Hiện tại, theo qui định tại Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (BLTTDS) thì một trong những trường hợp bắt buộc có Viện kiểm sát tham gia các phiên toà sơ thẩm là: “ có một bên đương sự là người có nhược điểm về thể chất, Â tâm thần” và theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 7 Thông tư số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/8/2012 Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự thì người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần được xác định như sau: “ Người có nhược điểm về tâm thần có giấy tờ, tài liệu được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; Người có nhược điểm về thể chất thuộc một trong các trường hợp: bị mù hai mắt, bị câm, bị điếc có xác nhận của cơ quan y tế cấp huyện trở lên”. Do đó, theo quy định trên thì khi có các giấy tờ, tài liệu có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền thể hiện một trong các bên đương sự có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC thì đủ điều kiện để Viện kiểm sát phải tham gia phiên toà sơ thẩm trong vụ án đó, không nhất thiết phải có quyết định của Toà án để xác định người đó có mất năng lực hành vi dân sự hay hạn chế năng lực hành vi dân sự hay không.
Nội dung này, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã qui định rõ tại khoản 2 Điều 21, đó là Viện kiểm sát tham gia phiên toà sơ thẩm khi có đương sự là người mất năng lưc hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Theo qui định tại Điều 22, 23, 24 Bộ luật dân sự năm 2015 thì để xác định một người nào đó có bị mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực dân sự hay có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hay không thì phải có quyết định tuyên bố của Toà án.
Như vậy, theo qui định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì vấn đề đặt ra là khi Toà án thụ lý vụ kiện, hồ sơ thể hiện một trong các bên đương sự có dấu hiệu như: bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể (hoặc không đủ khả năng) nhận thức, làm chủ được hành vi của mình hoặc nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát để tham gia phiên toà và tiến hành xét xử theo qui định chung. Hay cần phải yêu cầu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc cơ quan tổ chức hữu quan yêu cầu Toà án tuyên bố họ mất năng lực hành vi dân sự (theo Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015), có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (theo Điều 23 Bộ luật dân sự năm 2015) hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự (theo Điều 24 Bộ luật dân sự năm 2015) và đến khi có quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án tuyên bố họ mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực dân sự hay có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì mới thuộc trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên toà sơ thẩm.
Vấn đề này trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 chưa qui định rõ. Do đó, trong công tác hướng dẫn thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) của các ngành chức năng cần hướng dẫn cụ thể để thống nhất trong quá trình thực hiện./.
Phan Trọng Thế - VKSND thành phố Bến Tre