Giải quyết khiếu nại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự, góp phần vào công tác điều tra, truy tố, xét xử đúng trình tự thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Trong quá trình giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự phát sinh tình huống như sau:
Nguyễn Văn A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản và đã bị Cơ quan điều tra khởi tố; trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, A liên tục kêu oan. Khi Cơ quan điều tra có bản kết luận điều tra, A khiếu nại theo hướng kêu oan và đã được Viện kiểm sát thụ lý và giải quyết đơn khiếu nại của A (Viện kiểm sát bác đơn của A). Sau đó, hành vi của A đã bị Viện kiểm sát truy tố sang Tòa án để xét xử, A tiếp tục khiếu nại bản cáo trạng của Viện kiểm sát với nội dung kêu oan như khi có kết luận điều tra. Việc khiếu nại bản cáo trạng của A trong trường hợp này như thế nào? Hiện có hai quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc khiếu nại bản cáo trạng của A phải được thụ lý và giải quyết theo đơn, tức khi A có đơn khiếu nại bản cáo trạng của Viện kiểm sát thì phải được thụ lý và giải quyết việc khiếu nại cho A.
Quan điểm thứ hai cho rằng, việc khiếu nại bản cáo trạng của A không cần thiết giải quyết, bởi lẽ: nội dung khiếu nại kết luận điều tra và bản cáo trạng là như nhau, A đều kêu oan, việc khiếu nại kết luận điều tra đã được thụ lý và giải quyết, một nội dung khiếu nại không nhất thiết phải giải quyết nhiều lần vì vô hình chung sẽ gây cản trở đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội.
Mong nhận được sự đóng góp của các đồng nghiệp./.
Phòng 2 - VKSND tỉnh Bến Tre