Bản án đã được thi hành tới giai đoạn cưỡng chế, đưa ra bán đấu giá lần thứ 7 thì có Quyết định tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hủy án, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại. Sau đó, bản án sơ thẩm xử lại tuyên trái ngược hoàn toàn với hai cấp xét xử trước đây: từ bên thắng kiện trở thành bên thua kiện và ngược lại. Câu hỏi đặt ra là vậy toàn bộ quá trình thi hành án dân sự trước đây phải làm sao, ai chịu trách nhiệm, chi phí cưỡng chế đã chi ra xử lý thế nào?
Ngày 25/7/2008, TAND tỉnh Bến Tre đã xử sơ thẩm vụ án tranh chấp chấp thừa kế, tuyên buộc ông Đ.V.C phải hoàn trả số tiền và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các ông bà sau:
1. Đ.T.N nhận số tiền 264.742.849 đồng.
2. Đ.V.H đại diện nhận 882.113.537 đồng. Ông H được tiếp tục sử dụng 89,7 m2 đất nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông C tại thửa số 1-1, tờ bản đồ số 8-4…
3. Đ.V.L đại diện nhận 1.073.532.537 đồng.
4. T.C.Q đại diện nhận 915.993.537 đồng.
Ba tháng sau, TAND tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã bác kháng cáo, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo đơn yêu cầu THA của các ông, bà Đ.T.N, ông Đ.V.H, Đ.V.L và T.C. Q, Cục THADS tỉnh Bến Tre, cơ quan THADS tỉnh đã thụ lý ra quyết định THA số 78/QĐ.THA ngày 24/12/2008. Sau thời gian tự nguyện THA nhưng bên phải THA không chấp hành, Cục THADS tỉnh Bến Tre đã tiến hành cưỡng chế giao xong 89,7 m2 quyền sử dụng đất tại thửa số 1-1, tờ bản đồ số 8-4 cho ông Đ.V.H và cưỡng chế kê biên 2.776,5 m2 quyền sử dụng đất và hoa màu trên đất tọa lạc ấp 2, xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre của ông Đ.V.C.
Các chi phí phát sinh trong quá trình cưỡng chế thi hành gồm: chi phí cưỡng chế 2.876.000 đồng, phí thẩm định giá 7.192.000 đồng, chi phí bán đấu giá 1.540.000 đồng; tổng cộng: 11.608.000 đồng.
Cục THADS tỉnh Bến Tre đã giảm giá bán đấu giá nhưng không có khách hàng đăng ký tham gia đấu giá mua tài sản.
Đến đây, thì có Quyết định tái thẩm số 38/2014/DS-TT ngày 20/8/2014 của TAND tối cao tại TP.HCM với nội dung hủy bản án phúc thẩm số 423/2008/DSPT ngày 29/10/2008 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2008/DSST ngày 25/7/2008 của TAND tỉnh Bến Tre về vụ án “tranh chấp thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là các ông, bà Đ.T.N, ông Đ.V.H, Đ.V.L và T.C. Q và bị đơn là là ông Đ.V.C (đã chết).
Ngày 28/11/2014, Cục THADS tỉnh Bến Tre đã ra Quyết định đình chỉ thi hành án đối với ông Đ.V.C. Các khoản đình chỉ THA:
1. Đ.T.N nhận số tiền 264.742.849 đồng.
2. Đ.V.H đại diện nhận 882.113.537 đồng. Ông H được tiếp tục sử dụng 89,7 m2 đất nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông C tại thửa số 1-1, tờ bản đồ số 8-4…
3. Đ.V.L đại diện nhận 1.073.532.537 đồng.
4. T.C.Q đại diện nhận 915.993.537 đồng.
Bản án số 04/2016/DS-ST ngày 21/3/2016 của TAND tỉnh Bến Tre xét đã tuyên thay đổi hoàn toàn so với hai bản án sơ và phúc thẩm trước. Theo đó, đình chỉ giải quyết yêu cầu của bà Đ.T.N, T.C. Q, Đ.T.B đối với ông Đ.V.C (đã chết) người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông C. Không chấp nhận yêu cầu của ông Đ.V.L, Đ.V.H đối với ông Đ.V.C (đã chết) người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông C.
Thế là cả một quá trình thi hành án dài mấy năm liền, trải qua nhiều công đoạn, mấy “đời” chấp hành viên, tốn hao chi phí, thời gian, công sức của bao người thế nhưng rốt cuộc lại trở về điểm xuất phát ban đầu. Trong thực tiễn, những trường hợp như trên không phải là hiếm. Có chuyện này bởi luật quy định bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay nhưng cũng quy định bản án dân sự đã có hiệu lực vẫn có thể bị xem xét lại theo trình tự thủ tục tái thẩm hoặc giám đốc thẩm.
Ở đây cơ quan thi hành án không sai bởi thực thi theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa. Người có trách nhiệm kháng nghị tái thẩm cho dù vào cuộc sau khi bản án đã được thi hành cũng không sai vì vụ việc vẫn còn trong thời hạn kháng nghị trình tự thủ tục tái thẩm. Thụ lý lại, tòa cấp dưới với HĐXX khác phát hiện ra vụ việc có những tình tiết mới phát sinh nên đã tuyên khác với hai bản án trước là đúng quy định pháp luật.
Nhưng vấn đề đặt ra là chi phí phát sinh trong quá trình cưỡng chế thi hành án phải làm sao, ai là người chịu trách nhiệm khoản này? Chưa kể những tổn thất về tinh thần mà bên phải thi hành án phải trải qua trong quá trình cưỡng chế, thi hành án. Giờ biết tính thế nào?
Rất mong được sự trao đổi nghiệp vụ của các anh em đồng nghiệp về vấn đề này để công tác kiểm sát thi hành án dân sự ngày càng được nâng cao hơn nữa về chất lượng./.
Thiên Hương - P11 - VKSND tỉnh Bến Tre