Khoảng 01 giờ ngày 20/8/2015, tại quán cà phê ở phường 5, Đoàn Văn A rủ Nguyễn Vang Phú B và Lại Đức C đến đường Tán Kế ở phường 3, thành phố Bến Tre, để lấy tài sản trên người của anh Trần Anh T như: Bóp tiền, điện thoại di động, dây chuyền vàng,… vì trước đó A thấy anh T đang say rượu, nằm ngủ bên vỉa hè thì B và C đồng ý. Liền đó, cả ba đi trên 02 xe mô tô đến chỗ anh T. Trên đường đi, A dặn thêm B và C là đến giả bộ chở anh T về nhà giùm đến đoạn đường vắng rồi tìm cách lấy tài sản. Khi đến nơi, bọn chúng phát hiện thêm cách chỗ anh T nằm ngủ khoảng 25m còn có xe mô tô 71B2-xxx.13 của anh T ngã trên đường. Theo kế hoạch đã bàn tính, A và B đến kêu anh T dậy và giả bộ hỏi thăm để chở anh T về nhà giùm, còn C đến dẫn xe mô tô 71B2-xxx.13 của anh T lại. Tại đây, C điều khiển xe mô tô 71B2-xxx.13 chở anh T, còn A và B mỗi người điều khiển một xe riêng cùng chạy về hướng ngã tư Ngô Quyền - CMT8. Khi đến ngã tư, A điều khiển xe chạy trước về phường 5. Lúc này, C nảy sinh ý định chỉ lấy xe mô tô 71B2-xxx.13 mà không lấy tài sản khác nên nói cho B biết, thì B đồng ý. Để thực hiện ý định, B cố ý chạy xe lạng lách và chặn đầu xe của C. C dừng xe, giả bộ chửi: “ Chạy xe gì kỳ vậy? Mày muốn gì?”. Lúc này, anh T xuống xe nói lảm nhảm gì đó với B. Thấy anh T đã rời xa xe mô tô 71B2-xxx.13 khoảng 02 m, nên B nháy mắt ra hiệu thì C lên ga xe chạy mất. Anh T cũng không có phản ứng gì… Sau đó, vụ việc bị phát hiện; A không đồng ý chịu chung trách nhiệm hình sự với B và C về việc lấy xe mô tô của anh T; còn anh T cho đến nay vẫn không nhớ, không biết mình bị mất xe ở đâu? lúc nào?... do lúc đó đã say rượu.
Qua vụ án trên, đã có nhiều quan điểm xử lý khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng:
- Khi thấy anh T say xỉn ngủ trên vỉa hè có tài sản để trong người như: Bóp tiền, điện thoại di động, dây chuyền vàng,… nên A chỉ bàn tính với B và C là tìm cách chiếm đoạt số tài sản này chứ không tính việc lấy xe mô tô vì A không thấy có xe mô tô. Tại hiện trường phát hiện thêm tài sản là chiếc xe mô tô nhưng việc chiếm đoạt xe mô tô của B và C phát sinh sau khi A đã điều khiển xe đi trước. A không biết B và C sẽ chiếm đoạt xe mô tô của anh T nên A không phạm tội chung với B và C.
- Đối với B và C, khi bàn tính lấy xe mô tô của anh T, cả hai đều biết anh T say xỉn, không có khả năng ngăn cản, bảo vệ tài sản của mình, nên B và C công khai lấy xe mô tô trước mặt anh T mà không cần bất cứ thủ đoạn nào khác như: Lén lút, đe dọa, nhanh chóng,... nên B và C phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 137 Bộ luật Hình sự.
Quan điểm thứ hai cho rằng:
- A phạm tội chung với B và C. Bởi lẽ, trước đó A không thấy có xe mô tô nên chỉ bàn tính với B và C là lấy tài sản để trong người anh T như: Bóp tiền, điện thoại di động, dây chuyền vàng. Nhưng trên thực tế tại hiện trường có thêm chiếc xe mô tô, thì đây cũng chính là tài sản của anh T. Lúc này, A, B và C ngầm hiểu với nhau về việc lấy tài sản của anh T không chỉ giới hạn là bóp tiền, điện thoại di động hay dây chuyền vàng như bàn tính ban đầu mà còn có thêm tài sản là chiếc xe mô tô. Trên cơ sở đó, A đã điều khiển xe đi trước, để B và C tiếp cận lấy tài sản của anh T. Vì vậy, B và C lấy tài sản nào của anh T thì A cũng phải chịu chung trách nhiệm đối với tài sản đó.
- Đối với B và C, do có ý muốn chiếm đoạt tài sản của anh T (không giới hạn tài sản nào), nên giả bộ cho C điều khiển xe mô tô của anh T để đưa anh T về nhà. Sau đó, do chỉ muốn chiếm đoạt xe mô tô nên C và B giả tạo tình huống xung đột giao thông để dừng xe cự cãi nhau, với mục đích là cho anh T rời khỏi xe để C chiếm đoạt. Anh T, khi thấy C và B cự cãi nhau, theo phản xạ đã xuống xe tham gia cự cãi với B, thì lúc này C chiếm đoạt xe mô tô của anh T. Việc anh T khai do say rượu nên không nhớ, không biết, không có nghĩa là không còn lý trí. Khi anh T lên xe mô tô để cho C chở về nhà, có nghĩa anh T đã tin tưởng giao xe mô tô cho C. Khi thấy có việc cự cãi giữa C và B, thì anh T tự xuống xe tham gia cự cãi với B cũng nằm trong ý đồ gian dối của C và B, nên hành vi chiếm đoạt xe mô tô của C và B đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự.
Quan điểm thứ ba cho rằng:
- B và C phạm tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, tuy C và B có hành vi gian dối giả bộ đưa anh T về nhà hay giả tạo tình huống xung đột giao thông để dừng xe cự cãi nhau, với mục đích là cho anh T rời khỏi xe để C chiếm đoạt, đây thuần túy chỉ là thủ đoạn của B và C nhằm tiếp cận tài sản. Khi anh T rời khỏi xe đứng cự cãi với B, thì C lên ga nhanh chóng chiếm đoạt, nhanh chóng tẩu thoát. Khi lấy xe mô tô của anh T, tuy C biết anh T đã say xỉn, không có khả năng ngăn cản, bảo vệ tài sản của mình, nhưng lúc đó C cũng phải nhanh chóng lên ga xe tẩu thoát, để đảm bảo việc chiếm đoạt tài sản và không bị ai phát hiện.
- Đối với A, do chỉ rủ B và C đi lấy tài sản của anh T nhưng không bàn tính cách thức thực hiện hành vi phạm tội như thế nào. Mặt khác, trước khi B và C thực hiện hành vi chiếm đoạt, thì A đã bỏ đi về trước, cũng có nghĩa A đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (hiện A không đồng ý chịu chung trách nhiệm hình sự với B và C về việc lấy xe mô tô của anh T), nên A không phạm tội chung với B và C.
Nhằm trao dồi và nâng cao trình độ lý luận nghiệp vụ về việc định tội danh cho vụ án nêu trên, rất cần ý kiến tham luận của các đồng nghiệp./.
Mạnh Hùng - VKSND thành phố Bến Tre