Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

 

III. NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

1. Vị trí, vai trò (nhiệm vụ, quyền hạn chung) của VKSND

1.1. Là cơ quan tiến hành và người tiến hành tố tụng hành chính (Điều 36):  Luật TTHC không những tiếp tục khẳng định vai trò của VKSND mà còn được tăng cường như: Tiếp tục khẳng định Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng; người tiến hành tố tụng trong ngành kiểm sát, ngoài Viện trưởng, Kiểm sát viên, còn bổ sung mới là Kiểm tra viên.

1.2. Là người tiến hành tố tụng hành chính (Điều 36)

- Viện trưởng (khoản 4 Điều 36)

- Kiểm sát viên (khoản 4 Điều 36)

- Kiểm tra viên (khoản 4 Điều 36).

2. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Viện kiểm sát

2.1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật (Điều 25 – khoản 1, khoản 2)

2.1.1. Kiểm sát trả lại đơn khởi kiện (Điều 123, Điều 124):

- Điều 123 khoản 2 quy định: Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Văn bản trả lại đơn khởi kiện được trả lại ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

- Điều 124 quy định mới: “Khi trả đơn khởi kiện, Tòa án phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện. Văn bản trả lại đơn được gửi ngay cho VKS cùng cấp.  Đơn khởi kiện và các tài liệu mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao và lưu tại Tòa án để làm cơ sở cho việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị”. Khi có khiếu nại, kiến nghị, Tòa án phải mở phiên họp trong hạn 05 ngày làm việc để xem xét giải quyết khiếu nại, kiến nghị, “ phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp.. căn cứ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến trả lại đơn khởi kện, ý kiến của Viện kiểm sát và đương sự tại phiên họp, thẩm phán phải ra một trong các quyết định: giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kện và thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát; Nhận lại đơn khởi kiện..” (khoản 3,4 Điều 124).

Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị lần thứ hai đến Chánh án TAND cấp trên trực tiếp để xem xét, quyết định lần cuối.

2.1.2. Kiểm sát việc thụ lý (Điều 126 và Điều 128):

- Điều 126 quy định: Tòa án phải gửi thông báo về thụ lý vụ án cho VKSND cùng cấp.

- Điều 128 quy định: sau khi nhận được văn bản thông báo việc thụ lý vụ án, Viện kiểm sát phải vào sổ thụ lý vụ án hành chính và phân công Kiểm sát viên kiểm sát quá trình giải quyết vụ án của Tòa án, cụ thể xem xét các vấn đề sau:

        + Xem xét đối tượng khởi kiện có phải là quyết định hành chính hay hành vi hành chính không?

+ Xem xét đơn kiện để xác định người khởi kiện có quyền khởi kiện, đủ

điều kiện khởi kiện theo Điều 115 Luật TTHC hay không?

       + Thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Kiểm sát viên căn cứ vào các quy định tại Điều 28 Luật TTHC để xác định vụ việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không?

        + Xác định thời hiệu khởi kiện: Kiểm sá viên căn cứ vào Điều 116 của Luật TTHC để xem xét thời hiệu khởi kiện còn hay hết.

2.1.3. Kiểm sát việc thu thập chứng cứ (Điều 84 - khoản 6)

- Điều 84 khoản 6, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Toà án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án.

- Viện kiểm sát trực tiếp thu thập chứng cứ:

+ Điều 84 khoản 6: Trường hợp kháng nghị bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì Viện kiểm sát có thể tự mình thu thập hồ sơ, tài liệu, vật chứng trong quá trình giải quyết vụ án.

+ Điều 93 khoản 4: Viện kiểm sát có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ.

2.1.4. Kiểm sát áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 73, Điều 75, Điều 76, Điều 77)

- Điều 73 khoản 4: Thẩm phán áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đều phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết. Viện kiểm sát có trách nhiệm tiến hành kiểm sát.

- Điều 75 khoản 2: Tòa án phải gửi quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời cho Viện kiểm sát cùng cấp. Viện kiểm sát có trách nhiệm tiến hành kiểm sát.

- Điều 77: Chánh án Tòa án phải xem xét giải quyết kiến nghị của Viện kiểm sát về việc áp dụng hay không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thời hạn 03 ngày.

2.1.5. Kiểm sát việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án (Điều 141):

Khoản 2 Điều 141: Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Như vậy, Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát quyết định tạm đình chỉ, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng thì phải ban hành kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

2.1.6. Kiểm sát việc đình chỉ giải quyết vụ án (Điều 143):

Điều 143 khoản 4: Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Như vậy, Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát quyết định đình chỉ, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng thì phải ban hành kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

2.1.7. Kiểm sát sau khi Tòa án tiến hành tổ chức Đối thoại (Điều 140):

Trong trường hợp Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ việc giải quyết vụ án thì phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; trường hợp có căn cứ cho rằng nội dung các bên đã thống nhất và cam kết là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội thì quyết định của Tòa án có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

2.1.8. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và chấp hành pháp luật của các đương sự tại phiên tòa (Điều 190, Điều 240, Điều 270):

- Điều 190: Viện kiểm sát có quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và việc chấp hành pháp luật của các đương sự tại phiên tòa sơ thẩm.

