Về thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện cần quy định trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ của Kiểm sát viên để tham gia phiên họp và phát biểu ý kiến về việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện. Do đó, Thông tư liên tịch giữa hai ngành Tòa án và Viện kiểm sát và Quy chế công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính cần quy định việc chuyển hồ sơ, tài liệu và nhiệm vụ nghiên cứu tài liệu trả lại đơn khởi kiện của Tòa án để Kiểm sát viên có ý kiến tại phiên họp giải quyết khiếu nại, kiến nghị theo quy định tại Điều 124 Luật Tố tụng hành chính.
Trong giai đoạn kiểm sát việc thụ lý vụ án, khi nhận được thông báo thụ lý, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính phải vào sổ thụ lý, lập phiếu kiểm sát thông báo thụ lý theo những nội dung quy định tại Điều 126 Luật Tố tụng hành chính. Căn cứ vào các Điều 30, Điều 31, Điều 32, Điều 33 Luật Tố tụng hành chính xem xét thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nếu phát hiện việc Tòa án thụ lý sai thẩm quyền thì báo cáo Lãnh đạo Viện thực hiện quyền kiến nghị. Như vậy, khi thực hiện hoạt động kiểm sát thụ lý, Kiểm sát viên có nhiệm vụ xem xét các vấn đề như: đối tượng, điều kiện khởi kiện, thẩm quyền của Tòa án, thời hiệu khởi kiện…Tuy nhiên, Luật Tố tụng hành chính không quy định rõ quyền yêu cầu của Kiểm sát viên về nghiên cứu, ghi chép, sao chụp các tài liệu để kiểm sát việc thụ lý. Ngoài ra, đối với nhiệm vụ kiểm sát quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án, việc yêu cầu chuyển hồ sơ để xem xét kháng nghị phúc thẩm…Các vấn đề trên cần được hướng dẫn và Quy chế nghiệp vụ quy định cụ thể các nhiệm vụ này.
Về kiểm sát việc giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, vấn đề rútÂÂ kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cấp dưới không nên quy định trước khi rút kháng nghị phải trao đổi với Viện trưởng Viện kiểm sát sơ thẩm đã kháng nghị, vì không phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của ngành do Hiến pháp, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định. Đối với trường hợp tại phiên tòa nếu xét thấy có đầy đủ tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên tham gia phiên tòa có quyền thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với Lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo Viện và thông báo cho Viện kiểm sát sơ thẩm đã kháng nghị biết. Trong trường hợp này không cần phải quy định Kiểm sát viên phải đề nghị Hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để báo cáo Lãnh đạo Viện về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị, vì đây không phải thuộc các trường hợp tạm dừng phiên tòa theo quy định tại Điều 187 Luật Tố tụng hành chính./.
Phòng 10 - VKSND tỉnh Bến Tre