Tình huống:
Qua tìm hiểu và làm quen với nhau trên mạng internet, Nguyễn Văn A đã hẹn gặp Nguyễn Thị B uống cà phê. Nguyễn Văn A thuê taxi, còn Nguyễn Thị B điều khiển xe mô tô Airblade đến điểm hẹn. Thấy chị B có xe mô tô Airblade, nên Nguyễn Văn A nảy sinh ý định muốn chiếm đoạt xe mô tô của chị B. Vì vậy, sau khi trò chuyện xong tại quán, A kiếm chuyện hỏi B cho đi nhờ xe để về. B đồng ý nên đưa chìa khóa xe cho A chở. Trên đường đi, A chủ động làm rớt điện thoại di động và dừng xe lại nhờ B nhặt giùm. Khi B vừa xuống xe, thì A nhanh chóng tăng ga tẩu thoát.
Từ tình huống trên, có 03 quan điểm khác nhau về xác định tội danh đối với A, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: A phạm tội: “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại Điều 137 Bộ luật hình sự. Vì khi chị B bước xuống rời khỏi chiếc xe, thì B hoàn toàn không có khả năng bắt được A khi A đã tăng ga tẩu thoát.
Quan điểm thứ hai cho rằng: A phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự. Vì A có ý định chiếm đoạt xe mô tô của chị B trước đó, nên A đã thực hiện hành vi gian dối làm rớt điện thoại di động để cho chị B tin tưởng bước xuống xe nhặt điện thoại m giao xe mô tô cho A rồi bị A chiếm đoạt.
Qua điểm thứ ba cho rằng: A phạm tội: “Cướp giật tài sản”, theo quy định tại Điều 136 Bộ luật hình sự. Dù rằng A có thực hiện thủ đoạn gian dối là chủ động làm rớt điện thoại di động để cho chị B bước xuống rời khỏi xe nhặt giùm A, nhưng thủ đoạn này chỉ với mục đích là để chị B không còn quản lý chặt chẽ chiếc xe mô tô. Việc A tăng ga bỏ chạy ngay khi chị B bước xuống xe là A đã thực hiện hành vi nhanh chóng chiếm đoạt và nhanh chóng tẩu thoát, nên đã cấu thành tội: “Cướp giật tài sản”.
Để nâng cao trình độ lý luận nghiệp vụ, rất mong ý kiến tham luận của các đồng nghiệp.
H.Phúc
VKSND TP.Bến Tre