Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

 Qua công tác kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố bản thân tôi đã gặp những khó khăn vướng mắc trong việc áp dụng bộ luật hình sự đối với các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có liên quan đến nợ vay, nợ hụi cụ thể như sau:

1/- Những khó khăn trong công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm.

Hầu hết các vụ việc vỡ nợ hụi và nợ vay đều phát sinh rất nhiều người bị hại, quan hệ vay nợ và chơi hụi diễn ra từ rất lâu, nhiều tài liệu thể hiện mối quan hệ giữa người bị hại và đối tượng phức tạp nên cần rất nhiều thời gian để xác minh làm rõ nhưng thời hạn luật định ngắn (tối đa 02 tháng) thì không làm rõ được vụ việc. Hầu hết các vụ việc đã giải quyết từ những năm trước đều quá hạn luật định.

2/- Những khó khăn trong công tác giải quyết các vụ án

- Về thu thập đánh giá chứng cứ: Trong các vụ án lạm dụng tín nhiệm và lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan đến nợ vay, nợ hụi thì chứng cứ để đánh giá thường chủ yếu là lời khai của các bên (bị hại, nhân chứng, bị can …), hầu hết không có chứng cứ vật chất. Do vậy, quá trình giải quyết vụ án các bên thay đổi lời khai thì ảnh hưởng ngay đến bản chất vụ án.

Trên thực tế đánh giá chứng cứ của các Thẩm phán giữa các vụ án dân sự và hình sự có sự khác biệt rất lớn. Đối với vụ án dân sự thì ngay từ giai đoạn hòa giải tại xã, phường mà bị đơn thừa nhận số nợ như nguyên đơn cáo buộc dù không có chứng cứ khác, sau đó bị đơn có thay đổi không thừa nhận thì vẫn bị thẩm phán tuyên buộc bồi thường như cáo buộc của nguyên đơn. Trong khi đó nếu là vụ án hình sự thì dù bị can có thừa nhận ở giai đoạn điều tra, truy tố mà đến giai đoạn xét xử phản cung không thừa nhận thì thẩm phán không dám tuyên buộc tội bị cáo.

- Về khái niệm thế nào là có ý thức chiếm đoạt tài sản: Cả hai tội Lạm dụng hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều bắt buộc phải chứng minh được ý thức chiếm đoạt tài sản của bị can. Hiện nay các cán bộ tiến hành tố tụng còn lúng túng về khái niệm chiếm đoạt tài sản. Chưa có văn bản pháp lý đưa ra định nghĩa đầy đủ về khái niệm này. Hầu hết đều được hiểu là hành vi tước đoạt các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt của chủ sở hữu.

Trên thực tế đối với hai loại tội Lạm dụng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan đến nợ vay và hụi thì hành vi tước đoạt các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt của chủ sở hữu rất khó phân biệt với hành vi chuyển nhượng các quyền này bằng giao dịch dân sự.

Mặt khác, ý thức chiếm đoạt tài sản là hình thái ý thức của đối tượng mà chỉ khi đối tượng khai báo mới có thể xác định được. Dù rằng trong lý luận thì hành vi khách quan thể hiện ý thức chủ quan của đối tượng. Nhưng trong các trường hợp này đối tượng có các hành vi tước đoạt các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt của chủ sở hữu lại không khai nhận là có ý thức chiếm đoạt tài sản đó của chủ sử hữu thì Cơ quan tố tụng khó có thể áp đặt đối tượng có ý thức chiếm đoạt để buộc tội đối tượng.

Để áp dụng điều 139 và 140 Bộ luật hình sự có liên quan đến nợ vay, nợ hụi đúng qui định, mong được trao đổi thêm của các bạn đồng nghiệp.

                                                                                              Đức Trung

                                                                                 VKSND Thành phố Bến Tre

Tạo mới bình luận

Mã bảo mật
Làm mới