Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Những vướng mắc trong thực tiễn thi hành

Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/8/2012 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao “Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chínhcó hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2012. Qúa trình thực hiện có những vướng mắc như sau:

- Về thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện

Luật Tố tụng hành chính quy định: Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng hành chính nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án kịp thời, đúng pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát vụ án hành chính từ khi thụ lý đến khi kết thúc vụ án; tham gia các phiên tòa, phiên họp của Tòa án…thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật…

Viện kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án có đúng quy định không. Theo quy định tại Điều 109 Luật TTHC 2010; Điều 123, 124 Luật TTHC 2015 thì Tòa án chỉ gửi cho Viện kiểm sát văn bản trả lại đơn khởi kiện. Luật không có quy định Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án cho đọc, xem, ghi chép, sao chụp, nghiên cứu đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo để kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện. Thực tiễn cho thấy, Viện kiểm sát có tài liệu về việc trả đơn khởi kiện là do đương sự cung cấp. Để tháo gỡ vướng mắc này, ở địa phương thực hiện theo quy định của Quy chế phối hợp liên ngành; theo đó, Tòa án cung cấp tài liệu về trả lại đơn khởi kiện cho Viện kiểm sát để nghiên cứu, để kiểm sát.

- Về kiểm sát việc thụ lý vụ án hành chính

Luật TTHC năm 2010 quy định người bị kiện, người có quyền lợi liên quan có quyền yêu cầu Tòa án cho biết, đọc, xem, ghi chép, sao chụp đơn và tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện. Luật không quy định Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án cho nghiên cứu hồ sơ, tài liệu để thực hiện kiểm sát việc thụ lý vụ án, nên nhiều nơi Viện kiểm sát chỉ lập phiếu kiểm sát văn bản thông báo thụ lý vụ án của Tòa án mà không xem xét các tài liệu, chứng cứ kèm theo có liên quan việc thụ lý. Do đó, hoạt động kiểm sát việc thụ lý vụ án còn mang tính hình thức, chất lượng và hiệu quả chưa cao.

Theo quy định Điều 126 và Điều 128 Luật TTHC năm 2015 cũng không quy định rõ quyền nghiên cứu đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo của Viện kiểm sát để kiểm sát việc thụ lý vụ án. Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 43 Luật TTHC 2015 quy định Viện kiểm sát có nhiệm vụ và quyền hạn là: “nghiên cứu hồ sơ vụ án” là chưa rõ ràng, còn chung chung, quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án khi Tòa án chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát hay trong suốt quá trình tố tụng.

- Về kiểm sát việc thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ án hành chính của Tòa án

Khoản 3 Điều 73 Luật TTHC năm 2010; Điều 4 Thông tư liên tịch 03/2012 quy định Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án, luật không có quy định Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án để kiểm sát việc thu thập chứng cứ, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Thực tiễn cho thấy, khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử và hồ sơ được gởi cho Viện kiểm sát nghiên cứu thì Kiểm sát viên mới nghiên cứu hồ sơ vụ án, và mới tiến hành kiểm sát việc thu thập chứng cứ, khi thấy cần thiết thì yêu cầu Tòa án xác minh thu thập chứng cứ, mà không kiểm sát kịp thời việc thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ án của Tòa án. Qua kiểm sát thấy rằng những vi phạm phổ biến trong giai đoạn này về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán như: không kịp thời thu thập chứng cứ, kéo dài thời hạn, không đảm bảo tính kịp thời…nhưng do Viện kiểm sát chưa kiểm sát chặt chẽ hoạt động tố tụng trong giai đoạn này, nên không kịp thời kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm.

Theo quy định Khoản 6 Điều 84 Luật TTHC năm 2015, tiếp tục quy định như cũ, không có bổ sung mới về quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động kiểm sát việc thu thập chứng cứ.

- Về thẩm quyền Viện kiểm sát trực tiếp thu thập chứng cứ

Điều 5 Thông tư 03/2012, Điều 78 Luật TTHC 2010 quy định Viện kiểm sát có quyền tiến hành thu thập chứng cứ bằng biện pháp yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng để đảm bảo thực hiện quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Theo quy định này thì Viện kiểm sát không có quyền trực tiếp tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ, mà chỉ có yêu cầu đương sự, cá nhân, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng. Đây là một hạn chế gây khó khăn trong hoạt động kiểm sát.

Về thời hạn cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng là 15 ngày, kể từ ngày yêu cầu, thì Viện kiểm sát không đảm bảo thời gian để kháng nghị phúc thẩm.

Luật TTHC 2015 (khoản 6 Điều 84) quy định: Trong trường hợp kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì Viện kiểm sát có thể xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để đảm bảo cho việc kháng nghị. Tuy nhiên, quy định này là chưa rõ ràng, cần hướng dẫn quy định cụ thể là: Viện kiểm sát có quyền tiến hành tất cả các biện pháp xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để đảm bảo cho việc kháng nghị.

Ngoài ra, thực tiễn thi hành các quy định về thủ tục gửi văn bản tố tụng giữa Tòa án và và Viện kiểm sát đối với Quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử luật không có quy định gửi cho Viện kiểm sát; nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm chưa có áp dụng thống nhất, nhưng theo Luật Tố tụng hành chính 2015 đã mở rộng quyền cho Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án, vì vậy cần hướng dẫn để thực hiện thống nhất.

Một số kiến nghị

Về tên gọi của Thông tư, đề nghị tên gọi của Thông tư là hướng dẫn thi hành một số quy định về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hành chính; Về bố cục, tên gọi Chương I cần sửa tên là: Những quy định về thủ tục thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát; về kết cấu các chương còn lại và tên gọi đề nghị giữ y.

Đề nghị bổ sungvào Thông tư quy định Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án cho ghi chép, sao chụp đơn khởi kiện, các tài liệu chứng cứ khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện, thụ lý vụ án và trong quá trình giải quyết vụ án để kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện; thông báo thụ lý; lập hồ sơ; thu thập chứng cứ của Tòa án; bổ sung việc gửi quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử đối với những vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan.

Về những quy định mới cần hướng dẫn trong Thông tư liên tịch, đề nghịhướng dẫn Khoản 6 Điều 84 Luật TTHC năm 2015 theo hướng: Viện kiểm sát có quyền tiến hành tất cả các biện pháp thu thập chứng cứ để đảm bảo cho việc kháng nghị; Hướng dẫn cụ thể về nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm (Điều 190 Luật TTHC 2015) để thực hiện thống nhất; Quy định về trách nhiệm thực hiện các quyền yêu cầu và quyền kiến nghị của Viện kiểm sát (bao gồm các quyền yêu cầu theo Điều 25, 93, 343; quyền kiến nghị theo Điều 25, 76, 124, 315 Luật TTHC năm 2015)./.

Phòng 10- VKSND tỉnh Bến Tre