Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Luật tố tụng hình sự các nước quy định số lượng Kiểm sát viên (Công tố viên) tham gia phiên tòa không thống nhất. Đa số các nước quy định khi tham gia phiên tòa đều phải có Kiểm sát viên (Công tố viên) tham gia để thay mặt Nhà nước buộc tội bị cáo; về số lượng Kiểm sát viên (Công tố viên) tham gia phiên tòa tùy theo mức độ nghiêm trọng và phức tạp của vụ án. Ở các nước như Hoa kỳ, Cộng hòa Liên bang Đức…không hạn chế số lượng Công tố viên tham gia phiên tòa. Nước ta theo Sắc lệnh số 57/SL ngày 17/4/1947, Công tố viên có nhiệm vụ giữ quyền công tố trước tòa, nhưng tại Điều 189 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành thì Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp tham gia phiên tòa, đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì hai Kiểm sát viên có thể cùng tham gia phiên tòa. Trong trường hợp cần thiết có thể có Kiểm sát viên dự khuyết.

Thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy các Kiểm sát viên tham gia đầy đủ các phiên tòa hình sự sơ thẩm, đã góp phần tích cực cùng Hội đồng xét xử đưa ra những phán quyết khách quan, dân chủ đối với những hành vi phạm tội, phục vụ kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, trong vụ án Trương Văn Cam cùng đồng phạm, xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, có 155 bị cáo, với 23 tội danh bị truy tố, gần 200 người làm chứng với 70 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong khi đó, theo quy định của luật, Kiểm sát viên tham gia giữ quyền công tố chỉ có hai người. Bản cáo trạng của vụ án có 585 trang, được xét xử trong gần 2 tháng. Đây là vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên.

Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành không quy định sự có mặt của Điều tra viên đến phiên tòa để trình bày các vấn đề có liên quan đến vụ án. Từ đó, có những vụ án, tại phiên tòa bị cáo phản cung và cho rằng trong quá trình điều tra bị Điều tra viên bức cung, nhục hình…

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, đồng thời đảm bảo thời gian xét xử liên tục, công khai, khách quan, tại khoản 1 Điều 289 và Điều 296 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 quy định:

Khoản 1 Điều 289 BLTTHS quy định :“ Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa; nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì có thể có nhiều Kiểm sát viên. Trường hợp Kiểm sát viên không thể có mặt tại phiên tòa thì Kiểm sát viên dự khuyết có mặt tại phiên tòa từ đầu được thay thế để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa”.

Điều 296 BLTTHS quy định: “Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án”.  

Những quy định nêu trên thể hiện không giới hạn số lượng Kiểm sát viên đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, từ đó sẽ đảm bảo thời gian và chất lượng thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, sự có mặt của Điều tra viên sẽ nâng cao được kinh nghiệm trong công tác điều tra thu thập chứng cứ, chống oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm./.

Phòng 3 - VKSND tỉnh Bến Tre