Về quy định Thông báo Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp.
Theo Dự thảo Thông tư quy định, việc thông báo Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp sau khi nhận được văn bản thông báo của Tòa án về việc thụ lý vụ án bằng hình thức văn bản phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp. Như vậy, phạm vi phân công Kiểm sát viên chỉ giới hạn việc tham gia phiên tòa, phiên họp, chưa bao quát đầy đủ hết nhiệm vụ của Kiểm sát viên là kiểm sát vụ án hành chính từ khi thụ lý đến khi kết thúc vụ án (trong đó có việc tham gia các phiên tòa, phiên họp của Tòa án).
Do đó, cần quy định ghi đầy đủ nhiệm vụ của Kiểm sát viên trong văn bản phân công Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ gửi cho Tòa án, nội dung như sau: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng, tham gia phiên tòa, phiên họp…
Về Kiểm tra viên tham gia phiên tòa, phiên họp
Theo Dự thảo Thông tư quy định: “1. Kiểm tra viên tham gia phiên tòa, phiên họp để giúp Kiểm sát viên hoàn thiện văn bản phát biểu ý kiến và thực hiện các hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa, phiên họp theo quyết định phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình. 2. Họ tên Kiểm tra viên được phân công tham gia phiên tòa, phiên họp được ghi rõ trong cùng văn bản phân công Kiểm sát viên để gửi cho Tòa án. 3. Trường hợp thay đổi Kiểm tra viên trước khi mở phiên tòa thì Viện kiểm sát thông báo cho Tòa án...”
Căn cứ quy định tại Điều 44 Luật Tố tụng hành chính thì không có quy định Kiểm tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn tham gia phiên tòa, phiên họp, mà chỉ quy định Kiểm sát viên có quyền hạn tham gia phiên tòa, phiên họp. Như vậy, Dự thảo Thông tư là không phù hợp quy định của Luật. Mặt khác, công việc hoàn thiện bản phát biểu ý kiến tại phiên tòa, phiên họp thì Kiểm sát viên có nhiệm vụ chủ động phải thực hiện, chứ không thể giao cho Kiểm tra viên làm giúp. Đối với việc thực hiện các hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa, phiên họp phải do Kiểm sát viên tiến hành, không thể giao cho Kiểm tra viên cùng thực hiện. Việc giao Kiểm tra viên thực hiện nhiệm vụ này là không đúng luật và không phù hợp với thực tiễn.
Vì vậy, cần sửa đổi quy định này theo hướng quy định rạch ròi, phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa Kiểm sát viên và Kiểm tra viên theo đúng Luật Tố tụng hành chính; Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Về chuyển bản sao đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ
Dự thảo Thông tư đưa ra hai phương án: “Phương án 1: Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện gửi bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ người khởi kiện đã nộp cho Tòa án cho Viện kiểm sát cùng cấp cùng với văn bản trả lại đơn khởi kiện quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính; Phương án 2: 1. Toà án đã trả lại đơn khởi kiện chuyển bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ người khởi kiện đã nộp cho Tòa án cho Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát tham gia phiên họp giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, trừ trường hợp Tòa án đã chuyển các tài liệu trên cho Viện kiểm sát để xem xét kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này. Việc chuyển tài liệu được thực hiện như sau: Ngay sau khi nhận được khiếu nại của người khởi kiện về việc trả lại đơn khởi kiện, Tòa án gửi bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ cùng văn bản thông báo về khiếu nại và ngày mở phiên họp giải quyết khiếu nại cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các tài liệu, văn bản thông báo trên, Viện kiểm sát phải trả lại các tài liệu cho Toà án”.
Qua nghiên cứu thấy rằng phương án 2 là phù hợp với thực tiễn, đảm bảo cho Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại của người khởi kiện. Do đó, cần chọn phương án 2 của Dự thảo Thông tư.
Về thực hiện nhiệm vụ của Kiểm sát viên trong giai đoạn thụ lý vụ án, chuẩn bị xét xử sơ thẩm
Khi thực hiện hoạt động kiểm sát việc thụ lý, Kiểm sát viên có nhiệm vụ xem xét các vấn đề như: đối tượng, điều kiện khởi kiện, thẩm quyền của Tòa án. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ kiểm sát quá trình lập hồ sơ, việc tiến hành các hoạt động tố tụng của Thẩm phán. Tuy nhiên, Luật Tố tụng hành chính không có quy định rõ quyền yêu cầu của Viện kiểm sát về nghiên cứu hồ sơ, ghi chép, sao chụp các tài liệu có liên quan mà Tòa án đang tiến hành giải quyết làm căn cứ để xem xét.
Vì vậy, cần hướng dẫn tại Thông tư về nhiệm vụ, quyền hạn này của Kiểm sát viên./.
Phòng 10 - VKSND tỉnh Bến Tre