Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Thực trạng tình hình nghiện ma túy ở Bến Tre

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy là nhiệm vụ rất quan trọng, thời gian qua luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo quyết liệt, đã triển khai nhiều giải pháp huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đấu tranh này, nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình hình người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy chưa được kéo giảm, có xu hướng tăng. Theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh Bến Tre, vào đầu năm 2016 toàn tỉnh có 1.229 người nghiện và người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 182 người nghiện so với cuối năm 2014; trong đó, nam 1.168 người, nữ 61 người, người nghiện ma túy ngoài xã hội 1.077 người. Hầu hết người nghiện ma túy không có việc làm ổn định, có 02 người dưới 16 tuổi; 746 người từ 16 tuổi đến 30 tuổi; 481 người từ 30 tuổi trở lên; 562 người sử dụng hêroin; 614 người sử dụng ma túy tổng hợp và 53 người sử dụng cần sa. Toàn tỉnh có 122/164 xã, phường, thị trấn có người nghiện và sử dụng ma túy.

Với thực trạng người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy nêu trên, tệ nạn ma túy đang gây tác hại nghiêm trọng đối với từng gia đình người nghiện và xã hội. Đối với gia đình người nghiện ma túy thì gây tổn hại tâm lý, sức khỏe người thân, thường xuyên hoang mang lo sợ, mặc cảm tự ti với hàng xóm, dòng họ, làm tổn thất về tình cảm, hạnh phúc gia đình tan vỡ, ly thân, ly hôn, con cái không ai chăm sóc…; Bản thân người nghiện ma túy khi sa vào tệ nạn này thì mất niềm tin vào bản thân, sống buông thả không định hướng tương lai, dễ mắc bệnh xã hội nhất là HIV/AIDS và nguy cơ có thể kết thúc cuộc đời trong bế tắc không người thân bên cạnh, bị mọi người xa lánh, bỏ mặc…; Xét hậu quả về mặt xã hội thì tệ nạn ma túy ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự, phát sinh nạn trộm cắp, cướp giật, giết người cướp của, làm băng hoại đến đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc, ảnh hưởng về mặt kinh tế do người nghiện ma túy không làm việc, tốn nhiều chi phí cho việc sử dụng ma túy, tình trạng thất nghiệp, không có việc làm ổn định, không có điều kiện để nuôi sống bản thân, gia đình người nghiện ma túy có chiều hướng gia tăng.

Theo quan điểm đổi mới về nhận thức đối với người nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn não bộ, là nạn nhân của tệ nạn ma túy. Do đó, xã hội cần hỗ trợ để điều trị bệnh cho họ, tư vấn tâm lý, cung cấp dịch vụ y tế, thuốc men, từ đó làm thay đổi nhận thức, hành vi của người nghiện ma túy. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy đa dạng hóa các biện pháp điều trị cai nghiện, ngoài biện pháp cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng thì Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định Tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.

Để thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, ngày 20/01/2014 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 quy định về “Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân”, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Tuy nhiên, từ khi Pháp lệnh có hiệu lực thi hành đến nay đã gần 03 năm nhưng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn chưa được Tòa án áp dụng đối với trường hợp nào, nguyên nhân là do việc nhận thức áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này còn nảy sinh những vướng mắc, đòi hỏi các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải nghiên cứu vận dụng các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn, các ngành phối hợp chặt chẽ và thống nhất về mặt nhận thức để thực hiện đúng các quy định pháp luật trong quá trình lập hồ sơ đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

(Còn tiếp)

Phòng 10 – VKSND tỉnh Bến Tre