Quán triệt, thực hiện ngiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và nhiệm vụ cải cách tư pháp đến năm 2020, triển khai và tổ chức thi hành các đạo luật mới về tư pháp trong đó có Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là nhiệm vụ quan trọng nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự.
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện Trưởng VKSND tối cao về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm” vấn đề trước mắt cần quan tâm là phải nghiên cứu sâu một số điểm mới của nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật tố tụng năm 2015, đó là:
Thứ nhất, vấn đề pháp nhân trong Bộ luật tố tụng hình sự được quy định tại các Điều 9 và Điều 11 cụ thể: “Mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế” và pháp nhân được bảo hộ về danh dự, uy tín, tài sản của mình. Lần đầu tiên Bộ luật hình sự năm 2015 quy định chỉ pháp nhân thương mại mới phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 76 BLHS năm 2015)
Như vậy pháp nhân thương mại là gì?
Theo Điều 75 Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2017 ghi:
Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo như Điều 75 thì pháp nhân thương mại là doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Như vậy thì các công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty tư nhân, công ty hợp danh,…được pháp luật công nhận tư cách pháp nhân hoạt động vì mục đích lợi nhuận thì được xem là pháp nhân thương mại. Đây là vấn đề hoàn toàn mới mẽ khi nghiên cứu và áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật hình sự năm 2015 sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/2016 tới đây.
Thứ hai, nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 của Bộ luật tố tụng hình sự, cụ thể:
- Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
- Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.
Nguyên tắc trên đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải hết sức thận trọng, khách quan, đánh giá đầy đủ, toàn diện các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội từ giai đoạn tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhằm chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm. Tại Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2013, đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh : “ Để lọt tội phạm không chỉ đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân, làm mất ổn định xã hội mà còn giảm niềm tin của nhân dân với các cơ quan pháp luật, trong đó có Viện kiểm sát. Vi phạm bắt oan, sai là tạo ra oán hờn và cũng mất niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan pháp luật”. Vì vậy, Viện kiểm sát các cấp phải tập trung làm tốt công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp, trước hết là trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, phát huy tính chủ động, tích cực của Kiểm sát viên trong hoạt động điều tra vụ án để thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa.
Nắm vững những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sẽ giúp Kiểm sát viên nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, áp dụng đúng pháp luật tố tụng hình sự và luật hình sự góp phần hoàn thành tốt kế hoạch công tác kiểm sát của Ngành năm 2016./.
Phòng 3 – VKSND tỉnh Bến Tre