trước khi tiến hành hỏi cung.
- Trước khi kết thúc điều tra vụ án, Kiểm sát viên phải phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên rà soát lại toàn bộ chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, kể cả những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các thủ tục tố tụng đối với vụ án; khi cần thiết có thể trực tiếp cùng với Điều tra viên hỏi bản cung tổng hợp để đánh giá đầy đủ tính chất; mức độ phạm tội của từng bị can trong vụ án. Đồng thời, khắc phục những thiếu sót, sơ hở trong việc thu thập chứng cứ. Sau khi kết thúc điều tra, Kiểm sát viên tiếp tục nghiên cứu kỹ hồ sơ (đồng thời đây cũng là giai đoạn cuối cùng để chúng ta hoàn thành việc trích cứu hồ sơ), nhất là đối với những bị can phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, chối tội. Đồng thời, để phát hiện những mâu thuẫn giữa lời khai và chứng cứ đã thu thập nếu có.
- Trong thực tiễn, một số Điều tra viên không trực tiếp đi xác minh lý lịch bị can tại nơi cư trú mà dựa trên lời khai của bị can để ghi lý lịch sau đó xin xác nhận (hoặc xác nhận trước ghi sau), dẫn đến sai sót thông tin về nhân thân hoặc bỏ sót tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Vì vậy, khi kiểm sát điều tra đối với vụ án mà bị can cư trú hoặc phạm tội tại nhiều địa phương khác nhau thì Kiểm sát viên phải kiểm tra thận trọng, tỉ mỉ để hạn chế và loại trừ sai sót.
Hoàng Minh Hạnh - Phòng 3 Viện KSND tỉnh Bến Tre