Chào mừng bạn đã đến với website www.vksbentre.gov.vn của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre. Chúc bạn có ngày làm việc vui vẻ và thành công !

Tháng 12/2018, Công ty TNHH đầu tư RPĐ (gọi tắt Công ty RPĐ) ở Thành phố Hồ Chí Minh có cho Lê Văn T thuê xe ôtô 04 chỗ ngồi để chạy taxi công nghệ. Đến khoảng tháng 06/2021, T chạy xe ôtô đến tỉnh Bến Tre bán cho ông Ngô S giá 260.000.000 đồng. Khi bán xe, T nói giấy tờ xe bị Cảnh sát giao thông tạm giữ thời hạn 03 tháng nên giao cho ông S bản sao giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô mang tên Lê Văn T và hẹn sau 03 tháng sẽ mang bản chính giấy chứng nhận đến giao cho ông S để làm thủ tục sang tên. Ông S trả trước cho T 100.000.000 đồng và nhận xe sử dụng. Sau đó, Công ty RPĐ qua định vị phát hiện được xe ôtô đang hoạt động trên địa bàn thành phố Bến Tre nên cử người đi tìm và biết được ông S đang quản lý chiếc xe này. Qua trao đổi, ông S đồng ý giao trả lại chiếc xe ôtô cho Công ty RPĐ và tố giác hành vi lừa đảo của T đến Công an thành phố Bến Tre.

Hiện nay vụ việc trên có 03 quan điểm giải quyết, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Do xe ôtô là động sản có đăng ký nên mặc dù T đã bán chiếc xe cho S nhưng giao dịch này là bất hợp pháp, ông S sẽ không thể đăng ký được quyền sở hữu đối với chiếc xe này. Cho nên, Công ty RPĐ sẽ không bị mất xe và thực tế đã nhận lại xe ôtô. Do không bị thiệt hại về tài sản nên hành vi lạm dụng của T đối với Công ty RPĐ không phạm tội. T đã có hành vi gian dối với ông S làm cho ông S tin tưởng nhận lời mua xe ôtô và đã giao trả cho T số tiền 100.000.000 đồng nên ông S là người bị thiệt hại. Do đó, hành vi của T lừa dối ông S để nhận được 100.000.000 đồng là hành vi cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Quan điểm thứ hai: Hành vi của T đã phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 và 175 Bộ luật Hình sự. Bởi vì, T thông qua giao dịch thuê xe ôtô của Công ty RPĐ để chạy taxi công nghệ nhưng sau một thời gian thì nảy sinh ý định chiếm đoạt nên đã bán chiếc xe này cho ông S và bỏ trốn. Mặc dù, ông S sẽ không đăng ký được quyền sở hữu đối với chiếc xe này nhưng ý thức của T là mong muốn chiếm đoạt chiếc xe này bằng hình thức bán cho ông S và T đã thực hiện toàn bộ hành vi chiếm đoạt của mình. Cho nên, hành vi này của T đã cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và Công ty RPĐ là bị hại. Sau đó, T đã làm bản photo giả giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô và có lời nói gian dối để S tin tưởng đây là xe của T nên đã đồng ý mua nên đã bị T chiếm đoạt số tiền 100.000.000 đồng. Hành vi này của T đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Quan điểm thứ ba: Hành vi của T đã phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như phân tích ở quan điểm thứ hai. Đối với hành vi có sự gian dối để bán chiếc xe ôtô cho ông S chỉ là tạo sự ngay tình cho ông S tin tưởng mua xe. Cho nên, hành vi này đơn thuần chỉ là tiêu thụ tài sản có được sau khi phạm tội, do đó, ông S chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Trong trường hợp ông S biết được xe do T lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt của Công ty RPĐ mà vẫn mua thì bị xử lý về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự. Quan điểm của tác giả thống nhất với quan điểm thứ ba này.

Rất mong có được sự góp ý của các đồng nghiệp./.

Phan Minh Hiếu – Viện KSND thành phố Bến Tre

Tạo mới bình luận

Mã bảo mật
Làm mới