Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015), được áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng nhằm đảm bảo sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. So với Điều 91 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (BLTTHS 2003) quy định về biện pháp ngăn chặn trên có nhiều thay đổi, bổ sung, cụ thể:
Bổ sung về thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú: Khoản 4 Điều 123 BLTTHS 2015 quy định: “Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù”.
Cụ thể hóa nghĩa vụ của bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú: BLTTHS 2003 chỉ quy định bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan không đi khỏi nơi cư trú của mình, phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong giấy triệu tập và khoản 3 Điều này quy định bị can, bị cáo vi phạm lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. BLTTHS 2015 quy định cụ thể hơn các nghĩa vụ bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải cam đoan thực hiện và trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản 2 Điều 123 BLTTHS 2013 thì bị tạm giam. Ngoài ra, khoản 6 Điều 123 BLTTHS 2015 còn quy định thêm: “Nếu bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo phải báo ngay cho cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú biết để xử lý theo thẩm quyền”.
Những quy định trên đã khắc phục hạn chế của Điều 91 BLTTHS 2003, tuy nhiên khi chưa có văn bản liên ngành hướng dẫn, tôi nhận thấy trong quá trình áp dụng pháp luật có thể phát sinh vấn đề sau:
Theo quy định mới về thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, Cơ quan điều tra áp dụng biểu mẫu số 39 ban hành kèm theo Thông tư số 61 ngày 14/12/2017 của Bộ Công an ở giai đoạn điều tra; Viện kiểm sát áp dụng biểu mẫu số 51 ban hành kèm theo Quyết định số 15 ngày 09/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong giai đoạn truy tố và đều có quy định thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, trong biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết số 05 ngày 19/9/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không có biểu mẫu cấm đi khỏi nơi cư trú. Trong khi quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn của Tòa án trong gian đoạn xét xử sơ thẩm, Khoản 1 Điều 278 BLTTHS 2015 có quy định: “Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định”. Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, Khoản 1 Điều 347 BLTTHS 2015 cũng có quy định: “Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế”. Trong trường hợp khi hết thời hạn điều tra, truy tố, hồ sơ vụ án được chuyển sang Viện kiểm sát, Tòa án nhưng thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú vẫn còn Viện kiểm sát, Tòa án có quyền sử dụng Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú do cơ quan tố tụng trước đó ban hành không.
Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú có thể kéo theo hệ quả pháp lý như sau: Trong trường hợp bị can vi phạm nghĩa vụ cấm đi khỏi nơi cư trú trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và Tòa án không áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú khi Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát vẫn còn, như vậy cơ quan đang quản lý bị can, bị cáo phải báo cho cơ quan nào và cơ quan nào có thẩm quyền xử lý. Trường hợp khác, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thời hạn ghi trong Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã hết nhưng Tòa án không ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, dẫn đến bị cáo rời khỏi địa phương gây cản trở quá trình tố tụng như vậy có đủ cơ sở để bắt bị cáo tạm giam không.
Thực tế trong giai đoạn xét xử có rất nhiều trường hợp Tòa án không ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, như vậy có gây khó khăn cho cơ quan tố tụng không. Để quá trình tố tụng được thuận lợi, thiết nghĩ cần có sự hướng dẫn thống nhất của liên ngành.
Trần Thị Minh Thư – Phòng 7 Viện KSND tỉnh Bến Tre