Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

“Án tích” là việc một người đã bị Tòa án kết án (hình sự) và phải thi hành hình phạt mà chưa được xóa án. Sau khi thi hành bản án hình sự một thời gian nhất định thì người bị kết án được mặc nhiên xoá án tích hoặc được Toà án cấp chứng nhận xoá án tích, nghĩa là được xem như chưa bị kết án. Xóa án tích là một chế định quan trọng, thể hiện nguyên tắc nhân đạo, dân chủ pháp luật nước ta và tôn trọng quyền con người được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 1999) quy định các trường hợp xóa án là: Đương nhiên được xóa án tích, xóa án tích theo quyết định của Tòa án và xóa án tích trong trường hợp đặc biệt. Đương nhiên được xóa án tích là trường hợp người bị kết án chấp hành xong hình phạt và trong một thời hạn nhất định người đó không phạm tội mới. Điều 64 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định trường hợp đương nhiên được xóa án tích gồm: Trước hết là trường hợp người được miễn hình phạt; thứ hai là trường hợp xóa án tích khi hội đủ các điều kiện quy định; cả hai trường hợp này chỉ áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội không quy định tại các Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật hình sự năm 1999. Căn cứ vào quy định này, ở trường hợp thứ nhất khi áp dụng không cần xem xét, đối chiếu quy định pháp luật, khi Tòa án quyết định miễn hình phạt thì người phạm tội đương nhiên được xóa án tích, không căn cứ vào thời hạn, loại tội phạm mà họ thực hiện. Trong trường hợp thứ hai, khi áp dụng chúng ta phải xem xét về thời hạn, loại hình phạt mà bản án đã tuyên đối với người phạm tội để tính xóa án tích. Trường hợp này được quy định cụ thể như sau: Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích tính từ thời điểm họ chấp hành xong bản án (nghĩa là chấp hành xong cả hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của toàn bộ bản án) và phải hết thời hạn theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều này (01 năm trong trường hợp phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo; 03 năm trong trường hợp phạt tù đến 03 năm; 05 năm trong trường hợp phạt tù trên 03 năm đến 15 năm; 07 năm trong trường hợp phạt tù trên 15 năm) đồng thời không phạm tội mới trong thời gian quy định tại điều luật này thì họ đương nhiên được xóa án tích, nếu sau đó họ phạm tội thì không coi họ có tiền án để xem xét tính tái phạm hay tái phạm nguy hiểm. Nếu người bị kết án không chấp hành xong bản án (chỉ chấp hành xong hình phạt chính hoặc chỉ chấp hành xong hình phạt bổ sung hoặc các quyết định khác của bản án) thì họ không được xóa án tích và thời điểm tính để xóa án tích kéo dài đến khi người phạm tội chấp hành xong toàn bộ bản án.

Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 năm 2015 (gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi cơ bản quy định về trường hợp đương nhiên được xóa án tích, rút ngắn thời hạn và sửa đổi thời điểm để bắt đầu tính thời hạn đương nhiên được xóa án tích so với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định thời điểm để bắt đầu tính thời hạn đương nhiên được xóa án tích là kể từ khi người bị kết án chấp hành xong hình phạt chính (Điều 70, 73 Bộ luật Hình sự năm 2015), không tính tại thời điểm người phạm tội chấp hành xong toàn bộ bản án như quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Đây là quy định có lợi hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999, và được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự trong thời điểm hiện nay (theo hướng dẫn của Nghị quyết số 109/2015/QH13 và Nghị quyết số 144/2016/QH13).

Với quy định này, trường hợp người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính (chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung hoặc các quyết định khác của bản án) mà sau thời hạn được quy định tại Khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 (01 năm trong trường hợp phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 02 năm trong trường hợp phạt tù đến 05 năm; 03 năm trong trường hợp phạt tù trên 05 năm đến 15 năm; 05 năm trong trường hợp phạt tù trên 15 năm) người bị kết án mới chấp hành xong các phần hình phạt còn lại (hình phạt bổ sung, trách nhiệm dân sự, án phí,…) và không phạm tội mới thì tại thời điểm chấp hành xong các phần hình phạt còn lại người bị kết án đương nhiên được xóa án tích.

Ví dụ: A bị kết án 01 năm tù và nộp 200.000 đồng tiền án phí hình sự. Ngày 01/01/2012, A chấp hành xong hình phạt tù, đến ngày 01/3/2014 A nộp 200.000 đồng tiền án phí thì A xem như đương nhiên được xóa án tích, nếu sau ngày 01/3/2014 A phạm tội mới thì không tính A còn tiền án.

Cần lưu ý rằng: Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung./.

Đỗ Hữu Phúc – Phòng 1 VKSND tỉnh Bến Tre