Tư tưởng Hồ Chí Minh là “một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của Cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện một sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, trong đó chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người đã chỉ rõ tầm quan trọng, mục đích của việc đào tạo cán bộ cũng như nguyên tắc, phương thức đào tạo. Đó đều là những nội dung thiết thực mà mỗi cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo cần quán triệt, vận dụng vào thực tiễn.
Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đã quy định “Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố Nhà nước, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. Kể từ khi thành lập đến nay, Ngành kiểm sát vẫn luôn nỗ lực hết sức hoàn thành nhiệm vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Có được những thành tựu như trên, một phần xuất phát từ việc Ngành kiểm sát vẫn luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong đó, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đào tạo cán bộ giữ vai trò đặc biệt, mang đậm ý nghĩa đến tận ngày nay, là kim chỉ nam để Ngành kiểm sát nói chung và VKSND huyện Bình Đại nói riêng vận dụng thực hiện.
Trên cơ sở vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện chỉ đạo của ngành kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Đại đã xác định nhiệm vụ đào tạo cán bộ cần được chú trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục và quan trọng nhất để đạt được hiệu quả trong công tác đào tạo cán bộ là chú trọng công tác tự đào tạo, đào tạo tại chỗ, đào tạo cả về năng lực và đạo đức. Đối với yêu cầu này, đơn vị trước hết chú trọng giáo dục cho cán bộ kiểm sát về chính trị tư tưởng, về đạo đức cách mạng, đạo đức của người cán bộ kiểm sát. Gắn việc thực hiện lời dạy của Bác “Cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”” với cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm" và việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời, chủ động đề nghị Huyện ủy có chỉ tiêu cho cán bộ của đơn vị đi học lý luận chính trị, quản lý nhà nước tại địa phương để nâng cao trình độ, nhận thức chính trị, đáp ứng yêu cầu của người cán bộ kiểm sát trong giai đoạn hiện nay. Thường xuyên theo dõi, giám sát để phát hiện, kịp thời uốn nắn cán bộ, đảng viên. Lãnh đạo Viện, Bí thư chi bộ là người đứng đầu và luôn gương mẫu về mọi mặt để mỗi công chức, đảng viên noi theo học tập.
Về mặt chuyên môn, Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Đại xác định gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Các cán bộ trong đơn vị đều có trình độ cử nhân luật trở lên, về mặt lý thuyết đã được học tập, nghiên cứu từ khi còn trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực tế khác nhau. Vì vậy, đối với cán bộ trẻ, lãnh đạo đơn vị luôn hướng đến đào tạo cụ thể, “cầm tay chỉ việc”, đào tạo gắn phân công nhiệm vụ để “học” đi đôi với “hành”. Phân công cán bộ trẻ giúp việc cho Kiểm sát viên để tiếp cận, làm quen với công tác. Giao nhiệm vụ cho lãnh đạo, kiểm sát viên quan tâm hướng dẫn, kèm cặp, đào tạo cán bộ trẻ thông qua các công việc cụ thể.
Với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Ngành kiểm sát yêu cầu phải nắm chắc các quy định của pháp luật. Trong khi đó, pháp luật luôn có sự vận động, thay đổi. Do vậy, mỗi cán bộ kiểm sát phải thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các văn bản pháp luật, tránh chủ nghĩa kinh nghiệm, làm theo thói quen, lối mòn. Đồng thời, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc họp giao ban hàng tuần – trong đó tập trung quán triệt, triển khai các văn bản mới, các văn bản rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên song song với việc trao đổi những khó khăn vướng mắc trong quá trình làm việc để cùng bàn bạc, tìm cách tháo gỡ.
Để nâng cao trình độ chuyên môn, đơn vị tích cực cử các cán bộ đi học tập, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Ngành và Viện kiểm sát tỉnh Bến Tre tổ chức. Nhưng không cử tràn lan mà dựa trên yêu cầu đào tạo và nhiệm vụ công tác của từng cán bộ, ở từng lĩnh vực cụ thể. Đối với việc phân công nhiệm vụ, đơn vị không phân chia công việc một cách tùy ý mà tuỳ theo năng lực của mỗi người. Đồng thời vẫn có sự luân chuyển trong thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo đào tạo toàn diện, linh hoạt điều chỉnh phân công nhiệm vụ khi có thay đổi về cán bộ, công chức.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và đào tạo cán bộ ở mỗi giai đoạn lịch sử đều mang ý nghĩa sâu sắc và giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay. Nhận thức đúng đắn và vận dụng có hiệu quả những tư tưởng của Người là một trong những cơ sở quan trọng để Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Đại thực hiện tốt công tác đào tạo cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm’’, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Diễm Phúc – Viện KSND huyện Bình Đại