Khoản 1 Điều 6 thông tư thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự ngày 26/7/2010 gọi tắt là thông tư số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC có quy định:
“ Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệquyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án.
Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án.”
Trong trường hợp này, không quy định rõ “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hay chưa có hiệu lực pháp luật” dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau, gây rất nhiều khó khăn trong việc kê biên xử lý tài sản của người phải thi hành án. Vì nếu hiểu kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mà người phải thi hành án bán tài sản thì tài sản đó vẫn bị kê biên.
Còn nếu hiểu “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật”, trong thời gian chờ có hiệu lực, người phải thi hành án bán tài sản thì tài sản này không được kê biên, mà kê biên không kịp thời dẫn đến tẩu tán tài sản trốn tránh việc thi hành án.
Như vậy, quy định “kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm” được tính từ thời gian nào? Từ thời điểm sau khi tuyên án tại tòa, từ thời điểm ban hành bản án, tại thời điểm các đương sự nhận được bản án hay từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật? Thực tiễn đã có những trường hợp pháp luật không dự liệu hết được, nên có những phát sinh trong thực tế vẫn còn nhiều mâu thuẫn trong nhận thức và áp dụng pháp luật.
Thực tế phát sinh vụ việc như sau:
Vợ chồng ông Nguyễn Văn T và bà Trần Thị T, cùng cư trú huyện CT có quyền sử dụng thửa đất số 448, tở bản đồ số 06, diện tích 478,4m2 tọa lạc tại xã HĐ, huyện CT, tỉnh BT.
Do thửa dất này vợ chồng ông T, bà T đang thế chấp ngân hàng QĐ, chi nhánh tỉnh TG nên giữa ông V, ông T, bà T và ngân hàng QĐ tiến hành thỏa thuận “bên vay vốn là ông T, bà T bán tài sản thế chấp cho ông V để trả nợ quá hạn”.
Ngày 27/01/2015, ông V làm hợp đồng đặt cọc mua quyền sử dụng thửa đất số 448 của vợ chồng ông T, bà T. Số tiền đặt cọc 450.000.000đ, giá chuyển nhượng 630.000.000đ. Hợp đồng đặt cọc có công chứng.
Sau khi ông V, ông T, bà T đến ngân hàng, ông V đã trả số tiền nợ quá hạn của ông T, bà T cho ngân hàng để ngân hàng trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số đỏ) cho ông T, bà T để làm thủ tục chuyển nhượng.
Ngày 29/01/2015, vợ chồng ông T, bà T và ông V ký hợp đồng chuyển nhượng (có công chứng).
Ngày 09/3/2015, ông V nộp thuế chuyển nhượng và chờ UBND huyện CT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong khi đó, ngày 21/01/2015, Tòa án nhân dân huyện CT xét xử, buộc vợ chồng ông T, bà T có trách nhiệm liên đới trả cho ông Nguyễn Quốc H, đăng ký thường trú xã BKĐ, huyện MCN, tỉnh BT số tiền 460.200.000đ.
Tiếp theo, ngày 15/4/2015, Chi cục THADS huyện CT có công văn số 175 gửi Văn phòng đăng kí quyền sử dụng đất huyện CT đề nghị tạm thời không giải quyết đối với các thủ tục chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất thửa 448, tờ bản đồ số 06, diện tích 478,4m2 của vợ chồng ông T, bà T.
Ngày 17/6/2015, Tòa án nhân dân huyện CT, tỉnh BT có quyết định số 32/2015/QĐST-DS công nhận sự thỏa thuận như sau: ông Nguyễn Văn T, bà Trần Thị T có trách nhiệm liên đới trả cho ông Nguyễn Văn P và bà Phạm Thị H, cùng ngụ quận BT, TPHCM số tiền 855.000.000đ.
Các quyết định thi hành án số 905 ngày 16/4/2015; 933 ngày 04/5/2015; 1149 ngày 23/6/2015; 1209 ngày 06/7/2015 của Chi cục THADS huyện CT buộc ông T và bà T thi hành bản án số 03/2015/DSST ngày 21/01/2015 và Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 32/2015/QĐST-DS ngày 17/6/2015 của Tòa án nhân dân huyện CT, tỉnh BT. Ngoài ra ông T và bà T còn phải nộp án phí DSST có giá ngạch là 31.820.500đ.
Ngày 11/8/2015 sau khi xác minh điều kiện thi hành án của ông T, bà T, Chi cục THADS huyện CT ban hành quyết định cưỡng chế số 10/QĐ-CTHA kê biên quyền sử dụng đất và công trình trên đất thuộc thửa 448, tờ bản đồ số 06, diện tích 478,4m2 tọa lạc tại xã HĐ, huyện CT, tỉnh BT của ông T và bà T.
Ngày 21/8/2015 Chi cục THADS huyện CT đã tiến hành các thủ tục cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và công trình trên đất thuộc thửa 448, tờ bản đồ số 06, diện tích 478,4m2 tọa lạc tại xã HĐ, huyện CT, tỉnh BT của ông T và bà T theo kế hoạch.
Hiện tại, có hai quan điểm như sau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: ông V làm hợp đồng đặt cọc mua quyền sử dụng đất số 448 của vợ chồng ông T, bà T vào ngày 27/01/2015 khi bản án số 03/2015/DSST ngày 21/01/2015 của Tòa án nhân dân huyện CT, tỉnh BT chưa có hiệu lực pháp luật.
Tài sản chuyển nhượng là quyền sử dụng đất đang thế chấp ngân hàng đã quá hạn. Hợp đồng chuyển nhượng có công chứng và đúng quy định của pháp luật. Nếu ông V không trả số nợ ngân hàng đã quá hạn của ông T, bà T là 400.000.000đ thì thửa đất số 448 vẫn đang còn thế chấp tại ngân hàng. Như vậy, quyền sử dụng đất thửa 448 là thuộc quyền sở hữu của ông V. Việc cưỡng chế, kê biên của Chi cục THADS huyện CT là không đúng quy định.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: Khoản 1 Điều 6 thông tư thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự ngày 26/7/2010 gọi tắt là thông tư số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC có quy định:
“ Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” Như vậy, Viện KSND huyện CT thực hiện việc tổ chức thi hành án của Chi cục THADS huyện CT đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo luật định.
- Cũng có quan điểm cho rằng, nếu như ông V hoàn thành nghĩa vụ thuế đúng luật định thì UBND huyện CT cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông V, quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của ông V, thì Cơ quan THADS huyện CT dựa vào cơ sở nào để kê biên, cưỡng chế? Do vậy, khoản 1 Điều 6 thông tư liên tịch nêu trên có phù hợp với thực tiễn khi áp dụng trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự không?
Mời các đồng chí cùng có ý kiến thảo luận về vụ việc trên./
Phòng 11 - VKSND tỉnh Bến Tre