Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Theo quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự năm 1999 (Điều 323 Bộ luật hình sự năm 2015) về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có: “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm …”. Theo hướng dẫn tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 1 của Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có: 1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua)”; 2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”.

Trước đây, trong quá trình kiểm sát điều tra về tội phạm này có nhiều quan điểm khác nhau về cách hiểu của điều luật và hướng dẫn tại Thông tư trên:

Có quan điểm cho rằng, để cấu thành tội phạm này thì ngoài chứng minh ý thức chủ quan là buộc người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết tài sản đó do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, còn phải chứng minh người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ phải bị xử lý hình sự thì người chứa chấp, tiêu thụ mới bị xử lý hình sự.

Bên cạnh quan điểm trên còn có quan điểm thứ hai cho rằng, theo quy định của Điều 250 Bộ luật hình sự năm 1999 và hướng dẫn của Thông tư trên thì cấu thành cơ bản của tội phạm này về ý thức chủ quan thì chỉ bắt buộc người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết tài sản đó do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ ai là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ bị xử lý hình sự hay chưa. Do đó, nếu có đủ chứng cứ chứng minh được ý thức chủ quan của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ biết rõ các tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ do người khác phạm tội mà có thì có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Hiện nay, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã thống nhất quan điểm để xử lý đối với tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” thì vận dụng theo quan điểm thứ hai nêu trên.

Do còn nhiều vướng mắc, bất cập gây khó khăn trong việc áp dụng Khoản 1 và Khoản 2, Điều 1 Thông tư liên tịch 09/2011 thiết nghĩ liên ngành Trung ương cần có sự sửa đổi Thông tư liên tịch 09/2011 để phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm trên./.

Phòng 3 - VKSND tỉnh Bến Tre