- Điều 240 – tại phiên tòa phúc thẩm

- Điều 270 – tại phiên tòa giám đốc thẩm.

* Bên cạnh thủ tục thông thường còn giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn:

- Kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục rút gọn (Điều 249): Khi Thẩm phán tiến hành đối thoại tại phiên tòa không thành thì tiến hành xét xử theo thủ tục thông thường quy định tại mục 3 Chương XI của Luật TTHC – như phiên tòa sơ thẩm thông thường.

- Kiểm sát tại phiên tòa phúc thẩm rút gọn (Điều 253 khoản 5): Sau khi kết thúc việc tranh luận và đối đáp, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm.

2.1.9. Phát biểu quan điểm giải quyết vụ án (Điều 190, Điều 240, Điều 270, Điều 249, Điều 253):

Theo quy định của Luật TTHC, cũng như Luật sửa đổi bổ sung Luật TTHC, VKS tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm, các phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên theo quy định của Luật TTHC năm 2010 khi viện kiểm sát không tham gia phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, nay theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật TTHC thì khi Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của Viện kiểm sát, đồng thời đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời, cụ thể là:

- Tại phiên tòa sơ thẩm (Điều 190): Tại các phiên tòa, phiên họp ở giai đoạn sơ thẩm, Kiểm sát viên ngoài phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng hành chính trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án còn phát biểu về việc giải quyết vụ án (tức quan điểm giải quyết vụ án). Như vậy so với Luật TTHC năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung Luật TTHC mở rộng quyền cho Viện kiểm sát được phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án.

- Tại phiên tòa phúc thẩm (Điều 240): Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên trình bày về nội dung kháng nghị và các căn cứ của việc kháng nghị, phát biểu ý kiến về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự đã nêu, phát biểu ý kiến của VKS về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm.

Như vậy, quan điểm về việc giải quyết vụ án của Viện kiểm sát được thể hiện trong kháng nghị của Viện kiểm sát và việc đánh giá, nhận xét đối với ý kiến của đương sự và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

- Tại phiên tòa giám đốc thẩm và tái thẩm (Điều 270, Điều 286): Đại diện VKS trình bày nội dung kháng nghị trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị; phát biểu ý kiến của VKS về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án. 

Điểm đáng lưu ý là: Luật TTHC năm 2015 quy định về việc: Ngay sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm (Điều 190); phúc thẩm (Điều 240); giám đốc thẩm (Điều 270) kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu hồ sơ vụ án.

Như vậy, sự tham gia của VKS trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án là một hoạt động quan trọng đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các chủ thể tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng.

2.1.10. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án (Điều 194, Điều 242, Điều 277, Điều 286)

- Kiểm sát bản án sơ thẩm (Điều 194)

- Kiểm sát bản án phúc thẩm (Điều 242)

- Kiểm sát quyết định giám đốc thẩm (Điều 277)

- Kiểm sát quyết định tái thẩm (Điều 277, Điều 286)

Điểm đáng lưu ý khi tiến hành kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án thì Kiểm sát viên phải tiến hành xem xét bản án có phản ánh đầy đủ các tình tiết khách quan trong hồ sơ vụ án hay không; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật tố tụng, pháp luật nội dung có đúng hay không; trên cơ sở đó đánh giá quyết định của bản án có căn cứ và đúng quy định pháp luật hay không.

2.2. Thực hiện các quyền của Viện kiểm sát

2.2.1. Thực hiện quyền yêu cầu (Điều 25, Điều 93, Điều 343)

- Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ (Điều 25 khoản 2; Điều 84 khoản 6)

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu chứng cứ (Điều 93 Khoản 4).

Yêu cầu cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ; đúng pháp luật (Điều 343).

* Điểm lưu ý: Quyền yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ vụ án của Viện kiểm sát được quy định tại Thông tư số 03/2012/TTLT- VKSNDTC- TANDTC ngày 01/8/2012, tuy nhiên chưa được pháp điển hóa.

2.2.2. Thực hiện quyền kiến nghị (Điều 25, Điều 76; Điều 124; Điều 315)

- Kiến nghị UBND cấp phường, xã khởi kiện vụ án hành chính đối với người chưa thành niên và người bị nhược điểm về tâm thần (Điều 25 khoản 3).

- Kiến nghị về trả lại đơn khởi kiện để xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị (Điều 124 khoản 1);

- Kiến nghị việc quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 76 khoản 1);

- Kiến nghị Tòa án về việc quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn (Điều 248 khoản 1)

- Kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật (Điều 43 khoản 8);

- Kiến nghị cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của Cơ quan, tổ chức phải chấp hành bản án, quyết định của Tòa án để có biện pháp thi hành nghiêm chỉnh bản án, quyết  định của Tòa án (Điều 315).

- Kiến nghị đối với Tòa án cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ; đúng pháp luật (Điều 343).

