Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Trong số các biện pháp ngăn chặn thì biện pháp “bắt người trong trường hợp khẩn cấp”quy định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 được thay thế bằng biện pháp “giữ người trong trường hợp khẩn cấp” quy định tại Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Vấn đề được đặt ra, khi vận dụng thủ tục tố tụng để “giữ người trong trường hợp khẩn cấp” như thế nào cho đúng quy định của pháp luật.

Điều 110 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định:

Khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người:

a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Như vậy, khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì người bị giữ phải thuộc một trong các trường hợp nêu trên, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, nếu có căn cứ thì ra quyết định tạm giữ, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

Khi chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn gồm các tài liệu sau đây:

- Công văn đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;

- Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp;

- Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;

- Tin báo, tố giác tội phạm; kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức;

- Biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp;

- Quyết định tạm giữ;

- Tài liệu về nhân thân người bị giữ;

- Lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; các tài liệu, đồ vật có liên quan đến người bị giữ…

- Bản kê tài liệu có trong hồ sơ và từng trang tài liệu được đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra.

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. Trường hợp Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp thì người ra lệnh giữ người, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ phải trả tự do cho họ.

Tuy nhiên thời gian bắt, giữ được ghi trong biên bản giữ người, lệnh giữ người, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ có cùng thời gian hay không. Đây là vấn đề có thể vướng mắc trong thực tiễn áp dụng luật, bởi lẽ, thời điểm giữ người trong trường hợp khẩn cấp phát sinh trước khi có quyết định tạm giữ. Như vậy, biện pháp bắt người trong trường hợp khẩn cấp và biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp về cơ bản có gì khác biệt không. Theo chúng tôi những vấn đề trên về cơ bản không có khác biệt nhiều, chỉ có khác ở chỗ bắt trước, giữ sau hoặc giữ trước, bắt sau. Vấn đề này chắc chắn sẽ có nhiều quan điểm khác nhau, rất mong các bạn đồng nghiệp góp ý phản biện./.

Phòng 3 - VKSND tỉnh Bến Tre