- Kiến nghị với Chánh án TANDTC xem xét theo thủ tục đặc biệt đối với Quyết định Giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC (Điều 287).

- Kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm (nói chung) trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính (khoản 2 Điều 25).

2.2.3. Thực hiện quyền kháng nghị (Điều 211; Điều 260; Điều 283)

 - Quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (Điều 211 khoản 1):

Đây là quyền năng đặc trưng và quan trọng nhất của VKS khi thực hiện chức năng kiềm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHC. Theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung Luật TTHC, “Viện trưởng VKS cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm” (Điều 211).

- Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 260 khoản 2):

 “Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án nhân dân cấp cao; những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác trừ quyết định của HĐTP Toà án nhân dân tối  cao” (Khoản 1 Điều 260). Viện trưởng VKS cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ” (Khoản 2 Điều 260). Đây là quy định mới triển khai thực hiện quy định VKS, Tòa án 4 cấp, trong đó có VKSND cấp cao được giao nhiệm vụ kháng nghị và tham gia phiên tòa giám đốc thẩm của tòa án cùng cấp.

-   Kháng nghị theo thủ tục tái thẩm (Điều 283):

“Viện trưởng VKSNDTC có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bán án, quyết định đã có hiệu lực của Toà án nhân dân cấp cao; những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của HĐTP Toà án nhân dân tối cao” (Khoản 1 Điều 283). Viện trưởng VKS cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thấm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ “ (Khoản 2 Điều 283). Đây là quy định mới triển khai thực hiện quy định VKS, Tòa án 4 cấp, trong đó có VKSND cấp cao được giao nhiệm vụ kháng nghị và tham gia phiên tòa giám đốc thẩm của tòa án cùng cấp.

Như vậy, khi bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm pháp luật, cũng như khi bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hay tình tiết mới có thể làm thay đổi bản chất vụ án, VKS sẽ thực hiện quyền kháng nghị để đảm bảo việc xét xử của Tòa án tuân thủ đúng pháp luật, tránh oan sai, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật tố tụng hành chính.

IV. NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI SỐ 104/2015/QH13 NGÀY 25/11/2015 VỀ VIỆC THI HÀNH LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH:

- Hiệu lực thi hành (Điều 1):

Kể từ ngày Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 7 năm 2016):

1. Đối với những vụ án hành chính đã được Toà án thụ lý trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới xét xử theo thủ tục sơ thẩm thì áp dụng quy định của Luật này để giải quyết;

2. Đối với những vụ án hành chính đã được Tòa án xét xử theo thủ tục sơ thẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà có kháng cáo, kháng nghị, nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới xét xử theo thủ tục phúc thẩm thì áp dụng quy định của Luật này để giải quyết;

3. Đối với những bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng quy định của Luật này để giải quyết;

4. Đối với những bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 người có thẩm quyền kháng nghị mới kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì căn cứ để thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định của Luật này;

5. Đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đã được Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý giải quyết trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì Tòa án đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết;

6. Khi giải quyết các vụ án hành chính, Tòa án tiếp tục áp dụng các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về án phí, lệ phí Tòa án, chi phí tố tụng khác cho đến khi có quy định mới của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với vụ án hành chính được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức án phí thấp hơn mức án phí áp dụng đối với vụ án hành chính được giải quyết theo thủ tục thông thường.

- Thời hiệu áp dụng (Điều 2)

Các vụ án hành chính phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì áp dụng thời hiệu quy định tại Điều 104 của Luật tố tụng hành chính số 64/2010/QH12.

Đối với các vụ án hành chính phát sinh kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, thì áp dụng thời hiệu quy định tại Điều 116 của Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13.

- Trách nhiệm của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, TW MTTQ Việt Nam và các thành viên trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật, các VBQPPL; kiện toàn tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ; tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến cán bộ công chức, viên chức và nhân dân; hướng dẫn thi hành Luật tố tụng hành chính (Điều 4)

1. Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức việc rà soát các quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hiện hành để bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới, đề nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới phù hợp với quy định của Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật này.

2. Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình khẩn trương củng cố tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự để bảo đảm đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ án và thi hành án hành chính khi Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 có hiệu lực thi hành.

3. Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân nhằm góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng của Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 trong bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

4. Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.

KẾT LUẬN

 Qua những quy định của Luật Tố tụng hành chính nêu trên cho chúng ta thấy Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục được khẳng định là cơ quan tiến hành tố tụng, Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên là người tiến hành tố tụng; thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật quá trình giải quyết vụ án hành chính nhằm bảo đảm cho quá trình giải quyết vụ án hành chính của Tòa án nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Nội dung các quyền được bổ sung, tăng cường như: quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ hoặc Viện kiểm sát trực tiếp thu thập chứng cứ, quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ; quyền kiến nghị đối với Tòa án và các cơ quan có liên quan có vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án hành chính; quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án; quyền phát biểu quan điểm giải quyết vụ án tại các phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm, phiên tòa giám đốc thẩm và tái thẩm. Đây là sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Luật Tố tụng hành chính./.

                                                              Phòng 10- VKSND tỉnh Bến Tre